“Bội thực” cổ phiếu có thưởng

BÌNH AN| 21/04/2010 04:12

Trong mùa đại hội cổ đông năm nay, hầu như ngày nào nhà đầu tư cũng nhận được thông tin tổ chức niêm yết chia cổ tức bằng cổ phiếu (cổ phiếu thưởng).

“Bội thực” cổ phiếu có thưởng

Trong mùa đại hội cổ đông năm nay, hầu như ngày nào nhà đầu tư (NĐT) cũng nhận được thông tin tổ chức niêm yết chia cổ tức bằng cổ phiếu (cổ phiếu thưởng). Công ty nhỏ thì vài trăm ngàn, công ty lớn có khi lên đến 20 triệu cổ phiếu thưởng. Tính đến cuối tuần qua, cả hai sàn Hà Nội và TP.HCM đã có xấp xỉ 100 công ty dùng hình thức chia cổ tức kiểu này và NĐT ngày càng “bội thực” với cổ phiếu thưởng.

Miếng bánh bẻ hai

Nếu như hai năm trước đây, cổ đông vui mừng với chia cổ phiếu thưởng bao nhiêu thì giờ họ lại ngán ngẩm bấy nhiêu. “Nóng” như cổ phiếu SSI cũng không được đón nhận hào hứng lắm, dù chia với tỷ lệ 1:1 vì ngay sau khi chia, giá cổ phiếu này giảm còn xấp xỉ một nửa.

Nhiều NĐT cho rằng, chia kiểu này chẳng khác gì “bẻ chiếc bánh làm hai rồi đưa lại cho mình và bảo đó là thưởng”. Hàng loạt công ty niêm yết khác cũng chia khá nhiều như: ITC hơn 23 triệu cổ phiếu thưởng, TTF 10 triệu, SZL 10 triệu, AGD 4 triệu, VPL 23 triệu... Chưa kể hàng loạt doanh nghiệp (DN) lớn khác như VNM, PLC, UNI, STB... trước đó đã tung ra thị trường hàng trăm triệu cổ phiếu thưởng.

Cổ phiếu thưởng là "hiện tượng" của đại hội cổ đông năm nay - Ảnh: Quý Hòa

Phó tổng giám đốc một công ty chứng khoán nhận định, với tốc độ chia cổ phiếu thưởng như mấy tháng qua thì NĐT “không bội thực mới lạ”. Ông này nói, trước đây, cổ phiếu thưởng được ví như ba phần rượu một phần nước, thì giờ đang dần ngược lại. Nhiều NĐT không chỉ ngại “rượu pha thêm nước lã” mà còn lo các tổ chức niêm yết sẽ tiếp tục dùng cổ phiếu thưởng trong thời gian tới như một hình thức gọi vốn và trả cổ tức hữu hiệu nhất. Trong thời điểm vốn tiền mặt khó khăn như hiện nay, lãnh đạo nhiều DN phải thừa nhận: “Tăng vốn bằng phát hành thêm cổ phiếu lợi hơn vay ngân hàng nhiều lần”.

Ăn sao không bội thực?

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SJC cho hay: “Trong chừng mực nào đó, phát hành cổ phiếu thưởng giống như DN chia nhỏ cổ phần để giá mỗi cổ phiếu sau khi chia nhỏ sẽ giảm xuống, tạo tính thanh khoản trên thị trường. Thưởng cổ phiếu là một nghiệp vụ làm tăng số lượng cổ phiếu, chứ không làm gia tăng giá trị cổ phần”.

Chuyên viên chứng khoán Huy Nam phân tích: Khi thưởng cổ phiếu cho cổ đông, DN thường sử dụng nguồn vốn thặng dư và lợi nhuận tích lũy qua nhiều năm để chuyển thành vốn điều lệ. Số lượng cổ phiếu tăng lên đồng nghĩa với vốn điều lệ tăng lên, nhưng giá trị của DN vẫn giữ nguyên bởi nguồn thặng dư vốn và lợi nhuận giữ lại bị giảm đi tương ứng.

DN thưởng cổ phiếu cho cổ đông tức là dùng tài sản của cổ đông thưởng cho chính các cổ đông đó. Ngay sau ngày chốt danh sách để nhận cổ phiếu thưởng, sở giao dịch chứng khoán luôn điều chỉnh giá tham chiếu của cổ phiếu giảm tương ứng để giá trị tài sản mà NĐT có trước và ngay sau thời điểm chốt danh sách nhận thưởng không thay đổi.

Nhiều chuyên gia tài chính cũng khuyến cáo, nếu NĐT nhìn vấn đề theo cách trên thì sẽ bớt dị ứng với cổ phiếu thưởng và xem đây là chuyện bình thường. Tuy nhiên, không ít vị cho rằng, DN nên chọn thời điểm thích hợp để chia cổ phiếu thưởng vì nhiều công ty chia cùng lúc với số lượng quá lớn sẽ khiến NĐT có cảm giác “thừa mứa” và giá cổ phiếu, tính thanh khoản dễ bị tác động xấu.

Vừa qua, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) đã công bố một bản báo cáo đánh giá các tác động của việc chia cổ phiếu thưởng. Theo VAFI, có DN chia cổ phiếu thưởng để “phân tán” bớt mức chi cổ tức quá cao, nhưng cũng có nơi lợi dụng để làm giá.

Trong những trường hợp này, NĐT phải hết sức lưu ý vì DN khó tiếp tục tăng trưởng trong tương lai, hoặc tỷ lệ tăng trưởng hằng năm thấp. Bên cạnh đó, có những trường hợp sau khi tăng vốn điều lệ thì gặp khó khăn trong kinh doanh, hoặc đã gặp khó khăn trong kinh doanh nhưng vẫn tăng vốn điều lệ bằng hình thức chia tách để nhằm đẩy giá cổ phiếu lên, phục vụ lợi ích cho cổ đông nội bộ.

Vì vậy, VAFI cảnh báo NĐT nên xem xét giá thị trường của cổ phiếu chuẩn bị chia tách và tính toán lợi nhuận tương lai của DN để xác định chỉ số P/E (hệ số giữa giá giao dịch của một cổ phiếu với lợi nhuận mà cổ phiếu đó đem lại), EPS (thu nhập ròng - cổ tức cổ phiếu ưu đãi)... để đưa ra quyết định đầu tư, chứ đừng nhìn vào giá hằng ngày rất dễ bị các cơn sóng cuốn theo. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Bội thực” cổ phiếu có thưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO