"Bài toán" huy động vàng trong dân

LÊ PHAN| 21/07/2016 08:24

Đề xuất huy động vàng trong dân đang gây nên những tranh luận trái chiều. Để thực hiện được đề xuất này, Nhà nước cần phải trả lời được những câu hỏi vốn không phải dễ dàng.

Đề xuất huy động vàng trong dân đang gây nên những tranh luận trái chiều. Chưa biết tính khả thi như thế nào, nhưng để thực hiện được đề xuất này, Nhà nước cần phải trả lời được những câu hỏi vốn không phải dễ dàng. 

Đọc E-paper

Từ đề xuất phát hành vàng giấy...

Theo kiến nghị của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, Nhà nước có thể huy động vàng trong dân bằng hình thức phát hành chứng chỉ vàng hoặc trái phiếu vàng. Điều này đồng nghĩa với việc thay vì phát hành trái phiếu bằng VND hay ngoại tệ, giờ đây có thể phát hành trái phiếu vàng song song để thu hút lượng vàng miếng tích trữ trong dân. Tuy nhiên, dù phát hành trái phiếu dưới dạng nào thì nợ công của Việt Nam tất yếu sẽ tăng lên.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB), nợ công và nợ do Nhà nước bảo lãnh của Việt Nam hiện đã đạt mức 62,5% GDP, ngày càng tiến gần đến mức trần do luật quy định là 65% GDP. Nếu cho phép phát hành thêm trái phiếu vàng với số lượng lớn, khả năng nợ công sẽ sớm vượt trần và liệu Quốc hội có cho phép tăng trần nợ công?

Để phát triển kinh tế thì việc phát hành trái phiếu bằng VND, ngoại tệ hay vàng đều không khác biệt nhiều, vì nếu đã phát hành trái phiếu để huy động vốn nhằm mục đích tăng đầu tư thì lượng vốn thu được từ phát hành trái phiếu đều là xuất phát từ vốn đầu tư nhà nước.

Việc Chính phủ muốn huy động vàng trong dân để tăng nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế có khác gì so với huy động vốn vàng của các ngân hàng trước đây, khi mà các ngân hàng này cũng dùng nguồn vốn này để cho doanh nghiệp (DN) vay lại, tức là cũng rót vốn vào nền kinh tế? Nếu như trước đây rủi ro tỷ giá nằm tại các ngân hàng thì với đề xuất này, rủi ro sẽ dồn về phía Ngân hàng Nhà nước.

Liệu nguồn vốn huy động này có được sử dụng, đầu tư hiệu quả hơn so với các DN vay vàng trước đây cũng để đầu tư sản xuất? Mặc dù hệ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) của Việt Nam đã được cải thiện trong những năm gần đây nhưng vẫn còn ở mức 6,9%, nghĩa là để có 1 đồng tăng trưởng cần phải đầu tư 6,9 đồng vốn.

Liệu nguồn vốn này sau khi huy động được thì DN tư nhân có cơ hội để tiếp cận hay chỉ dành riêng cho DN nhà nước, vốn còn nhiều lãng phí và sử dụng vốn đầu tư vô tội vạ?

... đến kiến nghị đánh thuế vàng

Một vài ý kiến cho rằng nên đánh thuế mua bán vàng hoặc thuế tiêu thụ đặc biệt đối với vàng như các loại hàng hóa xa xỉ khác. Đầu tiên cần biết, đa số người dân mua vàng và giữ vàng từ bao đời nay nhằm tích lũy tài sản để phòng thân, do đó có đánh thuế e cũng khó hạn chế được nhu cầu mua vàng và sở hữu của người dân.

Sau nữa, nếu xem vàng là một hàng hóa để đánh thuế tiêu thụ e rằng chưa phù hợp, vì vàng vẫn đang là một phương tiện thanh toán không chính thức trong xã hội. Với đề xuất huy động vàng trong dân để đầu tư vào nền kinh tế thì mặc nhiên thừa nhận vàng là một loại tiền tệ có chức năng thanh toán, nhưng đề xuất đánh thuế lại cho rằng nên xem vàng như một loại hàng hóa xa xỉ. Những quan điểm này rõ ràng đang mâu thuẫn.

Và nếu vàng không phải là tiền tệ thì kim loại quý này đã không nằm trong kho dự trữ ngoại hối của nhiều quốc gia trên thế giới. Theo báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), trong năm 2015, các ngân hàng trung ương đã mua vào 483 tấn vàng và đang sở hữu ước tính 32.754 tấn vàng, tương đương khoảng 17,8% trữ lượng vàng được khai thác, trong đó Mỹ là quốc gia dẫn đầu với 8.133,5 tấn vàng, chiếm 74,9% dự trữ ngoại hối.

Còn tại Đông Nam Á, Philippines đang tàng trữ vàng nhiều nhất với 195,9 tấn, Thái Lan xếp thứ hai với 152,4 tấn. Vì vậy, vàng trong dân cũng nên được xem như tài sản dự trữ của quốc gia, chứ không phải là một mặt hàng để đánh thuế nhằm hạn chế sở hữu hay giao dịch. Thay vì vậy nên bảo tồn, duy trì và phát triển nguồn tài sản dự trữ này để dự phòng cho những trường hợp cấp thiết.

Hiện tại có rất nhiều người đang gửi vàng tại ngân hàng dưới hình thức giữ hộ chứ không phải cất trữ tại gia, Ngân hàng Nhà nước chưa có chính sách nào để khai thác hiệu quả được nguồn vàng này thì không thể vội tính đến việc huy động lượng vàng đang cất trữ trong nhà của người dân!

Trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, trong chiến dịch huy động vàng, Chính phủ Hàn Quốc đã nhận được 227 tấn vàng, trị giá 2,2 tỷ USD từ 3,5 triệu người dân đóng góp vào kho dự trữ ngoại hối để giúp quốc gia sớm thoát khỏi cơn khủng hoảng.

Ngược lại, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tịch thu vàng sung công năm 1933 đã đẩy lạm phát nước này tăng phi mã do sự mất giá của đồng USD.

Người dân có sẵn sàng tham gia?

Những đề xuất, kiến nghị huy động vàng đã xuất hiện từ khá lâu, nhưng dường như vẫn không thu hút được sự chú ý của người dân. Bởi người dân dễ dàng nhận ra rằng với tiền pháp định có thể in bao nhiêu cũng được, nhưng vàng có giới hạn và tính bản vị luôn luôn bền vững. Do đó, với việc chuyển dịch từ sở hữu vàng miếng sang sở hữu chứng chỉ vàng hay trái phiếu vàng dĩ nhiên khó đủ sức hấp dẫn, dù lãi suất có thể cao.

Vì vậy, những giải pháp hạn chế quyền giao dịch hay sở hữu vàng nếu được triển khai có thể đẩy giá lên cao, khuyến khích thị trường chợ đen phát triển, dẫn đến càng khó quản lý.

Rất khó để đo đếm được lượng vàng đang tích trữ trong dân. Con số 500 tấn vàng mà nhiều người trích dẫn chỉ đơn thuần tính trên số liệu thống kê xuất nhập khẩu vàng của Việt Nam trong những năm qua, chưa tính đến lượng tích trữ đã tồn tại bao đời nay.

Nhưng nếu có thể huy động được hết 500 tấn vàng này, theo ước tính sẽ tương đương với gần 21 tỷ USD (với tỷ giá quy đổi vàng là 35 triệuđồng/lượng và tỷ giá USD/VND là 22.300 đồng). Quả thật là một con số rất lớn nếu so với nợ công của Việt Nam tính đến năm 2014 là 86 tỷ USD.

>Đầu tư vàng: Cơ hội không dành cho người đến sau

>"Đau đầu" chọn kênh đầu tư

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Bài toán" huy động vàng trong dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO