![]() |
Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhắc nhở các ngân hàng thương mại (NHTM) về kiềm chế tín dụng 6 tháng cuối năm và kiểm tra chặt các gói kích cầu trong thời gian qua khiến nhiều người cho rằng, tỷ lệ nợ xấu tăng cao là hoàn toàn có thể xảy ra.
Đầu tháng 7/2009, NHNN khẳng định dư nợ cho vay chứng khoán và bất động sản hạch toán trên sổ sách nhìn chung chưa có biến động lớn, vượt tầm kiểm soát. Tuy nhiên, thực tế đang xuất hiện một số dấu hiệu cho thấy tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng (NH) VN có xu hướng tăng một cách đáng phải lưu tâm.
Nợ xấu
Đánh giá về ngành tài chính - ngân hàng, Kinh tế trưởng Martin Rama của NH Thế giới (WB) tại VN đã nhận xét rằng: Lạm phát trong những tháng đầu năm 2009 có xu hướng giảm nhờ các chính sách bình ổn kinh tế trong năm 2008 và giá hàng hóa thế giới không tăng. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, các yếu tố này dường như sẽ không còn trong 6 tháng cuối năm.
![]() |
Gai dịch tại ngân hàng Sacombank |
Nhiều NH đã tăng lãi suất huy động lên gần bằng với lãi suất cho vay là 10,5%/năm. Và do sức hấp dẫn chênh lệch lãi suất, vốn tín dụng sẽ dồn vào các kênh tiêu dùng, nên các NH đều cần một số lượng tiền vốn cho vay lớn.
Trả lời báo chí hồi tháng 6, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cho biết: Dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán mới đạt gần 7.200 tỷ đồng. Nhưng điều đáng nói là dư nợ cho vay tiêu dùng lại quá lớn, đến 85.000 tỷ đồng, tăng 11,6% so với đầu năm.
Một số chuyên gia lo ngại việc thả nổi hoạt động cho vay có thể làm trầm trọng thêm tình trạng nợ xấu trong các NH. Theo số liệu chính thức, tỷ lệ nợ xấu đã tăng lên 2,6% so với mức 2,2% vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nước ngoài, ước tính tỷ lệ nợ xấu thực có lẽ lên tới 13% tổng số nợ vào cuối năm 2008.
Tại hội thảo về “Quản lý nợ xấu tại VN: Kinh nghiệm quốc tế và các chiến lược tối đa hóa lợi nhuận cho NH” diễn ra tại TP.HCM ngày 16/7, ông Alexandre Legendre, luật sư Văn phòng Luật sư Leadco Pacific Place, cũng nói rằng, tỷ lệ nợ khó đòi được công bố là 5% nhưng trong thực tế là khoảng 15-20%.
Mặc dù NHNN chưa đưa ra yêu cầu chính thức nào về hạn mức tín dụng, nhưng động thái yêu cầu các NHTM phải đánh giá tình hình hoạt động tín dụng 6 tháng đầu năm và đề xuất các biện pháp kiềm chế tín dụng trong những tháng cuối năm phù hợp với định hướng điều hành của NHNN là có thật. Đây được xem là một tín hiệu buộc các NHTM phải tự kiềm chế tốc độ tăng dư nợ của mình, trong đó hạn chế mức tăng dư nợ cho vay tiêu dùng, cho vay kinh doanh chứng khoán phải được thực hiện trước.
Lạm phát
Nhiều chuyên gia cho rằng, sở dĩ thị trường chứng khoán thời gian qua nóng lên bất thường phần lớn là do sự tiếp sức nhanh và mạnh từ các luồng tiền NH. Hơn nữa, với xu thế nóng lên của thị trường tiền tệ, vốn sẽ tiếp tục bị hút vào các lĩnh vực có lãi suất, lợi nhuận cao như sàn giao dịch vàng, chứng khoán...
Tuy nhiên, khi nhìn lại 6 tháng đầu năm, chỉ số CPI đã biến động rất phức tạp: tăng mạnh trong quý I rồi đột ngột giảm trong quý II. Hơn nữa, sau khi tăng giá điện, than, xăng dầu và lương cơ bản cũng như cung tiền trên thị trường, giá các mặt hàng đã có nhiều thay đổi. Nếu tiếp tục đà tăng giá thì mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới một con số trong năm 2009 là khá mong manh.
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Sacombank, diễn biến giá hiện nay khá giống với những gì đã diễn ra trong năm 2007. Nhiều khả năng chỉ số CPI của 2 năm trước sẽ lặp lại trong năm nay trong bối cảnh dòng tiền được bơm vào thị trường quá lớn nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Chỉ số CPI trong tháng 7 tăng khoảng 0,6 - 0,65% sau khi giá xăng tăng lên 700 đồng/lít khiến cho tỷ lệ lạm phát có thể tăng lên từ cuối quý III năm 2009.
Hiện tại nợ xấu đối với các NH chưa đến mức nghiêm trọng. Đơn cử như NH Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), tính đến cuối tháng 5/2009 tỷ lệ nợ xấu giảm còn 3,3% thay vì 4,71% trên tổng dư nợ như năm 2008. Theo Tổng giám đốc Eximbank, ông Trương Văn Phước, sở dĩ tỷ lệ nợ quá hạn giảm nhanh là do 5 tháng đầu năm chứng khoán khởi sắc trở lại, bất động sản đã thu hút được người mua, doanh số bán nhà, đất tăng lên chính là thời điểm tốt để Eximbank cơ cấu lại các khoản nợ quá hạn. Ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc NH Á Châu (ACB) cũng khẳng định, nợ quá hạn (từ nhóm 2 trở lên) của ACB tính đến ngày 14/5 là 1,2%, nhưng tỷ lệ nợ xấu (từ nhóm 3 trở lên) đến nay vẫn ở dưới mức 1%. Tương tự, tỷ lệ nợ xấu của Sacombank tính đến cuối tháng 4/2009 là 0,76% trên tổng dư nợ.
Nhưng theo các chuyên gia tài chính, để tránh đưa thị trường tài chính rơi vào tình trạng tăng trưởng nóng, NHTM cần tiếp tục củng cố năng lực quản trị rủi ro, điều chỉnh cơ cấu đầu tư tín dụng theo hướng an toàn và lành mạnh.