![]() |
Chỉ cần bỏ ra 5 triệu đồng, nhà đầu tư (NĐT) đã có hơn 1.000 chứng chỉ quỹ (CCQ) PRUBF1 hay MAFPF1! Hai CCQ còn lại trên thị trường niêm yết là VFMVF1 và VFMVF4 có khá hơn, nhưng chỉ có VF1 hiện trên mệnh giá chút ít, còn VF4 cuối tuần rồi chỉ có giá bằng ly cà phê buổi sáng (8.000đ/CC!)...
![]() |
Cho đến bây giờ, nhiều NĐT vẫn chưa thoát khỏi tâm lý các quỹ đầu tư đều thua lỗ trong năm 2008, mà quên rằng từ Âu sang Mỹ, từ đại gia đến NĐT nhỏ lẻ tại VN cũng “te tua” trong năm qua. Trên thực tế, trong thời điểm ảm đạm nhất, các loại CCQ đang niêm yết đều giảm giá ít hơn sự sụt giảm của VN-Index. Trong năm 2008, VN-Index mất tới 65% số điểm, nhưng các CCQ có mức giảm thấp hơn VN-Index từ 15% - 40%. Nhưng trớ trêu thay, khi VN-Index phục hồi thì CCQ lại phục hồi chậm hơn.
Dù VN-Index đã tăng gần 50% so với đầu năm 2009, nhưng chưa có CCQ nào tăng giá đến 45% mặc cho nhiều phiên dư mua không ít và thường xuyên khớp lệnh đạt hàng trăm nghìn mỗi CCQ các phiên gần đây. Khác với nhiều loại chứng khoán đã và đang bị đẩy giá cao hơn tài sản ròng (NAV), CCQ đều có giá trị thấp hơn NAV, có loại chỉ bằng 70% - 75% NAV! Điều này đồng nghĩa với việc các CCQ đang có giá thấp hơn giá trị thực. Giám đốc một công ty chứng khoán thừa nhận: “NĐT đang đánh giá quá thấp CCQ dù thực tế cho thấy đầu tư vào đây ít rủi ro. Nếu VN-Index tăng thì CCQ có tỷ suất lợi nhuận trên vốn luôn vào hàng cao nhất”.
Hiện mỗi quỹ đầu tư có CCQ niêm yết chiến lược đầu tư riêng. MAFPF1 - quỹ đầu tư tăng trưởng, PRUBF1 và VFMVF1 - quỹ đầu tư cân bằng, VFMVF4 - quỹ chuyên đầu tư vào các cổ phiếu blue chip |
Thời gian qua, các quỹ đầu tư có CCQ niêm yết đều đã cơ cấu lại danh mục để dễ “xoay trở” hơn khi thị trường biến động. Hơn nữa, họ đã nhắm đến những mục tiêu trung hạn hơn là dài hạn vì không dễ “chiều lòng” những NĐT thích “tiền tươi thóc thật”.
Theo VFM (quỹ quản lý VFMVF1), cơ cấu tài sản của VFMVF1 gồm 37,4% CP niêm yết (tăng 1,4% so với đầu năm), CP OTC chiếm 21,1%, trái phiếu chiếm 12,6% (giảm 7,7%), tiền và các khoản phải thu khác 24,7% (tăng 8,1%)... Hiện VFMVF1 đã thay đổi tỷ trọng một số nhóm ngành: ngân hàng chiếm 14% (tăng 1,9%), cơ sở hạ tầng, bất động sản 14,3% (tăng 1,9%), trái phiếu 12,6% (giảm 7%). Từ nay đến cuối năm, VFMVF1 sẽ nâng tỷ trọng CP niêm yết lên 55,4%, trái phiếu lên 16,6%, giảm tỷ lệ CP OTC.
Còn VFMVF4 cơ cấu tài sản (tính theo phần trăm) gồm: 69,4% CP niêm yết (tăng 24,1%), CP chưa niêm yết 4%, tiền mặt và tài sản khác 26,6% (giảm 23,7%)... Dự kiến, đến cuối năm 2009, giá trị CP niêm yết của VFMVF4 sẽ là 84%. Trong đó, VFMVF4 sẽ giải ngân vào nhóm CP ngân hàng - tài chính, năng lượng, dược phẩm...
Riêng MAFPF1, danh mục đầu tư của Quỹ có những CP chiếm tỷ trọng lớn như VNM, DPM, FPT, PPC, PVD. Còn PRUBF1 vẫn đang duy trì tỷ lệ tiền mặt và trái phiếu với tỷ trọng lớn. Với diễn biến trên thị trường tài chính vừa qua, qua những tài sản, chứng khoán đang nắm giữ có thể thấy năm nay sẽ sáng sủa hơn so với năm 2008.
Theo nhiều NĐT, dù CCQ ít rủi ro nhưng cũng ít lợi nhuận, vì với giá quá thấp như hiện nay thì mỗi phiên chỉ tối đa khoảng 500đ/CCQ, không hấp dẫn lắm. Bên cạnh đó, những sự cố như VF1 đã gặp phải hay những cú đầu tư không thuận buồm xuôi gió của các quỹ đầu tư có CCQ đang niêm yết lại bị NĐT nhớ lâu hơn những “thành tích” họ đạt được.
Các chuyên gia chứng khoán khuyên rằng, nếu NĐT chập chững bước vào thị trường chứng khoán thì nên thử sức với CCQ trước, bởi các yếu tố giá rẻ, ít rủi ro và tính thanh khoản cao.