Buôn bán hàng giả, hàng cấm bị phạt tối đa 400 triệu đồng

HT| 15/10/2020 04:56

Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chính thức có hiệu lực thi hành từ hôm nay 15/10/2020.

Buôn bán hàng giả, hàng cấm bị phạt tối đa 400 triệu đồng

Trong bối cảnh các hành vi vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả đang có chiều hướng gia tăng, Nghị định 98/2020/NĐ-CP đã bổ sung nhiều quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, tăng mức xử phạt, các biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính…

Điều 8 của Nghị định 98 quy định, phạt tối đa đến 100 triệu đồng đối với cá nhân có hành vi buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng có số lượng từ 50kg/50 lít trở lên; buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 1.500 bao trở lên; buôn bán pháo nổ từ 6kg trở lên... Mức phạt sẽ tăng lên 200 triệu đồng đối với hành vi sản xuất hàng cấm.

Như vậy, với tổ chức mức phạt tối đa tương ứng sẽ là 200 triệu đồng với hành vi buôn bán hàng cấm và 400 triệu đồng với hành vi sản xuất hàng cấm. Với cá nhân có hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng, Điều 9 của Nghị định 98 quy định mức phạt tiền là từ 1-70 triệu đồng tùy thuộc vào giá trị hàng giả tương đương với hàng thật.

Đặc biệt, hành vi buôn bán hàng giả là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc, nguyên liệu làm thuốc; thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản; mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, chất tẩy rửa, hóa chất, y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm… mức phạt tiền tăng gấp đôi (tối đa 140 triệu đồng). Tổ chức vi phạm mức phạt gấp đôi so với cá nhân, tương đương 280 triệu đồng.

Tương tự, Điều 10 quy định hành vi sản xuất giả các hàng hóa nêu trên sẽ bị xử phạt tối đa 200 triệu đồng đối với cá nhân và 400 triệu đồng đối với tổ chức. Với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, Điều 15 quy định phạt tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.

Bên cạnh đó, Điều 17 của Nghị định quy định mức phạt tiền lên đến 200 triệu đồng đối với tổ chức có hành vi kinh doanh thực phẩm, thuốc quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ đồng thời bị buộc tiêu hủy sản phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Buôn bán hàng giả, hàng cấm bị phạt tối đa 400 triệu đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO