Tân tổng thống Mỹ tiếp tục cô lập Trung Quốc?

Lê Phan| 14/03/2021 06:57

Khi Joe Biden đắc cử Tổng thống Mỹ, nhiều người vẫn "đoán già đoán non" không rõ liệu chính sách của ông đối với Trung Quốc sẽ ra sao, dù trong giai đoạn tranh cử ông vẫn thể hiện rõ thái độ chống Trung Quốc không kém ông Donald Trump. Tuy nhiên, những động thái mới đây cho thấy dường như chính sách cứng rắn của Washington sẽ tiếp tục được duy trì.

Khởi động lại "Bộ tứ kim cương"

Vào trung tuần tháng 2, tân ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cùng Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu có cuộc điện đàm bốn bên với Ngoại trưởng Úc Marise Payne và người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, trong khuôn khổ "Bộ tứ kim cương" - một kế hoạch mà phía Mỹ tin rằng sẽ kiềm chế được sự trỗi dậy của Trung Quốc ở khu vực và những chiến lược đe dọa an ninh Biển Đông của nước này.

bai-2-My-Trung-1-4146-1615434993.jpg

Đây là diễn biến mới nhất cho thấy Tổng thống Biden đang khởi động lại liên minh của nhóm "bộ tứ" này, bất chấp phía Trung Quốc hồi đầu tháng 2 đã cảnh  báo Tổng thống Joe Biden rằng, việc hồi sinh "bộ tứ" sẽ là một "sai lầm chiến lược nghiêm trọng".  Bắc Kinh cũng từng gây áp lực với Ấn Độ, cho rằng nước này có khả năng chấm dứt định dạng "bộ tứ" và khuyên New Delhi không nên tham gia. Tuy nhiên, những căng thằng gần đây do tranh chấp biên giới đã khiến Ấn Độ tìm kiếm thêm đồng minh để đối trọng lại với Trung Quốc.

Trước đó, Tổng thống Biden cũng nhấn mạnh rằng việc phối hợp chặt chẽ với các đồng minh sẽ là yếu tố then chốt trong chiến lược của ông nhằm đối phó với Trung Quốc. Ông Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gần đây cũng điện đàm và đồng ý tăng cường an ninh khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thông qua "Bộ tứ kim cương".

Phía Nhật Bản từ trước đến nay luôn nhấn mạnh mong muốn mở rộng hợp tác với Mỹ, Úc và Ấn Độ, và hồi cuối năm 2020 từng bắn tín hiệu Đông Nam Á có thể là mục tiêu ưu tiên mở rộng của "bộ tứ" này nhằm đối phó với những thách thức mà Trung Quốc tạo ra ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Đáng lưu ý là năm 2020, Mỹ cũng từng để ngỏ kế hoạch thành lập "Mạng lưới kinh tế thịnh vượng" nhóm "Bộ tứ kim cương", gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ và mời thêm ba quốc gia khác là Hàn Quốc, New Zealand và Việt Nam cùng tham gia. 

Chuỗi cung ứng "không Trung Quốc"

Chưa đầy một tuần sau cuộc điện đàm của "Bộ tứ kim cương", truyền thông quốc tế tiếp tục đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ ký một sắc lệnh để thúc đẩy xây dựng chuỗi công nghệ cung cấp chip và các sản phẩm chiến lược khác cùng với các đồng minh như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, đồng thời sẽ tăng cường mối quan hệ với các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm Úc để khai thác đất hiếm, nguồn tài nguyên mà từ trước đến nay các nước như Mỹ hay Nhật Bản phải phụ thuộc khá lớn vào Trung Quốc.

Chiến dịch tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng công nghệ "không Trung Quốc" của Mỹ và đồng minh dường như là bước đi kế tiếp trong chiến lược đối phó với Bắc Kinh của Washington, khi hồi giữa năm 2020 chính quyền ông Trump cũng từng tuyên bố phối hợp với nhiều nước đẩy mạnh chương trình rút các chuỗi cung ứng toàn cầu khỏi Trung Quốc.

Theo đó, Mỹ có kế hoạch chia sẻ thông tin với các đồng minh về mạng lưới cung ứng các sản phẩm quan trọng và tìm cách thúc đẩy sản xuất. Nước này dự kiến xem xét một khuôn khổ để chia sẻ nhanh chóng các mặt hàng này trong trường hợp khẩn cấp, cũng như thảo luận về việc đảm bảo kho dự trữ và năng lực sản xuất dự phòng. Điều kiện đi kèm là các đối tác có thể sẽ được yêu cầu giảm bớt quan hệ làm ăn với Trung Quốc.

Còn nhớ cách đây hơn 10 năm, Trung Quốc từng hạn chế xuất khẩu đất hiếm vào Nhật Bản như là đòn trả đũa liên quan đến tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước. Năm 2012, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản từng kiện Trung Quốc lên WTO về việc nước này áp dụng chính sách hạn chế xuất khẩu đất hiếm nhằm buộc các hãng sản xuất nhiều nước phải chuyển hoạt động đến Trung Quốc. Mới đây nhất là giữa tháng 2, Bắc Kinh lại đe dọa trừng phạt nhà thầu quân sự Mỹ bằng việc hạn chế nguồn cung đất hiếm vốn là nguyên liệu thiết yếu đối với ngành công nghiệp quốc phòng.

Rõ ràng, việc phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc đối với những sản phẩm quan trọng tiềm ẩn nhiều rủi ro về an ninh, mà đại dịch Covid-19 

vừa qua đã hé lộ những lỗ hổng "chết người" khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng ra sao một khi phải dựa vào Trung Quốc.

Mỹ được cho là sẽ tiến hành đánh giá toàn diện chuỗi cung ứng để xem xét mức độ phụ thuộc vào các quốc gia về sản phẩm bán dẫn và đất hiếm. 

Chiến dịch tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng công nghệ "không Trung Quốc" này của Mỹ và đồng minh dường như là bước đi kế tiếp trong chiến lược đối phó với Bắc Kinh của Washington, khi hồi giữa năm 2020 chính quyền ông Trump tuyên bố phối hợp với nhiều nước để đẩy mạnh chương trình rút các chuỗi cung ứng toàn cầu khỏi Trung Quốc.

Trong nhiệm kỳ tổng thống, ông Trump luôn tìm cách lôi kéo các doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở Trung Quốc về nước. Kinh tế suy thoái trong đại dịch Covid-19 vào năm ngoái càng thúc đẩy chính quyền Mỹ tăng tốc thực hiện việc rút sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu khỏi Trung Quốc, cho dù có thể không đưa về nước mà chuyển qua một số quốc gia khác "thân thiện hơn".  Và bước đi lần này của tân Tổng thống Joe Biden, cho thấy chính sách cứng rắn của Mỹ với Trung Quốc sẽ còn được duy trì.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tân tổng thống Mỹ tiếp tục cô lập Trung Quốc?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO