![]() |
Giữa tháng 6/2017, Chanel đã bị chỉ trích dữ dội khi chi 1, 325 USD để sản xuất boomerang - thứ vũ khí được người dân bản địa Úc sử dụng cho mục đích săn bán trước khi đưa vào sử dụng rộng rãi trong thể thao và ngành giải trí. Nối tiếp đó, giám đốc sáng tạo Alessandro Michele của nhà mốt Gucci khi tung ra BST Cruise 2018 đã nhận những cáo buộc quanh việc ăn cắp ý tưởng từ văn hóa hip-hop do Dapper Dan gầy dựng vào những năm 1980.
Siêu mẫu Karlie Kloss đội chiếc mũ đính lông vũ lấy cảm hứng từ mũ của người da đỏ tại show diện nội y Victoria’s Secret, tạo nên làn sóng giận dữ chưa từng thấy. Nam ca sĩ Pharrell Williams cũng từng đội chiếc mũ tương tự khi xuất hiện trên bìa tạp chí. Gwen Stefani, Christina Fallin và rất nhiều nhân vật nổi tiếng khác cũng phạm phải sai lầm tương tự khi đội chiếc mũ này trong các lễ hội âm nhạc.
Trong kỷ nguyên kỷ thuật số, ngành thời trang đã không còn xa lạ với những cuộc tranh luận xoay quanh việc “chiếm dụng văn hóa” (cultural appropriation) bởi các nhà thiết kế lấy cảm hứng từ khắp nơi, nhào nặn chúng và cho ra những sản phẩm ngày càng mang đậm tính thương mại. Việc biến những giá trị văn hóa thành hàng hóa là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên nó cũng đặt ra một một câu hỏi, đây là vay mượn làm mới thiết kế hay ăn cắp những sáng tạo đã có?
Tháng 8/2018, bảo tàng Mỹ thuật San Francisco mở cửa triển lãm Contemporary Muslim Fashions, trưng bày các trang phục mang tính dân tộc và tôn giáo, từ turban đến burquas, từ Nike hijab đến bộ sưu tập caftan đặc biệt của Oscar de la Renta. Max Hollein - Giám đốc bảo tàng chia sẻ: “Có người nghĩa rằng phụ nữ Hồi giáo không hề có khái niệm về thời trang. Nhưng sự thật thì ngược lại, với một bối cảnh thời trang khác thường, hiện đại và nhạy cảm, đặc biệt là ở các nước có phần đông dân số theo đạo Hồi”. Hollein có thể đúng, nhưng có một thực tế rằng, các nước Hồi giáo vẫn phải chịu đựng những ngộ nhận và phân biệt đối xử từ nhiều quốc gia phương Tây. Dụng ý của cuộc triển lãm vì thế khiến người xem băn khoăn: nó có phải là một nỗ lực đáng tôn trọng với mục đích đa dạng hóa thời trang, hay lại là một ví dụ khác về việc phương Tây áp đặt câu chuyện lên “phần còn lại của thế giới”?
Đó chính là lý do, chiếm dụng văn hóa đang ngày càng được nhiều tổ chức bảo vệ tính độc đáo của văn hóa bản địa quan tâm, nhằm chống lại sự đồng hóa mà chính thời trang, ẩm thực là thứ dễ lan tỏa nhất.