Bán nợ xấu chạy Thông tư 02

LINH CHI| 12/12/2013 08:28

Để chạy đua với thời gian trước khi Thông tư 02/2013/TT-NHNN dự kiến được áp dụng vào ngày 1/6/2014, các ngân hàng (NH) đang đẩy mạnh bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nhằm làm sạch bảng cân đối kế toán.

Bán nợ xấu chạy Thông tư 02

Để chạy đua với thời gian trước khi Thông tư 02/2013/TT-NHNN dự kiến được áp dụng vào ngày 1/6/2014, các ngân hàng (NH) đang đẩy mạnh bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nhằm làm sạch bảng cân đối kế toán.

Đọc E-paper

Dọn nợ xấu cuối năm

Thực tế cho thấy, xử lý nợ xấu luôn được NH đặt lên hàng đầu, nhất là với những NH đang giai đoạn tái cơ cấu quyết liệt. VAMC được xem là công cụ hữu hiệu giúp các NH xử lý được gánh nặng nợ xấu một cách nhanh nhất thông qua hình thức mua nợ và phát hành trái phiếu đặc biệt. Vì thế, chỉ trong một thời gian khá ngắn, nhiều NH đã tranh thủ bán lượng nợ xấu lớn.

Đơn cử, chỉ trong quý IV/2013, SCB đã bán 5.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC để kéo tỷ lệ nợ xấu về dưới mức 3% như mục tiêu kỳ vọng. Vietcombank đã bán khoảng 1.000 tỷ đồng. BIDV cũng vừa bán hơn 1.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC.

Dự kiến, đến hết năm 2013, VAMC sẽ mua được tối thiểu 30.000 - 35.000 tỷ đồng nợ xấu. Lãnh đạo còn VAMC cho biết, đã có hơn 20 tổ chức tín dụng gửi hồ sơ đề nghị được bán nợ xấu cho VAMC với tổng giá trị nợ xấu trên 40.000 tỷ đồng.

Khi nợ xấu được bán cho VAMC sẽ giúp NH đưa được nợ xấu ra khỏi bảng cân đối tài sản. Còn các việc tiếp theo sẽ được VAMC ủy thác lại cho NH để tiếp tục xử lý tiếp các khoản nợ xấu như: tái cơ cấu, bán nợ...

Cụ thể, khách hàng có lãi quá hạn lớn sẽ được giảm lãi một phần, nhằm giúp khách hàng giải quyết khó khăn. Bên cạnh đó, VAMC cũng ủy quyền cho NH bán luôn tài sản đảm bảo, có thể bán cho các NH khác đang có nhu cầu. Trong đó, với những dự án tiềm năng, VAMC sẽ hỗ trợ các NH tìm kiếm đối tác mua lại để hỗ trợ khách hàng về vốn.

Việc bán nợ xấu cũng không ngoài mục đích NH chạy đua làm sạch bản cân đối kế toán trước khi Thông tư 02 dự kiến có hiệu lực tháng 6/2014. Ông Tay Hang Chong, Tổng giám đốc MeKong Bank, cho rằng, nếu như biết dọn nợ xấu và làm sạch bản cân đối kế toán ngay từ thời điểm này thì khi Thông tư 02 chính thức được áp dụng, NH sẽ giảm được khó khăn.

Vì thế, MeKong Bank cũng đã có sự chuẩn bị ngay từ năm 2013 nên không chỉ với nợ xấu mà ngay cả đầu tư trái phiếu và ủy thác cho vay cũng đã được loại ra khỏi hoạt động tín dụng.

"MeKong Bank là một NH quy mô nhỏ, nhưng chúng tôi xác định phải hoạt động bền vững nên phải có sự chuẩn bị sớm. Do đó, theo tôi không cần thiết phải hoãn thêm thời gian thực hiện Thông tư 02, vì thực tế thông tư này cũng đã hoãn 1 năm để các NH có sự chuẩn bị nhằm quản lý tốt kết quả kinh doanh theo chuẩn mực mới", ông Chong nhấn mạnh.

Ông Võ Tấn Hoàng Văn, quyền Tổng giám đốc SCB, cũng cho biết, nếu giải quyết được nợ xấu trước khi Thông tư 02 áp dụng sẽ có nhiều thuận lợi, vì NH đã dọn được nợ xấu trước khi áp dụng các chuẩn mực mới.

Tuy nhiên, theo ông Văn, đẩy mạnh bán nợ cho VAMC hiện nay chưa hẳn vì chạy đua với Thông tư 02, mà quan trọng là do NH nhận thấy được công cụ hữu hiệu của VAMC. VAMC sẽ giúp các NH giải quyết được nợ xấu và kéo tỷ lệ nợ xấu về mức an toàn dưới 3%.

Nhưng ông Văn cho rằng, nếu áp dụng ngay Thông tư 02 như kế hoạch dự kiến vào tháng 6/2014 cũng sẽ có khó khăn nhất định đối với NH. Bởi các quy định của Thông tư 02 yêu cầu rất cao về chất lượng tín dụng sẽ làm nợ xấu gia tăng. Chính điều này sẽ ảnh hưởng gián tiếp làm cho tín dụng không thể tăng trưởng, trong khi bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay đang phải nỗ lực kích cầu tín dụng.

Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng

Sẽ bớt ám ảnh tín dụng

Tổng giám đốc SCB cho rằng, VAMC đi vào hoạt động chưa được bao lâu, nhưng đã xử lý được lượng lớn nợ xấu của NH. Một khi đầu ra của nợ xấu được thông qua thì "bóng ma" nợ xấu sẽ không còn ám ảnh nhiều tới tăng trưởng tín dụng trong năm sau.

Sau khi mua nợ xấu, bước thứ hai là VAMC sẽ cùng NH đẩy mạnh xử lý nợ xấu, thậm chí có cả kế hoạch bán nợ xấu cho nhà đầu tư nước ngoài. Vì thế, tăng trưởng tín dụng cũng sẽ dần được cải thiện. Tuy nhiên, theo ông Văn, vấn đề lớn là nền kinh tế có hấp thu vốn tốt trong năm sau hay chưa.

Tổng giám đốc MeKong Bank ông Tay Hang Chong kỳ vọng, tăng trưởng tín dụng năm sau sẽ được cải thiện tốt hơn so với năm nay khi tình hình kinh tế có dấu hiệu hồi phục và tình hình của doanh nghiệp dần tốt lên.

Kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang dần được cải thiện, mặc dù mức lạm phát được tiết chế nhưng tốc độ tăng trưởng GDP còn chậm. Nền kinh tế đang trên đà ổn định nhưng vẫn chưa chắc chắn, trong đó, NH, bất động sản và các công ty nhà nước vẫn đang trải qua thời đoạn khó khăn.

Trong năm qua, tăng trưởng tín dụng của MeKong Bank đạt mức tăng trưởng khá tốt 13%, song nợ xấu vẫn được kiểm soát ở mức an toàn. Tính đến cuối tháng 11/2013, tỷ lệ nợ xấu của MeKong Bank là 2,4% so với mức của cuối năm trước là 2,5%.

Tuy nhiên, để có thể kiểm soát được tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, hạn chế rủi ro, MeKong Bank cũng đang cơ cấu lại danh mục các khoản vay. Danh mục cho vay trụ cột của MeKongBank hiện nay là cho vay nông nghiệp và cho vay cá nhân. Đây cũng là hai mảng cho vay đóng góp tỷ trọng khá lớn trong tổng dư nợ, nhưng lại có tỷ lệ nợ xấu thấp.

Tín dụng năm sau được kỳ vọng sẽ cải thiện, với mục tiêu tăng trưởng dự kiến 13 - 15%. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, để đẩy mạnh được tăng trưởng dư nợ đòi hỏi trước hết là phải giải quyết được tồn kho, cải thiện sức mua và xử lý ráo riết nợ xấu.

Nhưng để xử lý nợ xấu chỉ dựa vào VAMC như hiện nay theo đánh giá ủa chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, sẽ khó xử lý được hết đống nợ xấu của ngành NH. Ông Nghĩa cho rằng, "nếu VAMC được ví như cây đũa thần thì nó cũng không phá tan nổi nợ xấu". VAMC có vai trò mua nợ xấu, nhưng xử lý nợ thì không chỉ VAMC, mà còn cần các doanh nghiệp, NH và cả cơ chế chính sách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bán nợ xấu chạy Thông tư 02
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO