Thời sự

Chủ động bảo đảm nguồn cung, giữ vững giá dịp cuối năm

Bạch Khởi 08/11/2024 06:00

Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 511/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo về kết quả công tác quản lý, điều hành giá 10 tháng đầu năm 2024 và định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại năm 2024.

Nội dung Thông báo nêu rõ, trong những tháng cuối năm 2024, dự báo tình hình thế giới và khu vực sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Trong nước, áp lực từ việc tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với các mặt hàng do Nhà nước quản lý sẽ gia tăng. Bên cạnh đó, tỷ giá giữa đồng Việt Nam và USD vẫn ở mức cao, làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu; rủi ro thiên tai, bão lũ và thời tiết bất lợi cho sản xuất, cùng với nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp cuối năm...

Do đó, để chủ động ứng phó với các thách thức trong công tác điều hành giá những tháng còn lại của năm 2024, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương, theo chức năng và nhiệm vụ được giao, chủ động đẩy mạnh triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đặt ra tại các Nghị quyết của Chính phủ, Công điện, Chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các Thông báo số 36/TB-VPCP ngày 31/1/2024, Thông báo số 193/TB-VPCP ngày 3/5/2024, Thông báo số 274/TB-VPCP ngày 24/6/2024.

Cụ thể, cần tập trung theo dõi sát diễn biến giá các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới, tình hình quốc tế và khu vực, chủ động phân tích, dự báo và kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá trong nước; thực hiện các biện pháp hoặc đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền để ứng phó linh hoạt, hiệu quả, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024, phấn đấu khoảng 4% như mục tiêu Nghị quyết của Quốc hội.

ttxvnhanghoatet040120221122112035.jpg
Bảo đảm nguồn cung, ổn định giá những tháng cuối năm 2024

Đồng thời, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; thực hiện đúng chế độ báo cáo giá thị trường định kỳ hằng tháng, quý và đột xuất theo quy định tại Nghị định số 85/2024/NĐ-CP và Thông tư 29/2024/TT-BTC, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá.

Cùng với đó, các bộ, ngành và địa phương cần chú trọng công tác bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, chủ động dự trữ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới.

Theo đó, cần bảo đảm hoạt động cung ứng, lưu thông và phân phối hàng hóa thông suốt, tổ chức tốt các kênh phân phối, chương trình xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, khai thác tối đa thị trường trong nước. Phát huy vai trò của các doanh nghiệp đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị tham gia chương trình bình ổn thị trường, góp phần bảo đảm nguồn cung và ổn định giá cả trong nước.

Đối với nguồn cung xăng dầu, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống và điều hành giá xăng dầu theo quy định; tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và tuyệt đối không để thiếu hụt hoặc đứt gãy nguồn cung xăng dầu.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng được yêu cầu chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam cải thiện công tác quản trị, triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh để giảm giá thành sản xuất điện, cắt giảm chi phí trung gian và bảo đảm cân đối nguồn cung điện...

Đối với công tác điều hành giá mặt hàng quan trọng và thiết yếu khác, các bộ, ngành và địa phương cần theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả thị trường đối với các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý, từ đó có biện pháp điều hành phù hợp, kịp thời và không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hoặc gián đoạn nguồn hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chủ động bảo đảm nguồn cung, giữ vững giá dịp cuối năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO