Một thời Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Hạ Long, Đà Lạt, Nha Trang, Vũng Tàu, Cần Thơ là những địa phương được nhắc đến nhiều nhất khi nói đến du lịch Việt Nam. Dần dà, những điểm du lịch mới được khai phá, bên cạnh phong cảnh thiên nhiên độc đáo, chính chất bản địa đặc sắc làm cho du khách không dừng ở thưởng lãm mà là "hưởng thụ”.
Đọc E-paper
Vài năm gần đây, khi dân phượt tung những bức ảnh đẹp lên mạng thì từ du khách trong nước đến du khách nước ngoài rủ nhau đi tìm chất bản địa ở các vùng miền Việt Nam. Từ đó, những điểm du lịch mới được khai phá và nhiều địa phương quảng bá du lịch theo xu hướng "đi tìm chất bản địa của cảnh sắc".
Bản địa cảnh sắc
Sapa - thị trấn trong mây của Lào Cai vẫn là nơi thu hút đông khách du lịch nhất ở vùng cao phía Bắc bởi khí hậu mát mẻ, hạ tầng du lịch khá hoàn chỉnh và khoảng 200 biệt thự kiểu phương Tây ở ngay trung tâm làm cho thị trấn mang dáng dấp của một thành phố châu Âu nhưng lại nằm giữa những bản làng có ruộng bậc thang, sông suối uốn lượn, những con đường đầy hoa cỏ làm nên cảnh sắc đặc biệt hiếm có.
Gần với Hà Nội hơn, Bản Lác ở huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình là điểm đến cho những ai thích đến vùng cao yên bình khám phá nếp sống của người Thái giữa hùng vĩ của núi rừng, nên thơ của thung lũng. Du lịch dạng homestay nhưng cách làm chỉn chu từ nơi ăn, nghỉ, giao lưu đến phục vụ tham quan, mua sắm của các hộ gia đình người Thái luôn làm vừa lòng du khách. Cách làm du lịch bền vững của Bản Lác đã khiến nơi này ngày càng đông khách và Bản Lác thứ hai đang được xây dựng.
Núi rừng, sông suối, thung lũng, bản làng vùng Đông Bắc, Tây Bắc na ná nhau, nên nếu nơi nào có điểm khác biệt thì du khách sẽ tìm đến.
Ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải được dân du lịch đánh giá là đẹp nhất trong mùa lúa chín. Tỉnh Yên Bái đã tổ chức lễ hội "Mù Cang Chải - sóng lúa nhịp nhàng" để thu hút du khách chiêm ngưỡng ruộng bậc thang, rồi đi xem chợ phiên độc đáo của đồng bào các dân tộc ít người. Những du khách thích môn dù lượn cũng lên Mù Cang Chải lượn lên cao ngắm ruộng bậc thang trong festival "Bay trên mùa vàng", làm cho vùng cao này thêm hấp dẫn.
Cao nguyên đá Đồng Văn sau khi được UNESCO công nhận là "Công viên địa chất toàn cầu" thì dân đi phượt tìm tới càng đông, để sau đó liên tục có những công ty lữ hành khảo sát làm tour. Cao nguyên đá hút khách thật sự mới khoảng ba năm gần đây khi những hình ảnh về mùa hoa tam giác mạch vào thu, hoa cải, hoa đào vào xuân được du khách lên Hà Giang chụp tung lên mạng.
Du khách say hoa nên sẵn sàng quên đi những thiếu thốn về nơi ăn chốn ở. Nhờ thế mà Lễ hội Hoa tam giác mạch năm 2016 chỉ kéo dài năm ngày mà Hà Giang đón tới hơn 10 vạn du khách.
Các công ty lữ hành đã khai thác chính những mùa hoa bản địa để quảng bá du lịch, như mùa hoa dã quỳ, cỏ hồng, mai anh đào ở Đà Lạt, mùa hoa mận, hoa đào, hoa cải ở Mộc Châu, mùa hoa hướng dương ở Nghệ An... Mùa hoa sen khi hè, mùa hoa ban lúc vào xuân ở Hà Nội cũng được chọn đưa vào tour.
Rừng dừa nước Bảy Mẫu đang giúp Hội An thu hút thêm du khách nước ngoài. Theo ông Văn Tiến Việt, Giám đốc Today Travel, khách mê rừng dừa nước Bảy Mẫu bởi không chỉ được thưởng ngoạn cảnh làng quê, sông nước được ví như "Nam bộ trong lòng phố cổ”, mà còn được giải trí cùng ngư dân khi chèo thuyền thúng, đạp thúng, đua thúng, câu cua, làm một số đồ vật lưu niệm bằng lá dừa... Người dân hằng ngày mưu sinh cùng sông nước, khi cần thì trở thành hướng dẫn viên tại chỗ, thành thục từng chi tiết, đem lại cảm xúc thật cho du khách.
Pù Luông thuộc huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa cũng đang thu hút những du khách mê chất bản địa. Chị Dương Thị Hà là người dân ở Bá Thước, phụ trách tour nội địa và quốc tế của Vietrantour tại Thanh Hóa, chia sẻ: "Khách nước ngoài mê Pù Luông bởi thiên nhiên và cuộc sống của người bản địa. Núi rừng bao quanh khung cảnh thanh bình, thơ mộng của làng bản với những ruộng bậc thang và đặc biệt những bánh xe quay nước bằng tre phát "nhạc nước" róc rách không đâu có”. Ấy vậy nên dẫu Pù Luông không tivi, không tủ lạnh, không nơi giải trí, chỉ có không gian của tre nứa, hương cỏ cây, cánh đồng lúa, tiếng gió lùa mà nhiều ngày chị Hà muốn tìm một chỗ nghỉ cho bạn bè ở trong khu du lịch hay nhà sàn cộng đồng cũng không có.
Nét riêng đời thường Ảnh: Cuộc thi ảnh Tự hào hàng Việt do DNSG tổ chức
Nếu du lịch còn để khám phá, trải nghiệm bản sắc văn hóa từ những điều bình dị trong cuộc sống của cư dân thì ở Việt Nam không thiếu.
Quả là đá gắn với đời sống người Mông ở Hà Giang: đá bạt ngàn trên cao nguyên, từng hốc đá, hốc ngô, hốc sắn, những hàng rào đá được xếp thủ công không dùng chất kết dính nhưng thật vững chãi che chắn gió lạnh, nắng nóng cho những ngôi nhà trình tường... Kỹ thuật thổ canh hốc đá của người Mông và một số tộc người thiểu số khác sống trên cao nguyên đá Đồng Văn có giá trị đặc sắc. Dù đường trong bản đã được bê tông hóa, việc xây nhà bằng gạch, cát, xi măng đã thuận lợi hơn, nhưng những hàng rào đá vẫn được người Mông giữ gìn như không thể thiếu để khách phương xa phải vì nó mà nhớ đến Hà Giang.
Bản Hon thuộc huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu lại khiến du khách nhớ đến những phụ nữ nhuộm răng đen ngồi bên khung cửi dệt vải ở tầng dưới mỗi nhà sàn. Mỗi gia đình người Lự đều có ít nhất một bộ khung cửi. Du khách không chỉ yêu cái lanh tay của phụ nữ Lự giỏi việc canh cửi, làm ra trang phục bằng vải chàm thêu hoa văn bằng chỉ rất khéo, mà còn ấn tượng với nụ cười khoe răng đen được nhuộnm công phu của họ.
Ở một số địa phương, du khách đến không chỉ để tham quan mà tham gia vào chính công việc mưu sinh hằng ngày của người dân.
Năm hộ gia đình tại ấp Cồn Mũi, xã Đất Mũi, tỉnh Cà Mau phục vụ du khách homestay từ cuối năm 2013, đã thu hút khách thành thị không chỉ từ Sài Gòn mà cả từ phía Bắc vào và khách nước ngoài. Đến Đất Mũi đúng nghĩa sống với thiên nhiên trong lành. Nhà sàn cho khách nghỉ được dựng trên mặt nước mênh mông nằm giữa rừng đước xanh mướt mát.
Anh Nguyễn Văn Nhuần, một chủ hộ homestay cho biết gia đình anh có 9ha đất thì 6ha trồng đước, còn lại là mặt nước. Nguồn thu nhập chính của gia đình là nuôi cua quảng canh, cộng với tôm, ốc len, ốc móng tay, sò huyết, cá và ba khía thiên nhiên. Làm du lịch, trong nhà anh lúc nào cũng có đủ các loại thủy sản đó phục vụ khách. Khách ở nhà anh vài ngày đều có việc để làm, ban đêm thì đi soi ba khía, đặt lọp cua, sáng ra giở lọp cua, đi hái trái giác, hái rau, bắt ốc len, vừa làm vừa nghe giải thích đặc tính của từng loài sinh vật này, tới bữa cơm thì học cách chế biến những sản vật rừng ngập mặn. Đến đêm trước khi đi ngủ, khách vẫn thích xúm quanh bếp lửa nướng ba khía mới soi về và nghe chủ nhà kể chuyện cuộc sống giữa rừng ngập mặn.
Làng nghề Phú Lễ ở tỉnh Bến Tre gần đây là điểm đến thu hút khách du lịch bởi cảnh hát sắc bùa khi đan lát. Hát sắc bùa không chỉ mang tính nghi lễ diễn ra vào dịp Tết Nguyên đán để chúc phúc đầu năm, mà còn được biểu diễn để tạo sự vui vẻ trong lúc làm việc. Hiếm có nơi nào còn giữ được nét văn hóa truyền thống đàn hát khi lao động như ở Phú Lễ để khách du lịch khi tới đây được thưởng thức nét độc đáo này.
Có thể nói, việc chú tâm nghiên cứu và khai thác tính bản địa còn được lưu giữ hoặc diễn ra trong đời sống hằng ngày đã mang luồng sinh khí mới cho du lịch của nhiều địa phương. Du khách tìm đến chất bản địa ngày càng nhiều và đều không quá khó tính về nơi nghỉ ngơi. Nhờ thế mà khi nhà nghỉ, khách sạn chưa đủ đáp ứng nhu cầu thì cư dân địa phương có thể tham gia vào dịch vụ homestay, vừa thêm thu nhập, vừa mang lại sự gần gũi, thân thiện đối với du khách.