3 chính sách lao động, tiền lương nổi bật có hiệu lực từ tháng 4

P.V| 28/03/2022 04:00

Các chính sách nổi bật dưới đây quy định về thời gian làm thêm trong tháng, mức hỗ trợ dành cho lao động ngành du lịch và bảng lương công chức quản lý thị trường.

3 chính sách lao động, tiền lương nổi bật có hiệu lực từ tháng 4

Nâng "trần" giờ làm thêm lên 60 giờ/tháng 

Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 về số giờ làm thêm trong 1 năm, 1 tháng của người lao động (NLĐ) trong bối cảnh phòng, chống Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

Theo đó, số giờ làm thêm trong 1 năm được quy định như sau: Trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và NLĐ đồng ý thì được sử dụng NLĐ làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ/năm. Quy định có hiệu lực từ 1/1/2022.

Với số giờ làm thêm trong 1 tháng, Nghị quyết quy định: "Trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng NLĐ làm thêm tối đa 300 giờ/năm có nhu cầu và được sự đồng ý của NLĐ thì được sử dụng NLĐ làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ/tháng". Quy định có hiệu lực từ 1/4/2022.

Hỗ trợ đào tạo nghề du lịch 

Có hiệu lực từ ngày 9/4/2022, Thông tư 12/2022/TT-BTC hướng dẫn nội dung và mức chi từ ngân sách nhà nước để thực hiện xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.

Về hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức về du lịch một phần kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động nghề du lịch, Thông tư nêu: Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4.500.000đ/người/khóa đào tạo.

Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1.500.000đ/người/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa không quá 6 tháng.

Trường hợp NLĐ tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tạo nghề nghiệp thì số ngày lẻ được tính theo nguyên tắc, từ 14 ngày trở xuống tính là 1/2 tháng và từ 15 ngày trở lên được tính là 1 tháng.

3-chi-nh-sa-ch-lao-do-ng-tie-n-6581-5375

Điều chỉnh bảng lương công chức quản lý thị trường 

Có hiệu lực từ 1/4/2022, Thông tư 02/2022/TT-BCT quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức Quản lý thị trường.

Cụ thể: Ngạch Kiểm soát viên cao cấp thị trường (mã số 21,187) áp dụng bảng lương công chức loại A3, nhóm 1 (A3.1), từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00. Như vậy, mức lương cao nhất của ngạch này có thể là: 8 x 1.490.000đ = 11.920.000đ. 

Ngạch Kiểm soát viên chính thị trường (mã số 21.188) áp dụng bảng lương công chức loại A2, nhóm 1 (A2.1), từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78. Như vậy, mức lương cao nhất của ngạch này có thể là: 6,78 x 1.490.000đ = 10.102.200đ. 

Ngạch Kiểm soát viên thị trường (mã số 21.189) áp dụng bảng lương công chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98. Như vậy, mức lương cao nhất của ngạch này có thể là: 4,98 x 1.490.000đ = 7.420.200đ.

Ngạch Kiểm soát viên trung cấp thị trường (mã số 21.190) áp dụng bảng lương công chức loại A0, từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89. Như vậy, mức lương cao nhất của ngạch này có thể là: 4,89 x 1.490.000đ = 7.282.100đ…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
3 chính sách lao động, tiền lương nổi bật có hiệu lực từ tháng 4
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO