Tấm lòng vàng cho người khiếm thị

HỒ HUY SƠN| 06/01/2014 00:09

Mikhail Samarsky cùng tác phẩm của mình là bộ truyện Cầu vồng trong đêm đã tạo nên một cơn sốt cho độc giả Việt Nam trong những ngày cuối năm.

Tấm lòng vàng cho người khiếm thị

Đến Việt Nam từ ngày 26/12 và lưu lại tại đây hết ngày 3/1/2014, Mikhail Samarsky cùng tác phẩm của mình là bộ truyện Cầu vồng trong đêm (First News và NXB Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh ấn hành) đã tạo nên một cơn sốt cho độc giả Việt Nam trong những ngày cuối năm.

Đọc E-paper

>Nhạc sĩ làm đẹp cho đời và nha sĩ làm đẹp cho người
>Nhạc sĩ Hà Okio: "Cớ gì sáng tác cứ phải cao siêu?"
>
Nhạc sĩ Nguyễn Cường: "Âm nhạc phải được phản ánh từ công chúng"

Tài không đợi tuổi

Mikhail Samarsky năm nay vừa tròn 17 tuổi, đang là sinh viên năm thứ nhất của Đại học Tổng hợp Quốc gia Moscow Lomonosov, khoa Chính trị học thuộc chuyên ngành Quốc tế học.

Bắt đầu cầm bút từ năm 12 tuổi với tập sách đầu tiên mang tên Đánh đu giữa những triền đồi. Một năm sau, cậu xuất bản tập sách thứ hai, cũng chính là tập 1 của series truyện Cầu vồng trong đêm viết về chú chó Trison chuyên làm nghề dẫn đường cho người khiếm thị.

Hiện tại, hai tập đầu tiên của bộ truyện này đã được xuất bản tại Việt Nam và tới đây, tập 3 với tên gọi Chó dẫn đường, đại gia và quả báo cũng sẽ được ra mắt bạn đọc.

Không chỉ được đón nhận ở xứ sở bạch dương mà đã vượt ra ngoài lãnh thổ nước Nga để đến với các nước bằng các thứ tiếng như Anh, Đức, Czech, Bungari, Thụy Điển... Việt Nam. Hiện tại, bộ truyện Cầu vồng trong đêm vẫn đang trong quá trình thương thảo để dịch ra tiếng Nhật.

Một điều khiến không chỉ độc giả mà ngay cả những nhà văn chuyên nghiệp đều phải ngạc nhiên lẫn khâm phục. Đó là Cầu vồng trong đêm tập 1 khi Mikhail Samarsky mới 12 tuổi được gợi cảm hứng trong một lần tình cờ cậu gặp gỡ và làm quen với một thanh niên mù.

Chính câu chuyện của người thanh niên mù về cuộc đời mình, với câu kết đầy ý nghĩa: “Đôi mắt của chúng tôi đã chết, nhưng trái tim vẫn đang sống” đã khiến Mikhail xúc động và quyết định viết về con chó dẫn đường có tên Trison và về những người khiếm thị mà nó phục vụ.

Bên cạnh đó, sự ngạc nhiên còn đến từ giọng văn hết sức chững chạc và già dặn của Mikhail Samarsky. Ngoài ra, cách Mikhail Samarsky xử lý những tư liệu, thông tin xung quanh những vấn đề về người khiếm thị cũng như về giống chó Labrador chuyên làm nghề dẫn đường cho người mù khiến tác phẩm của mình không trở nên khô khan, cũng là một điểm cộng với người đọc.

Không phủ nhận tài năng của Mikhail Samarsky nhưng cũng phải nhìn nhận một điều rằng, tài năng đó một phần được rèn giũa từ bố mẹ. Bố là nhà soạn kịch kiêm nhà thơ, mẹ là nhà văn chuyên viết truyện trinh thám.

Bà Anna, mẹ của Mikhail Samarsky cho biết: “Từ khi mới biết đọc, Mikhail đã được chúng tôi thường xuyên kèm cặp, giúp học thuộc lòng thơ nhi đồng. Chúng tôi đọc sách cho cháu nghe, rồi xem những phim làm theo sách đã đọc. Ban đầu, chúng tôi khuyến khích cháu viết những truyện ngắn nho nhỏ, cụ thể là tôi yêu cầu cháu viết theo một đề tài nào đó. Cháu rất thích và miệt mài viết. Dần dần, đến năm học lớp Năm, cháu đã đạt được thành công đầu tiên là viết được một truyện ngắn khá dày dặn, chững chạc so với lứa tuổi”.

Tấm lòng vàng

Cách đây 4 năm, ngay khi vừa ra mắt tập 1 của Cầu vồng trong đêm, Mikhail Samarsky đã tự mình lập ra một chương trình hành động thực tiễn với tên gọi Những trái tim đang sống nhằm giúp đỡ những người khiếm thị. Trong khuôn khổ chương trình này, Mikhail đã gặp cựu Tổng thống Nga Medvedev và kiến nghị lên chính phủ nhằm kêu gọi những chính sách hỗ trợ cho người khiếm thị.

Sau hai năm, Mikhail Samarsky không còn phải hoạt động một mình mà đã có bố mẹ cùng đồng hành. “Chương trình tồn tại được 2 năm thì người lớn chúng tôi quyết định giúp một tay và đề nghị thành lập một quỹ chính thức để mọi hoạt động được danh chính ngôn thuận”, bà Anna nói. Chính từ đây, vào tháng 12/2012, Quỹ Những trái tim đang sống được ra đời.

Trong một năm kể từ ngày quỹ được thành lập đến nay, Mikhail Samarsky đã cùng bố mẹ thực hiện được khá nhiều công việc hữu ích như xuất bản được số lượng lớn sách chữ nổi Braille và sách nói, thiết kế những chương trình phần mềm giúp người mù xem phim qua màn hình hiển thị nổi.

Hiện tại, Quỹ Những trái tim đang sống đã thực hiện được phần mềm hiển thị nổi cho hơn 10 bộ phim các loại, chủ yếu phục vụ học sinh khiếm thị và dành cho người mù xem phim tại nhà. Ngoài sách chữ nổi và phần mềm xem phim, quỹ còn hỗ trợ tài chính cho những ca phẫu thuật phục hồi thị lực.

Để có thể sống thực sự với cảm xúc của những người khiếm thị, trước khi bắt tay vào viết bộ truyện Cầu vồng trong đêm, Mikhail Samarsky từng có ba ngày “cất giấu” đôi mắt của mình bằng dải băng đen bịt mắt. Những ngày đó, Mikhail Samarsky hoàn toàn sống cuộc sống của người khiếm thị: ăn uống, đi dạo trong sân, chơi với con chó cưng của mình, thay sách thường bằng sách nói, nghe tivi...

“Trong 3 ngày với băng đen bịt mắt, tôi vẫn làm tất cả công việc ngày thường vẫn làm nhưng rất khó khăn. Tôi hạn chế đi ra đường, chỉ quanh quẩn trong sân nhà. Nhà tôi có nuôi một con chó, cũng thuộc giống chó Labrador. Tôi thường lần mò mở cửa cho nó ra sân rồi để mặc nó dẫn đi đâu thì mình theo đó. Trong một lần lần mò, chẳng may tôi đụng phải chiếc bình pha lê mà mẹ mua từ nước ngoài khiến nó vỡ toang. Nhưng rất may là mẹ tôi đã không mắng!”, Mikhail Samarsky cười hóm hỉnh.

Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, Mikhail Samarsky đã mang từ Nga 6 chiếc máy tính chuyên dụng được mua từ số tiền tiết kiệm của mình để dành tặng cho học sinh sinh viên khiếm thị đến từ Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu và Trung tâm Thư viện Sách nói.

Cậu chia sẻ: “Những cuộc gặp gỡ với những người khiếm thị ở Nga hay Việt Nam luôn mang cho tôi cảm giác nồng ấm. Đây sẽ là nguồn tư liệu vô cùng quý giá để tối có thể viết nên những tác phẩm sau này của mình. Ngoài ra, đây cũng sẽ là động lực để tôi tích cực hơn nữa trong các hoạt động xã hội, giúp đỡ những người kém may mắn”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Tấm lòng vàng cho người khiếm thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO