Chứng khoán châu Á - ván cược sinh lời năm 2021 nếu kinh tế thế giới hồi phục

Đỗ Hiền| 26/10/2020 00:30

Dù còn nhiều bất ổn, quỹ đạo tích cực của tăng trưởng toàn cầu vẫn đang tiếp tục tiến về phía trước.

Chứng khoán châu Á - ván cược sinh lời năm 2021 nếu kinh tế thế giới hồi phục

Chứng khoán châu Á sẽ là ván cược sinh lời năm 2021 nếu kinh tế thế giới tiếp tục hồi phục.

Patrik Schowitz là chiến lược gia đa tài sản toàn cầu tại JP Morgan Asset Management. Dưới đây là bài viết "Chứng khoán châu Á - ván cược sinh lời năm 2021 nếu kinh tế thế giới hồi phục" của ông đăng trên SCMP.

Bất ổn chính trị và những rủi ro liên quan tới đại dịch chiếm trọn các mặt báo trong thời gian gần đây. Trong khi đó, kinh tế toàn cầu đang âm thầm hồi phục. Sau khi chìm sâu vào suy thoái trong quý II khi chính phủ các nước trên thế giới đóng cửa nền kinh tế để kiềm chế dịch Covid-19, đà tăng trưởng kinh tế giờ đây đang nhanh chóng hồi phục hồi và một chu kỳ kinh tế mới đã bắt đầu.

Giai đoạn đầu của quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu vô cùng mạnh mẽ, nhờ sự trợ lực đồng thời của việc mở cửa trở lại cũng như lượng lớn các gói kích thích kinh tế mà chính phủ nhiều nước tung ra. Về mặt tài chính, các gói kích thích này được thể hiện qua các hình thức hỗ trợ khác nhau cho người lao động và các công ty bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Trong khi ở phương Tây, ngân hàng trung ương lại hỗ trợ thị trường thông qua việc mua hoặc bảo lãnh nợ.

Đà phục hồi này chắc chắn sẽ chậm lại kể từ đây, cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều yếu tố bất ổn từ nay tới cuối năm, trong đó đứng đầu danh sách là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và làn sóng Covid-19 quay trở lại. Dù vậy, quỹ đạo tích cực của tăng trưởng kinh tế sẽ vẫn tiếp tục tiến về phía trước, với các gói kích thích sẵn sàng được triển khai cho đến khi vaccine Covid-19 được tìm ra.

Điều này sẽ tạo ra một môi trường tốt cho các cổ phiếu thị trường mới nổi vốn bị chi phối bởi các cường quốc xuất khẩu châu Á như Trung Quốc và Hàn Quốc, những nền kinh tế phụ thuộc lớn vào sức khỏe của nền kinh tế thế giới. Chỉ tính riêng hai thị trường này đã chiếm tới gần 70% tổng tài sản các nền kinh tế mới nổi toàn cầu.

Link bài viết

Diễn biến thị trường cho tới thời điểm này đã phần nào chứng minh điều đó. Chỉ số MSCI các thị trường mới nổi (EM) châu Á tăng khoảng 12%, cao hơn một chút so với con số 9% của Mỹ và 8,5% của toàn thế giới.

Tuy vậy, châu Á diễn biến tốt hơn nhiều so với các khu vực khác thường được gộp chung vào nhóm chỉ số thị trường mới nổi. Tính đến nay, Mỹ Latinh giảm hơn 33%, trong khi khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi giảm hơn 20%.

Điều này cho thấy thị trường châu Á đang trải qua sự thay đổi về chất. Đây không chỉ là nơi tập trung các doanh nghiệp sản xuất có tính chu kỳ phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng và doanh nghiệp phương Tây mà giờ đây đang dần trở thành ngôi nhà chung cho các ngành tăng trưởng hàng đầu như công nghệ thông tin.

Đơn cử, tỷ trọng của lĩnh vực công nghệ thông tin trong MSCI EM châu Á là 23%, chỉ đứng sau chỉ số Mỹ, 29%. Công nghệ nổi lên là lĩnh vực sinh lời nhất trong khủng hoảng vì đại dịch Covid-19. Việc châu Á kiểm soát tình dịch dịch bệnh tốt hơn các khu vực khác trên thế giới đã phần nào giúp bảo vệ nền kinh tế vượt qua giai đoạn suy thoái hồi đầu năm.

Không phải ngẫu nhiên chứng khoán châu Á lại khả quan hơn so với phần còn lại của thế giới trong giai đoạn thị trường sụp đổ hồi tháng 3 và tháng 4, điều vốn thường không xảy ra trong các cuộc suy thoái trước đây. Thực tế, thị trường này vẫn tỏ ra ngang bằng, thậm chí vượt trội hơn – dù chỉ ở mức độ nhẹ - trong giai đoạn thị trường thế giới hồi phục.

Nói cách khác, khu vực này mang tới một sự kết hợp hấp dẫn về khả năng tiếp xúc theo chu kỳ với sự phục hồi kinh tế cũng như với các chủ đề tăng trưởng cơ cấu ngày nay.

Còn về các động lực vĩ mô khác? Chứng khoán châu Á và các thị trường mới nổi nói chung diễn biến tốt hơn khi USD mất giá, bởi điều này cho phép các ngân hàng trung ương giữ lãi suất ở mức thấp.

Viễn cảnh tương lai càng trở nên hứa hẹn khi dự báo cho thấy tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trong năm 2021 có vẻ kém ấn tượng hơn so với phần còn lại của thế giới, và nhu cầu với USD – đồng tiền trú ẩn an toàn – có khả năng suy yếu sau khi cuộc bầu cử tổng thống kết thúc.

Nếu ứng cử viên Joe Biden chiến thắng, ít nhất nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại khác với Trung Quốc sẽ giảm bớt, kể cả khi hai bên vẫn còn nhiều bất đồng. Điều đó thúc đẩy tâm lý hướng tới các thị trường châu Á cũng như gia tăng khối lượng giao dịch.

Một luồng gió mới cho khu vực châu Á có thể liên quan tới việc định giá cổ phiếu. Chứng khoán châu Á không còn rẻ nữa, đặc biệt là sau đợt phục hồi mạnh trong giai đoạn mùa hè ở Trung Quốc, nâng chỉ số P/E lên cao nhất kể từ năm 2010.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng chỉ số này đang tăng lên ở hầu hết các khu vực, và ở châu Á nói chung, tốc độ gia tăng chỉ vào mức trung bình so với phần còn lại của thế giới. Nhìn chung, bất chấp những lo lắng, thị trường chứng khoán châu Á nói riêng và thị trường mới nổi nói chung sẽ gặt hái được nhiều lợi ích, nếu kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi trong năm tới.

(Theo Người Đồng hành)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chứng khoán châu Á - ván cược sinh lời năm 2021 nếu kinh tế thế giới hồi phục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO