* Thưa ông, vì sao Kizuna chỉ dành cho DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ?
- Năm 1995, khi TP.HCM chưa có KCN nào do người Việt Nam trực tiếp quản lý, tôi đã cùng một số anh em được giao nhiệm vụ hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài phát triển KCN Pouchen, Vĩnh Lộc. Nhiều năm đầu tư xây dựng các KCN, tôi đã thu được rất nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là tầm nhìn. Hầu hết KCN tập trung vào DN lớn vì dễ lấp đầy.
Trong khi đó, đại đa số DN Việt Nam là DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ thì lại không có đủ điều kiện vào KCN nên không được đón nhận, đó là trăn trở của tôi vào thời kỳ đó.
Sau khi rời KCN Long Hậu (Long An), tôi tiếp tục đầu tư, xây dựng khu nhà xưởng Kizuna theo mô hình KCN nhỏ. Dù từng giữ các vị trí quan trọng trong nhiều công ty đầu tư và phát triển hạ tầng các KCN lớn tại TP.HCM, nhưng tôi vẫn chưa thực hiện được ý tưởng kinh doanh riêng một cách trọn vẹn.
Khi nhìn thấy nhiều DN nhỏ, nhất là DN khởi nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc vào Việt Nam ngày càng nhiều, những khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, pháp luật khiến họ lúng túng không biết bắt đầu từ đâu. Từ đó, tôi đã ấp ủ ý tưởng tạo ra một mô hình KCN với nhiều tiện ích, dịch vụ trọn gói, diện tích nhà xưởng phù hợp chỉ dành cho nhóm DN này. Vì thế mà KCN Kizuna ra đời.
* Nhưng một KCN thu nhỏ có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, tiện ích đồng bộ cùng các dịch vụ hỗ trợ đi kèm đồng nghĩa với chi phí đầu tư lớn.
- Tôi từng kinh doanh quy mô gia đình rồi dần trở thành công ty lớn, nên thấu hiểu nỗi khó khăn mà DN nhỏ và siêu nhỏ gặp phải. Khi đầu tư Kizuna, tôi đã thiết kế hệ thống dịch vụ khép kín để giải quyết khó khăn cho nhóm DN này. Vì vậy, lợi nhuận mà Kizuna nhắm đến là kinh doanh lâu dài. Một khi DN thuê mặt bằng tại Kizuna thì yên tâm sản xuất trong môi trường an toàn, nhiều dịch vụ, tiện nghi thiết thực. Và như vậy họ sẽ đem lại lợi nhuận về lâu dài cho Kizuna.
Theo đó, chúng tôi đưa ra giải pháp nhà xưởng xây sẵn, dịch vụ hỗ trợ trọn gói, đồng hành cùng doanh nghiệp từ lúc tìm hiểu thị trường và đầu tư xưởng sản xuất tại Kizuna. Chẳng hạn, chúng tôi giúp các DN thực hiện những thủ tục kinh doanh ban đầu, như xin giấy phép, tư vấn pháp luật, hỗ trợ và đào tạo nhân sự miễn phí.
Khi nhắm vào phân khúc DN nhỏ, chúng tôi xác định nhu cầu thuê nhà xưởng của họ không cần lớn, nên bên cạnh diện tích thông dụng từ 500 đến 1.000m2, Kizuna có nhà xưởng diện tích chỉ 80m2. Chúng tôi còn đầu tư hai nguồn điện để dự phòng theo giá của Tổng công ty Điện lực Việt Nam để DN không bị ảnh hưởng sản xuất, không phải sử dụng máy phát điện, vừa tiết kiệm chi phí so với việc sử dụng nguồn máy phát điện dự phòng thông thường.
Hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư tương đương các khu công nghệ cao với 500Mbps cho cả ba khu nhà xưởng xây sẵn nên tỷ lệ DN lấp đầy tại các diện tích đã đưa vào sử dụng đạt tuyệt đối. Điều đó có nghĩa dịch vụ của chúng tôi đáp ứng được cả về quy mô và kỹ thuật cho phân khúc DN nhỏ và siêu nhỏ nên lợi nhuận trong tương lai hoàn toàn khả thi.
* Có ý kiến cho rằng nếu DN nhà nước xây dựng KCN sẽ dễ hơn DN tư nhân, ông thấy ý kiến này thế nào?
- Xây dựng KCN bằng vốn nhà nước thì khi gặp vấn đề liên quan đến pháp lý sẽ dễ xử lý vì Luật Đất đai có nhiều điểm thuận lợi hơn cho DN nhà nước, nhưng lại có một số điều khó khăn do quy định tiền thuê đất phải trả một lần là tạo áp lực rất lớn cho DN, bởi chi phí đó không hề nhỏ.
Trong khi đó, DN tư nhân đầu tư hạ tầng KCN thì vận hành cơ sở hạ tầng suốt vòng đời của nó, thông thường là 50 năm. Bên cạnh đó, DN nhà nước cũng thuận lợi hơn trong việc đầu tư các tiện ích cho cộng đồng, còn DN tư nhân thì luôn bị sức ép quyền lợi của cổ đông. Cho nên mặc dù ở vị trí lãnh đạo, mình cũng không thể lấy lợi tức của công ty để làm dịch vụ công ích cho cộng đồng.
* Nghe nói 6 năm qua, Kizuna vẫn chưa có lãi?
- Đầu tư nhà xưởng xây sẵn không sinh lợi cao, thường phải mất 9 năm mới thu hồi vốn nếu tỷ lệ lấp đầy đạt 90 đến 95%. Đúng là 6 năm qua tôi tâm huyết xây dựng Kizuna nhưng đến bây giờ vẫn chưa có lợi nhuận bằng tiền nhưng lại thu được rất nhiều lợi nhuận phi tài chính, đó chính là uy tín thương hiệu, là giá trị mà Kizuna đóng góp được cho cộng đồng DN và xã hội.
Hầu hết các tổ chức hỗ trợ DN vừa và nhỏ của Nhật Bản, Hàn Quốc khi đến Việt Nam đều biết Kizuna và truyền tai nhau gia nhập vào mái nhà chung này với sự an tâm và hài lòng gần như tuyệt đối. Quan trọng hơn, họ xem Kizuna là đối tác đồng hành chứ không phải là bên cho thuê nhà xưởng.
Giá trị phi tài chính lớn hơn mà Kizuna có được, đó là năng lực quản trị, hệ thống quản lý, vận hành cùng đội ngũ nhân viên có chuyên môn cao đã được chúng tôi đào tạo nay lên tới gần trăm người. Qua đó, chúng tôi tạo được việc làm cho hơn 2.000 công nhân, đồng nghĩa hơn 2.000 gia đình có cuộc sống ổn định, hàng trăm DN yên tâm sản xuất trong điều kiện an toàn, môi trường không bị ô nhiễm.
Đây cũng chính là thành công của Kizuna. Một KCN có thể xây dựng nhà xưởng tốt nhưng chưa có đội ngũ nhân lực phù hợp để tạo ra những dịch vụ tốt thì giá trị KCN đó mang lại cho DN cũng chưa hoàn chỉnh.
* Tò mò một chút, ông thường nói vui “Tôi luôn muốn làm quan” là hàm ý gì?
- Tôi sinh ra ở Long An, ngày trước gia đình nghèo lắm, nhìn cuộc sống của bà con vùng quê còn nhiều lạc hậu, tôi đã mơ lớn lên được... làm quan. Tôi nghĩ, nếu mình giúp người dân có tiền, có cuộc sống sung túc là chuyện bình thường, nhiều người làm được. Nhưng nếu mình làm quan, có chức vị cao, có quyền quyết định thì sẽ thay đổi được nhiều thứ có lợi cho cộng đồng.
Khi thành lập Công ty Vĩnh Tường và làm chủ tịch hội đồng quản trị, mặc dù đã tạo được việc làm cho hàng trăm nhân viên nhưng tôi vẫn cảm thấy thành quả này vẫn chưa đúng tâm niệm của mình. Tôi muốn tạo ra sự thay đổi lớn hơn, tích cực hơn nữa cho xã hội chứ không chỉ cho vài trăm người.
Có nhiều người hỏi tôi, tại sao lại đầu tư KCN vừa vất vả, vửa chịu nhiều áp lực, lại thu lợi lâu mà không đầu tư vào bất động sản nhà ở. Nhưng mỗi doanh nhân có cách làm ăn riêng. Tôi chọn đầu tư xây dựng KCN cũng bởi muốn làm thay đổi một vùng đất nào đó.
Đơn cử trước đây, khi chưa có KCN Tân Tạo, KCN Long Hậu thì địa phương này gần như heo hút, bây giờ thì không chỉ là nơi làm việc của hàng ngàn người mà còn là khu đô thị đông đúc, nhà cửa khang trang, góp phần giải tỏa bớt dân cư ở những quận trung tâm.
Hay như cách đây 6 năm, khi Kizuna chưa hiện hữu, khu vực này luôn bị mưa lớn và triều cường làm ngập, đường sá lại nhỏ hẹp, xe cộ di chuyển rất khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn kiên nhẫn từng bước một để thực hiện dự án.
Và 6 năm qua, nhờ Kizuna, toàn bộ vùng đất này đã thay đổi, thông thoáng, xanh, sạch, hệ thống đường, điện, cấp thoát nước đầy đủ khiến cuộc sống của bà con thoải mái, giá đất trong khu vực lại tăng đều. Đây cũng là khó khăn cho chúng tôi khi muốn mở rộng KCN Kizuna vì giá đất thuê hiện tại cao hơn rất nhiều nhưng giá thuê nhà xưởng lại không thể tăng để đảm bảo quyền lợi và sự đồng nhất giá thuê cho các DN.
* Trong rất nhiều yếu tố cần và đủ để một DN phát triển bền vững, theo ông yếu tố nào là quan trọng nhất?
- Theo tôi, muốn DN phát triển bền vững thì phải chuyên nghiệp trong một chuyên ngành. Khi tập trung hết nguồn lực cho lĩnh vực mình đầu tư thì xác suất thành công sẽ rất cao. Trong đó, giá trị phi tài chính là yếu tố quan trọng, bởi trong kinh doanh, có thể thất bại, nhưng nếu DN còn uy tín thương hiệu, còn nhiều giá trị phi tài chính đã tạo dựng được thì vẫn có cơ hội làm lại. Ngược lại, nếu không có giá trị phi tài chính thì khi đã mất là mất hết.
* Ông nghĩ thế nào về sự bền vững của DN Việt Nam?
- Tỷ lệ bền vững của DN Việt Nam hiện tại không lớn. Ông bà xưa có câu “Không ai giàu ba họ” nhưng ở các nước châu Âu, Nhật Bản hay Hàn Quốc, có không ít công ty gia đình phát triển bền vững qua nhiều thế hệ, ông truyền cháu nối, nhưng ở Việt Nam thì rất ít.
Một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của DN Việt Nam là chưa liên kết được với nhau, trong khi tính đố kỵ, thấy ai hơn mình là ghét, là dèm pha cho DN đó đi xuống. Một số DN thì lại đang bị tâm lý không dám đầu tư lớn vì ngại chính sách thay đổi.
* Sau Kizuna, ông còn có kế hoạch phát triển thêm KCN nào nữa?
- Năm nay tôi đã ngoài 60, độ tuổi không cho phép mình quá tham vọng để bắt đầu những dự án mới. Tôi vẫn còn rất nhiều trăn trở cho Kuzina. Mong muốn của tôi là nếu có điều kiện thuận lợi hơn, sẽ xây dựng Kizuna thành một cụm công nghiệp đồng bộ cơ sở hạ tầng từ ngoài vào trong.
* Theo ông, chính sách hỗ trợ DN vừa và nhỏ của Việt Nam hiện nay đã thật sự hiệu quả?
- Ở Hàn Quốc, những DN nhỏ được mua xưởng sản xuất trả góp trong 20 năm và nhà nước sẽ chịu cho họ lãi suất từ 2,5-3% khi vay tiền ngân hàng. Còn ở Nhật Bản thì nhà nước xây sẵn nhà xưởng cho thuê với phí thuế ưu đãi, tổ chức các ngân hàng chuyên phục vụ vốn vay cho DN nhỏ, siêu nhỏ và các tổ chức khác sẽ đồng hành, hỗ trợ các vấn đề liên quan kinh doanh; như thu thập thông tin, tư vấn thị trường, định hướng ngành nghề, sản phẩm, cập nhật xu hướng, hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại để DN tránh những rủi ro không đáng có.
Tại Việt Nam, chúng tôi mong muốn Chính phủ có những chính sách ưu đãi tương tự như hỗ trợ vốn cho DN sản xuất vừa và nhỏ để họ có cơ hội phát triển, cũng như hỗ trợ vốn cho các nhà đầu tư vào KCN xây dựng nhà xưởng sản xuất dành cho DN nhỏ và vừa.
* Ông quan niệm thế nào về sự kế thừa?
- Hiện nay, một số người trẻ trong gia đình DN tư nhân thành đạt có xu hướng hưởng thụ, một số khác thì không có động lực phấn đấu hoặc ảo tưởng về bản thân. Dù số đó không nhiều nhưng làm các bậc cha mẹ cả đời lo làm giàu cho gia đình và xã hội lo lắng. Riêng tôi thì quan niệm kế thừa, điều hành DN phải là người có động lực làm việc, ham học hỏi, có nhiều sáng tạo trong kinh doanh và được đào tạo bài bản.
* Cảm ơn ông về những chia sẻ!