5 chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 6/2020

HT| 01/06/2020 00:30

Dưới đây là một số chính sách, quy định đã được ban hành và sẽ có hiệu lực kể từ tháng 6/2020.

5 chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 6/2020

1. Không tuyển sinh trình độ trung cấp sư phạm

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Quy chế tuyển sinh đại học năm 2020 tại Thông tư 09 năm 2020. Một trong những nội dung đáng chú ý của Quy chế ban hành kèm theo Thông tư này chính là việc không tuyển sinh trình độ trung cấp sư phạm. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 22/6/2020. 

Theo Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên tối thiểu phải từ cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non. Do vậy, để triển khai quy định này, Quy chế đã ghi nhận từ năm 2020, các trường đào tạo sư phạm sẽ không tuyển sinh trình độ trung cấp sư phạm, chỉ tuyển sinh trình độ cao đẳng trở lên với ngành giáo dục mầm non.

2. Tự ý cho thuê ô tô công, phạt đến 20 triệu đồng

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Thông tư số 29/2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công. Liên quan đến vấn đề này, Khoản 1 Điều 6 Thông tư nêu rõ, việc cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan của tổ chức chính trị - xã hội sử dụng tài sản công vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết thì xử phạt theo Khoản 2 Điều 8 Nghị định 63/2019/NĐ-CP.

Theo đó, cơ quan, tổ chức cho thuê xe ô tô công sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng. Với cùng hành vi vi phạm, nếu do cá nhân thực hiện sẽ bị phạt tiền bằng 1/2 mức phạt đối với tổ chức, tương đương mức phạt từ 5-10 triệu đồng. Thông tư có hiệu lực từ ngày 2/6/2020. 

3. Người mới ra tù dưới 18 tuổi được ưu tiên vay vốn, đào tạo nghề

Nội dung này được đề cập tại Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 quy định chi tiết thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng. Theo đó, người chấp hành xong hình phạt tù dưới 18 tuổi được ưu tiên đào tạo nghề và hỗ trợ vay vốn để tạo việc làm; trẻ em chấp hành xong hình phạt tù được thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp, bảo vệ phù hợp theo quy định của pháp luật.

Với đối tượng mới ra tù khác sẽ được tham gia đào tạo nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, dưới 03 tháng được miễn, giảm học phí, hưởng chính sách nội trú, được hỗ trợ chi phí đào tạo, tiền ăn và tiền đi lại nếu thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp theo quy định hiện hành. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/6/2020.

4. Chỉ được tạm nhập, tái xuất qua cửa khẩu chính

Thông tư số 09/2020TT-BCT của Bộ Công Thương có hiệu lực thi hành từ ngày 30/6/2020 quy định về lộ trình áp dụng cửa khẩu nhập khẩu, xuất khẩu đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, kinh doanh chuyển khẩu, gửi kho ngoại quan.

Thông tư nêu rõ, việc nhập khẩu vào hoặc tái xuất các loại hàng hóa ra khỏi Việt Nam qua biên giới đất liền chỉ được thực hiện qua các cửa khẩu quốc tế hoặc cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương). Quy định trên được áp dụng cho cả hàng hóa nước ngoài tạm nhập tái xuất gửi kho ngoại quan nếu hàng hóa đó được nhập khẩu vào hoặc tái xuất ra khỏi Việt Nam qua biên giới đất liền.

5. Phải xin phép khi vận chuyển chất nguy hiểm

Chính phủ đã ban hành Nghị định 42/2020/NĐ-CP quy định về Danh mục hàng hóa nguy hiểm, vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thủy nội địa. Tổng cộng có 2.921 loại hàng hóa nguy hiểm theo Nghị định, có hiệu lực từ ngày 1/6/2020.

Muốn vận chuyển các hàng hóa này, cá nhân hoặc tổ chức phải được phép của cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, những người vận chuyển, bốc dỡ, áp tải… đều phải được tập huấn trước khi làm nhiệm vụ. Nghị định 42/2020 cũng yêu cầu, không được vận chuyển xăng, gas, các chất dễ cháy qua hầm có chiều dài hơn 100m hoặc chở cùng hành khách trên một phương tiện.

Danh mục hàng hóa nguy hiểm được chia thành 9 nhóm theo tính chất hóa, lý

- Loại 1: Chất nổ và vật phẩm dễ nổ

- Loại 2: Khí

- Loại 3: Chất lỏng dễ cháy và chất nổ lỏng khử nhạy

- Loại 4:

Nhóm 4.1: Chất rắn dễ cháy, chất tự phản ứng và chất nổ rắn được ngâm trong chất lỏng hoặc bị khử nhạy

Nhóm 4.2: Chất có khả năng tự bốc cháy

Nhóm 4.3: Chất khi tiếp xúc với nước tạo ra khí dễ cháy

- Loại 5:

Nhóm 5.1: Chất oxy hóa

Nhóm 5.2: Peroxit hữu cơ

- Loại 6:

Nhóm 6.1: Chất độc

Nhóm 6.2: Chất gây nhiễm bệnh

- Loại 7: Chất phóng xạ

- Loại 8: Chất ăn mòn

- Loại 9: Chất và vật phẩm nguy hiểm khác

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
5 chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 6/2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO