Quan hệ Mỹ - Trung về đâu sau 'cuộc đấu khẩu' nảy lửa tại Alaska?

Khởi Vũ| 22/03/2021 07:00

Phía Mỹ nói Trung Quốc đe dọa ổn định, trong khi Bắc Kinh cáo buộc Washington lạm dụng vấn đề an ninh quốc gia tại cuộc gặp quan trọng đầu tiên giữa hai bên, sau 4 năm quan hệ song phương rơi vào tình trạng tồi tệ nhất.

Đại diện Mỹ tại cuộc đối thoại ở thành phố Anchorage, bang Alaska là Ngoại trưởng Antony Blinken cùng Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan; phía Trung Quốc là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì cùng Ủy viên Quốc vụ, Ngoại trưởng Vương Nghị.

Cuộc gặp trực tiếp này được dư luận thế giới đặc biệt quan tâm, khi đây còn là lần đầu tiên các nhà ngoại giao cấp cao của hai nước có dịp ngồi cùng nhau bên bàn thảo luận dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden. Dù không lớn về quy mô, song có thể xem đây là cuộc gặp quan trọng, bởi nó diễn ra khi quan hệ Mỹ - Trung đã rơi xuống mức xấu nhất trong thời gian qua - tình trạng mà theo một số học giả là còn hơn cả chiến tranh lạnh.

Bản thân sự hiện diện giữa 4 nhân vật cấp cao, đại diện cho chính sách đối ngoại, quan hệ quốc tế và an ninh quốc gia của Mỹ lẫn Trung Quốc dưới hình thức hội đàm trực tiếp, bên cạnh khối lượng nội dung thảo luận lên đến 2 ngày, cũng là các yếu tố cho thấy độ lớn của cuộc gặp. Ngoài ra, cần biết rằng, ông Biden và ông Tập dự kiến sẽ gặp nhau vào tháng 5 tới, và sẽ gặp gỡ bên lề Hội nghị Nhóm 20 nền kinh tế lớn của thế giới (G20) vào cuối năm - điều khiến cộng đồng quốc tế kỳ vọng cuộc gặp ở Alaska sẽ mở ra một khởi đầu mới nào đó.

Ảnh: Phái đoàn Trung Quốc (trái) và Mỹ trong cuộc gặp tại Alaksa hôm 18/3/2021. Ảnh: Reuters.

Ảnh: Phái đoàn Trung Quốc (trái) và Mỹ trong cuộc gặp tại Alaksa hôm 18/3/2021. Ảnh: Reuters.

Hội đàm: Ý nghĩa lớn, kết quả nhỏ

Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, cuộc gặp đã khởi đầu căng thẳng khi Ngoại trưởng Mỹ nói sẽ đưa ra "nhiều mối quan tâm sâu sắc" của chính quyền Biden với một số hành động của Bắc Kinh. "Chúng tôi sẽ thảo luận nhiều mối quan tâm sâu sắc với các hành động của Trung Quốc, gồm vấn đề Tân Cương, Hồng Kông, Đài Loan, tấn công mạng nhắm vào Mỹ và cưỡng bức kinh tế với các đồng minh của chúng tôi. Mỗi hành động trong số này đều đe dọa trật tự thượng tôn pháp luật, vốn giúp duy trì sự ổn định trên toàn cầu", ông Blinken phát biểu.

Đáp lại, ông Dương Khiết Trì phản bác với bài phát biểu dài 15 phút, vượt quá thời hạn 2 phút mà quan chức hai bên đã thống nhất trước thềm cuộc gặp. "Vì ngài Ngoại trưởng và cố vấn an ninh quốc gia Sullivan đã có bài phát biểu khai mạc khá khác biệt, nên tôi cũng sẽ thay đổi đôi chút", ông Dương nói. Nhà ngoại giao cảnh báo Mỹ nên dừng can thiệp vào "công việc nội bộ" của Trung Quốc và nói rằng, Washington nên "ngừng thúc đẩy nền dân chủ với phần còn lại của thế giới", đồng thời chỉ ra nhiều người Mỹ "thực sự không mấy tin tưởng" vào nền dân chủ của chính nước này.

Tuyên bố trên dường như đã châm ngòi cho cuộc tranh luận nảy lửa, “ăn miếng trả miếng” của đôi bên, khi ông Blinken quyết định giữ các phóng viên trong phòng họp báo lại để đáp trả, thay vì bắt đầu cuộc họp riêng với quan chức Trung Quốc. Trước mặt báo giới, hai bên đáp trả qua lại trong 90 phút - điều vốn không xảy ra đối với các cuộc hội đàm bình thường.

Những điều được cả hai bên nêu ra, từ vấn đề ở Tân Cương, Hồng Kông, Đài Loan, cho đến cáo buộc Trung Quốc tấn công mạng, cưỡng bức kinh tế đồng minh của Mỹ,... đều là các nội dung không mới; song, điểm đáng chú ý chính là không khí căng thẳng, cách chỉ trích trực diện, không kiêng nể, xã giao, mà thẳng thừng và không che giấu trước báo chí. Ngay cả dưới thời ông Trump, thái độ thể này cũng không được thể hiện rõ như tại cuộc gặp vừa qua, khi hai bên đều có nhận xét tiêu cực về phía đối phương, và cáo buộc nhau vi phạm nghi thức ngoại giao.

Bên cạnh đó, ngay cả bản chất cuộc gặp cũng là chủ đề tranh cãi, khi Bắc Kinh xem đây là "đối thoại chiến lược", còn Washington luôn khẳng định đây chỉ là sự kiện đơn lẻ. Phía Mỹ cho rằng phía Trung Quốc đến dự họp với mục đích "thể hiện và gây chú ý", chỉ trích ông Dương Khiết Trì vi phạm thủ tục khi phát biểu tới 15 phút, thay vì đưa ra thông báo ngắn gọn trong 2 phút như đã thống nhất.

Rốt cục, đã không có tuyên bố chung nào được đưa ra. Cuộc gặp cũng không đáp ứng được nhu cầu của hai bên là giảm bớt thiệt hại do tình trạng căng thẳng trong mối quan hệ, dù các lãnh đạo Trung Quốc cho biết họ rất muốn đưa mối quan hệ với Mỹ trở lại tình trạng ổn định.

Ảnh: Ngoại trưởng Vương Nghị (trái) và nhà ngoại giao Dương Khiết Trì họp báo sau cuộc gặp được truyền thông Trung Quốc xem là “vượt quá thời gian giới hạn một cách nghiêm trọng" và "khơi mào mâu thuẫn”. Ảnh: Xinhua.

Ảnh: Ngoại trưởng Vương Nghị (trái) và nhà ngoại giao Dương Khiết Trì họp báo sau cuộc gặp được truyền thông Trung Quốc xem là “vượt quá thời gian giới hạn một cách nghiêm trọng" và "khơi mào mâu thuẫn”. Ảnh: Xinhua.

Tương lai đối thoại Mỹ - Trung?

Diễn ra sau nhiều ngày đôi bên có các động thái "thử" thái độ của đối phương, cuộc gặp là nơi để cả Bắc Kinh lẫn Washington trực tiếp thể hiện rõ ràng các vấn đề quan tâm, cũng như “dò xem” mức độ ưu tiên trong chính sách đối ngoại và ranh giới không thể nhượng bộ của đối phương. Bản thân Mỹ cũng xem Trung Quốc là “thách thức địa chính trị lớn nhất thế kỷ XXI” và là “đối thủ cạnh tranh lớn nhất”, cũng như khẳng định quan hệ giữa hai bên sẽ là cạnh tranh khi cần thiết, hợp tác khi có thể, và thù địch khi buộc phải như vậy.

Do đó, với kết quả của cuộc gặp tại Alaska, cũng như sự khác biệt trong cách nhìn nhận bản chất cuộc đối thoại của hai bên, tương lai cho một kênh đối thoại chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục bỏ ngỏ. Theo giới quan sát, cơ hội cho một cuộc gặp trực tiếp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tương lai giờ đã gần như rất mong manh.

Giáo sư về Quan hệ Quốc tế tại Đại học Bắc Kinh Jia Qingguo nhận xét, cuộc gặp giữa lãnh đạo hai bên sẽ khó xảy ra ở thời điểm này, bởi Mỹ và Trung Quốc vẫn cần nhiều thời gian hơn để nhìn lại cuộc gặp ở Alaska. Theo ông Jia, một cuộc gặp trực tiếp gần như bất khả thi, nhưng cuộc gặp trực tuyến thì có thể. "Mối quan hệ này (Mỹ-Trung) chỉ có thể cải thiện và trở nên ổn định hơn khi hai bên cố gắng thúc đẩy bầu không khí hợp tác và làm việc với nhau hiệu quả trong những khía cạnh có lợi ích chung", vị giáo sư nói.

Cố vấn của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc Shi Yinhong cũng loại trừ khả năng về cuộc gặp trực tiếp giữa ông Tập và ông Biden trong tương lai gần. "Ngoại trưởng Blinken đã khẳng định, hội nghị ở Alaska chỉ là sự kiện một lần và những cuộc gặp sau đó chỉ xảy ra sau khi Trung Quốc nhượng bộ về vấn đề Hồng Kông, Đài Loan và Tân Cương. Dù vậy, Bắc Kinh đã nhấn mạnh, sẽ không có bất cứ sự nhượng bộ nào trong các vấn đề liên quan đến các lợi ích cốt lõi của quốc gia", vị cố vấn nói.

Ảnh: Ngoại trưởng Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Sullivan trả lời báo chí sau phiên họp thứ hai với phái đoàn Trung Quốc ngày 19/3 ở Alaska. Ảnh: AFP.

Ảnh: Ngoại trưởng Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Sullivan trả lời báo chí sau phiên họp thứ hai với phái đoàn Trung Quốc ngày 19/3 ở Alaska. Ảnh: AFP.

Kịch bản tiếp theo?

Do đó, kịch bản khả dĩ nhất đối với Mỹ và Trung Quốc trong tương lai gần sẽ là mở rộng, tăng cường quan hệ với các nước, đối tác, và đồng minh. Với Trung Quốc, đó sẽ là Nga và ASEAN, còn với Mỹ, đó sẽ là các đồng minh châu Âu và NATO, cũng như Bộ Tứ Kim cương (QUAD).

Trên thực tế, cả lãnh đạo Trung Quốc lẫn Nga đều nói sẽ tăng cường hợp tác giữa cả hai. Ngay sau cuộc gặp tại Alaska, truyền thông Trung Quốc đưa tin Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrob sẽ đến thăm Trung Quốc từ ngày 22-23/3 để bàn bạc về nhiều vấn đề quan trọng, nhằm bảo vệ tốt hơn lợi ích chiến lược của hai nước. Còn với ASEAN, đối sách của Trung Quốc sẽ là tăng cường quan hệ với từng quốc gia thành viên thông qua thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, triển khai các dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường, đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Về phần mình, Mỹ sẽ tiếp tục tập trung vào các vấn đề trong nước và thúc đẩy mạnh mẽ hơn quan hệ với các đồng minh truyền thống. Tổng thống Biden cũng đã tái khẳng định các cam kết mạnh mẽ với các đồng minh châu Âu và NATO tại Hội nghị An ninh Munich vào tháng trước, song song với việc thể hiện ý định sẽ hợp tác chặt chẽ với QUAD ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Ngoài ra, cả Pháp lẫn Anh cũng đang tìm cách hợp tác chặt chẽ hơn với QUAD để tiến hành các cuộc diễn tập quân sự trên biển và các chiến dịch tự do hàng hải.

Giáo sư Bert Hofman - Giám đốc Viện Nghiên cứu Á - Âu, Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng việc cả Mỹ lẫn Trung Quốc tập trung vào các vấn đề nội địa không phải điều xấu, miễn là sự trao đổi ở cấp thấp hơn giữa hai bên vẫn tiếp tục diễn ra, nhất là trong các lĩnh vực như quân sự - nơi nguy cơ xung đột có thể gia tăng khi hai nước tăng cường hoạt động trong khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quan hệ Mỹ - Trung về đâu sau 'cuộc đấu khẩu' nảy lửa tại Alaska?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO