Châu Á: Đại dịch tạo ra 20 tỷ phú và đẩy 140 triệu người vào cảnh nghèo

Bảo Quân| 17/01/2022 02:00

Theo một báo cáo nghiên cứu từ Oxfam, Covid-19 đã giúp châu Á có thêm 20 tỷ phú mới, nhưng đồng thời cũng đẩy 140 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói vì mất việc.

Châu Á: Đại dịch tạo ra 20 tỷ phú và đẩy 140 triệu người vào cảnh nghèo

Dẫn báo cáo của Oxfam, The Guardian cho biết, lợi nhuận từ dược phẩm, thiết bị y tế, dịch vụ cần thiết để phản ứng lại với đại dịch đã giúp 20 cá nhân trở thành tỷ phú. Họ đến từ Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Ấn Độ, Nhật Bản.

Từ tháng 3/2020, số tỷ phú tại châu Á – Thái Bình Dương đã tăng gần 30%, ở mức 803 lên 1.087 người vào tháng 11/2021. Khối lượng tài sản của các tỷ phú cũng tăng 74%. Đồng thời, 1% người giàu nhất sở hữu nhiều tài sản hơn 90% người nghèo nhất trong khu vực.

"Những người nghèo ở châu Á bị bỏ mặc trong đại dịch. Họ phải đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng về sức khoẻ, việc làm, bị đẩy vào cảnh bần cùng, và việc này đã triệt tiêu những thành quả đạt được trong nhiều thập niên chống đói nghèo. Trong khi đó, những người giàu tiếp tục gia tăng số tài sản", Mustafa Talpur - lãnh đạo chiến dịch tại Oxfam châu Á nói, và cho biết điều này là không thể chấp nhận được.

Năm 2020, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ước tính, khoảng 81 triệu việc làm bị biến mất khiến 22-25 triệu người rơi vào tình trạng nghèo đói. Ngược lại, các tỷ phú ở châu Á – Thái Bình Dương chứng kiến khối tài sản của mình tăng 1,46 tỷ USD. Con số này đủ để trả mức lương gần 10.000 USD cho tất cả người mất việc.

Đại dịch đã cướp đi mạng sống của hơn 1 triệu người tính riêng ở châu Á và sẽ có nhiều ca tử vong hơn do nghèo đói tăng cùng gián đoạn dịch vụ y tế. Phụ nữ, bé gái là nhóm đối tượng có khả năng bị mất việc làm hơn cả và phụ nữ có thể gặp phải rủi ro lớn hơn khi phải làm việc ở tuyến đầu chống dịch. Tại châu Á – Thái Bình Dương, 70% nhân viên y tế và 80% y tá là nữ giới.

Link bài viết

Ở Nam Á, người thuộc các tầng lớp xã hội thấp hơn đa số làm các công việc như dọn vệ sinh mà thường không có thiết bị bảo hộ. Tình trạng đói nghèo, phân biệt đối xử khiến họ không thể tiếp cận các dịch vụ y tế và đại dịch đã làm trầm trọng hơn vấn đề này.

Trong một dự báo của mình, Credit Suisse cho rằng, đến 2025, châu Á – Thái Bình Dương sẽ có thêm 42.000 người sở hữu tài sản trên 50 triệu USD và 99.000 tỷ phú. World Bank và IMF đều cho rằng, Covid-19 sẽ gây ra sự gia tăng đáng kể về bất bình đẳng kinh tế trên toàn cầu.

Theo ông Talpur, hệ thống chính trị đang bảo vệ lợi ích của một nhóm nhỏ người giàu có. Nhiều chính phủ liên tục thất bại trong việc đảm bảo việc làm cho đa số người lao động trong đại dịch. "Đây là thời điểm cần sự đoàn kết trên toàn cầu, nhưng các quốc gia giàu có, những tập đoàn dược phẩm lớn đã ngoảnh mặt làm ngơ", ông nói.

Trước đó, báo cáo Bất bình đẳng Toàn cầu 2022 từ Global Inequality Lab cũng cho biết, khoảng 2.750 tỷ phú đang kiểm soát 3,5% tài sản thế giới, trong khi một nửa dân số nghèo nhất sở hữu 2%. Con số nói trên tăng nhanh so với thời điểm Covid-19 bắt đầu bùng phát (2%) và cao hơn mức 1% vào đầu năm 1995. Trên thực tế, 2020 là năm chứng kiến tài sản tích luỹ của các tỷ phú toàn cầu tăng kỷ lục, báo cáo nói.

Ở hầu hết quốc gia, 10% người giàu nhất kiểm soát 60-80% lượng tài sản. Dù vậy, báo cáo đã nêu bật sự khác nhau giữa các khu vực. Theo đó, bất bình đẳng tăng vọt ở các nước đang phát triển và sự chênh lệch giàu nghèo ở các nước này hiện chiếm hơn 2/3 tỷ lệ bất bình đẳng toàn cầu, tăng từ khoảng một nửa vào năm 2000.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Châu Á: Đại dịch tạo ra 20 tỷ phú và đẩy 140 triệu người vào cảnh nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO