Giảm phụ thuộc vào USD, Nga tìm cách chống bị cô lập

Lê Phan| 10/09/2022 01:00

Để tránh bị cô lập và giảm tác động từ các đòn trừng phạt, Nga không chỉ tìm cách giảm phụ thuộc vào đồng USD và tích cực ký kết các thỏa thuận thanh toán bằng đồng ruble cho các hợp đồng cung cấp năng lượng, mà còn tranh thủ sự ủng hộ của một số quốc gia bằng việc mở rộng hợp tác kinh tế.

Tách khỏi USD

Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga ngày 6/8/2022 thông báo đã ký một thỏa thuận để bắt đầu chuyển sang thanh toán nguồn khí đốt mà Moscow cung cấp Trung Quốc bằng nhân dân tệ và đồng ruble của Nga thay vì USD. CEO của Gazprom, ông Alexei Miller cho biết thỏa thuận này sẽ giúp đơn giản hóa việc tính toán, đồng thời tạo thêm lực đẩy cho sự phát triển kinh tế của Nga và Trung Quốc.

Theo giới phân tích, thỏa thuận trên là một phần nỗ lực của Moscow nhằm giảm sự phụ thuộc vào USD, euro và các loại ngoại tệ mạnh khác trong hệ thống ngân hàng cũng như trong thương mại, sau khi vấp phải các lệnh trừng phạt của phương Tây do chiến sự giữa Nga và Ukraine. Điều quan trọng hơn là về phía các nhà cung cấp khí đốt của Nga, việc thanh toán bằng đồng ruble sẽ giúp tăng đáng kể doanh thu. Nga đã phát triển và cung cấp cho khách hàng một hệ thống thanh toán mới.

Hồi đầu năm nay, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh buộc các quốc gia "không thân thiện" phải thanh toán hợp đồng khí đốt với Nga bằng đồng ruble từ tháng 4/2022, trong đó yêu cầu khách hàng châu Âu phải mở tài khoản bằng đồng ruble ở ngân hàng Gazprombank và thanh toán bằng nội tệ của Nga nếu muốn tiếp tục nhận khí đốt từ Nga. 

-2067-1662709760.jpg

Cũng theo các quan chức Nga, quá trình thanh toán khí đốt bằng đồng ruble sẽ được áp dụng "có cân nhắc đến tình hình kinh tế và tài chính toàn cầu" và "được tính toán kỹ lưỡng", chứ không phải thay đổi đột ngột. Điện Kremlin cho biết, việc thanh toán khí đốt bằng đồng ruble sẽ là "nguyên mẫu" để mở rộng sang các mặt hàng xuất khẩu quan trọng khác của Nga, trong bối cảnh Moscow bị hạn chế khả năng tiếp cận nguồn dự trữ ngoại tệ do các biện pháp trừng phạt.

Dù vậy, theo một nguồn tin thân cận với Gazprombank, vào thời điểm đó, 10 khách hàng châu Âu mua khí đốt của Nga đã mở tài khoản bằng đồng ruble và 4 trong số đó đã thanh toán theo phương thức ấy. Ủy ban châu Âu vào tháng 4 cho rằng, có thể thanh toán tiền mua khí đốt Nga bằng đồng ruble mà vẫn tuân thủ các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga.

Ngay sau đó, Hungary đã đồng ý với các điều khoản thanh toán của Moscow đối với khí đốt của Nga, bởi 85% lượng khí đốt và 65% nguồn dầu mỏ của Hungary phải nhập khẩu từ Nga. 

Đến đầu tháng 8, Tổng thống Thổ Nhĩ KỳTayyip Erdogan xác nhận nước này sẽ bắt đầu thanh toán một phần khí đốt nhập khẩu từ Nga bằng đồng ruble. Chẳng những vậy, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ - một quốc gia thuộc NATO, cũng đã nhất trí mở rộng hợp tác kinh tế trong nhiều lĩnh vực, trong đó có ngân hàng và công nghiệp. 

Nỗ lực áp trần giá năng lượng Nga

Không chỉ yêu cầu các đối tác thanh toán bằng đồng ruble, hôm 24/6/2022, Bộ Tài chính Nga đã chuyển 8,5 tỷ ruble (159 triệu USD) lợi suất trái phiếu Eurobond bằng đồng USD cho Trung tâm Lưu ký Thanh toán Quốc gia, khi nguy cơ vỡ nợ gần hơn bao giờ hết. Dù đồng ruble không phải là đồng tiền có thể sử dụng cho thanh toán, nhưng khi đó Nga cho rằng việc thanh toán bằng đồng ruble cho phép Nga thực hiện nghĩa vụ thanh toán do bị cấm vận khiến nước này không thể sử dụng ngoại tệ. 

Sau đề xuất áp trần giá dầu Nga đưa ra trước đây, EU một lần nữa đề xuất loạt biện pháp kiểm soát giá năng lượng tăng vọt ở châu Âu và áp giá trần với khí đốt Nga, bất chấp EU đang đối mặt với mùa Đông khắc nghiệt phía trước khi người tiêu dùng phải chịu giá khí đốt và giá điện tăng kỷ lục.

Về phần mình, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) vẫn liên tục tìm cách gây sức ép để khách hàng mua năng lượng của Nga không chuyển sang thanh toán bằng đồng ruble nhằm hạn chế khả năng chống chịu của Moscow trước các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt. Rõ ràng việc thanh toán bằng đồng ruble có thể giúp Nga tránh các quy định về hạn chế giao dịch bằng USD mà Mỹ đang tìm cách áp đặt với các ngân hàng toàn cầu. 

Sau đề xuất áp trần giá dầu Nga đưa ra trước đây, ngày 7/9/2022, EU một lần nữa đề xuất loạt biện pháp kiểm soát giá năng lượng tăng vọt ở châu Âu và áp giá trần với khí đốt Nga để siết trừng phạt, bất chấp EU đang đối mặt với mùa Đông khắc nghiệt khi người tiêu dùng phải chịu giá khí đốt và giá điện tăng kỷ lục. Việc Nga tuần trước thông báo đóng hoàn toàn đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 càng làm tăng mối lo với các hộ gia đình châu Âu.

Tổng thống Putin khẳng định sẽ dừng nguồn cung với tất cả quốc gia áp giá trần với dầu và khí đốt Nga. Ông Putin mới đây cũng tuyên bố không ai có thể cô lập Nga, dù thừa nhận phải đối mặt với thách thức do các lệnh cấm vận phương Tây. Diễn biến này khiến ý tưởng áp trần giá khí đốt Nga đang gây chia rẽ các nước thành viên EU. 

Trong khi Pháp, Ba Lan muốn áp trần giá khí đốt Nga, nhưng Đức - nền kinh tế lớn nhất và cũng là nước nhập khẩu nhiều khí đốt Nga nhất, cho rằng việc này sẽ khiến Moscow trả đũa, cắt hoàn toàn nguồn cung cho EU. Đây là kịch bản mà Berlin lo ngại sẽ đặc biệt ảnh hưởng đến các nước Trung Âu như Czech, Slovakia và Romania. Được biết Đức đã bị Nga cắt phần lớn nguồn cung khí đốt, nước này hiện chỉ còn nhận được một lượng rất nhỏ qua Ukraine.

Czech - quốc gia đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU cũng không mặn mà với ý tưởng áp trần giá khí đốt. Các quốc gia như Czech, Slovakia và Hungary có tỷ lệ phụ thuộc khí đốt Nga trong mùa Đông năm nay cao hơn Đức. Trong khi đó, Hungary - đồng minh thân cận nhất của Nga trong EU - gần đây đã đạt được các thỏa thuận với Moscow để thúc đẩy việc cung cấp khí đốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giảm phụ thuộc vào USD, Nga tìm cách chống bị cô lập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO