Thượng đỉnh Mỹ - Nga: Chương mới hay chỉ 'hạ nhiệt' quan hệ?

Bảo Quân| 26/05/2021 07:22

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ gặp nhau vào tháng 6 tới tại Hội nghị Thượng đỉnh song phương đầu tiên giữa cả hai, nhằm tạo tiền đề cho một giai đoạn mới trong quan hệ Mỹ - Nga.

Thượng đỉnh Mỹ - Nga: Chương mới hay chỉ 'hạ nhiệt' quan hệ?

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki ngày 25/5/2021 cho biết, "hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về một loạt vấn đề cấp bách, trong bối cảnh chúng tôi đang muốn khôi phục tính chất dễ đoán và sự ổn định cho quan hệ Mỹ - Nga". Diễn ra vào cuối chuyến công du nước ngoài tới châu Âu đầu tiên của người đứng đầu Nhà Trắng kể từ khi nhậm chức, đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa ông Biden và Putin.

Tháng trước, chính quyền Biden đã kêu gọi cuộc gặp thượng đỉnh với Nga sau khi nước này có một loạt hành động được cho là phương hại lợi ích của Mỹ. Được biết, Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan sẽ gặp người đồng cấp Nga tại Geneva, Thụy Sỹ, trong tuần này để thảo luận chi tiết cuộc gặp giữa hai lãnh đạo. Các nguồn tin cho hay, cuộc gặp có thể sẽ diễn ra vào ngày 15-16/6/2021 tại Geneva; thông tin chính thức dự kiến công bố trong vài ngày tới.

Riêng hãng thông tấn TASS (Nga) ngày 25/5/2021 dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin cho biết, Moscow sẽ sớm đưa ra tuyên bố về cuộc gặp giữa Tổng thống Nga và Tổng thống Mỹ, và hé lộ chủ đề thảo luận dự kiến. "Nếu hội nghị thượng đỉnh diễn ra, sự ổn định chiến lược và kiểm soát vũ khí sẽ là các chủ đề nằm trong chương trình nghị sự", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói. 

Ông Peskov cho rằng, lãnh đạo Nga - Mỹ cũng cần thảo luận về hợp tác trong vấn đề an ninh mạng và ổn định chiến lược hạt nhân, vốn ảnh hưởng đến cả thế giới. Dù vậy, có thể cả Mỹ lẫn Nga sẽ không đạt được sự đột phá trong cuộc gặp sắp tới, khi hai bên đều không muốn nhượng bộ trong các vấn đề có bất đồng gay gắt.

Link bài viết

Nhiều khác biệt sâu sắc

Trên thực tế, quan hệ Mỹ - Nga nhiều năm qua đã nhuốm màu u ám bởi một loạt vấn đề, như khủng hoảng ở Ukraine hay Syria, chương trình hạt nhân của Iran, hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) áp sát sườn phía Đông nước Nga. Một khác biệt nữa là về việc Nga mở rộng sự hiện diện quân sự và tăng cường ảnh hưởng tại Bắc Cực - điều khiến Mỹ cảm thấy báo động.

Ngoài ra, không thể không đề cập việc Mỹ cáo buộc Nga can thiệp bầu cử, tấn công mạng máy tính với quy mô lớn và đe dọa chủ quyền Ukraine. Theo đó, Washington yêu cầu Moscow chấm dứt các hành động trên, và thả nhân vật đối lập Alexei Navalny. 

Ở chiều ngược lại, Nga xem sức ép của Mỹ trong vấn đề Navalny là hành vi can thiệp công việc nội bộ và Moscow cũng không hài lòng với các lệnh trừng phạt của Washington nhắm vào nhiều thực thể lẫn cá nhân Nga, trong bối cảnh ông Biden dọa trừng phạt vì Nga tăng cường lực lượng tại khu vực biên giới do khủng hoảng ở Ukraine. Đồng thời, nếu Mỹ thuyết phục châu Âu từ bỏ dự án đường ống Nord Stream 2 vận chuyển khí đốt từ Nga sang châu Âu, điện Kremlin sẽ xem đây là một cuộc tấn công vào ngành năng lượng nước này.

Tuần trước, hai ngoại trưởng Mỹ - Nga cũng đã gặp trực tiếp lần đầu, bên lề cuộc họp của Hội đồng Bắc cực tại Reykjavik - thành phố có nhiều ý nghĩa lịch sử trong quan hệ hai nước. Theo Reuters, cả Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lẫn người đồng cấp Nga Sergey Lavrov khi đó đều nhấn mạnh rằng, dù hai nước có những khác biệt nhưng nên cùng nhau giải quyết một số vấn đề.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov trong cuộc gặp tại Iceland tối 19/5. Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov trong cuộc gặp tại Iceland tối 19/5. Ảnh: Reuters

"Việc chúng ta có những khác biệt là không có gì bí mật, và khi nói đến các khác biệt đó, như Tổng thống Biden đã chia sẻ với Tổng thống Putin, nếu Nga gây hấn với chúng tôi, với các đối tác và đồng minh của chúng tôi, chúng tôi sẽ đáp trả. Tổng thống Biden đã thể hiện bằng cả lời nói và hành động, không phải vì mục đích leo thang căng thẳng hay muốn xung đột, mà để bảo vệ các lợi ích của chúng tôi", ông Blinken nói với ông Lavrov tại cuộc gặp tuần trước.

Khẳng định thế giới sẽ an toàn hơn nếu lãnh đạo hai nước cùng hợp tác, ông Blinken nói nước Mỹ đang "tìm kiếm một mối quan hệ ổn định và có thể đoán trước với Nga". Đáp lại, Ngoại trưởng Lavrov đồng tình, nói Nga và Mỹ có "nhiều khác biệt sâu sắc", và nên hợp tác "trong lĩnh vực mà cả hai có cùng lợi ích chung".

"Hạ nhiệt chứ" không "reset" quan hệ

Hiện, Nhà Trắng khá thận trọng trước các nhận xét cho rằng cuộc gặp sắp tới là nỗ lực của ông Biden nhằm "reset" mối quan hệ với ông Putin. Trong khi đó, giới chức xứ sở cờ hoa lại xem dịp này là cơ hội để tái cân bằng mối quan hệ, sau thời gian ông Trump dành nhiều tình cảm cho nhà lãnh đạo Nga.

Link bài viết

Được biết, Tổng thống Mỹ đã có hai lần điện đàm với ông Putin từ khi nhậm chức. Ông Biden cũng cho biết muốn hội đàm với người đồng cấp Nga để bình thường hóa quan hệ và tránh một chu kỳ leo thang căng thẳng cũng như xung đột - điều cho thấy mục tiêu hàng đầu trong chiến lược của Washington với Moscow rốt cục vẫn là "hòa bình".

"Theo quan điểm của chúng tôi, đây không phải một sự 'reset'. Thay vào đó, đây là nỗ lực khiến mối quan hệ này dễ đoán hơn và có thể dọn đường cho chúng tôi làm việc với nhau trong các khía cạnh tán thành cũng như bất đồng nhằm đưa ra quan điểm. Bản thân việc 'reset’ mối quan hệ hàm ý điều này sẽ trở thành 'mối quan hệ chiến lược quan trọng nhất’ của Tổng thống Biden và tôi không nghĩ đây là thông điệp chúng tôi muốn truyền tải", một quan chức cấp cao Nhà Trắng nói với Reuters.

Về phía Nga, Moscow khẳng định đã nhận lời mời hội đàm của Mỹ với thái độ tích cực, song Điện Kremlin gần đây đã triệu hồi Đại sứ Nga tại Mỹ về nước, cũng như cáo buộc chính quyền hiện nay và chính quyền của ông Trump đã có những hành động cố ý đẩy mối quan hệ song phương rơi vào bế tắc. Do đó, các quan chức Nga xem cuộc gặp vào tháng 6 tới có vai trò quan trọng để lắng nghe trực tiếp từ ông Biden, sau khi nguồn tin thân cận với chính phủ nói rằng chính quyền mới ở Mỹ đang truyền đi những thông điệp không nhất quán.

"Đây giống như một cuộc đối đầu trong tầm kiểm soát. Mục tiêu là giữ ổn định. Sẽ không có bất kỳ sự cải thiện đáng kể nào trong quan hệ hai bên, mà chỉ là một nỗ lực nhằm hạ nhiệt căng thẳng. Tôi cho rằng, điều này có thể thực hiện nếu họ thận trọng và thực tế", Fiona Hill - chuyên gia về Nga từng làm việc trong Hội đồng An ninh Quốc gia của cựu Tổng thống Trump, nhận xét.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thượng đỉnh Mỹ - Nga: Chương mới hay chỉ 'hạ nhiệt' quan hệ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO