Giấc mơ ngộ nghĩnh và nghiêm túc về... rối!

MỘC MIÊN| 31/05/2010 04:50

Mặt nước hồn người” là một triển lãm rối nước “made in Vietnam”, ra mắt khán giả Hà Nội vào năm 2007. Bản thân tên gọi của triển lãm đã hàm chứa biết bao điều thú vị về rối và niềm đam mê, kiêu hãnh của người nghệ sỹ khi được bộc bạch mình qua phương thức mới mẻ và chênh vênh của nghệ thuật tạo hình và sắp đặt.

Giấc mơ ngộ nghĩnh và nghiêm túc về... rối!

“Mặt nước hồn người” là một triển lãm rối nước “made in Vietnam”, ra mắt khán giả Hà Nội vào năm 2007. Bản thân tên gọi của triển lãm đã hàm chứa biết bao điều thú vị về rối và niềm đam mê, kiêu hãnh của người nghệ sỹ khi được bộc bạch mình qua phương thức mới mẻ và chênh vênh của nghệ thuật tạo hình và sắp đặt. Riêng với Chu Lượng - tác giả của những tác phẩm triển lãm, giấc mơ ngộ nghĩnh và nghiêm túc về những con rối của anh đã bắt đầu từ đây...

Từ rối-nước-làng đến rối-hội-nhập

Năm 2009, đối với nghệ sĩ Chu Lượng là một năm đặc biệt. Anh và những con rối ngộ nghĩnh của anh xuất ngoại liên miên. Chu Lượng đã góp phần đưa rối Việt Nam tung tẩy trên nhiều sàn diễn quốc tế, như Triển lãm Sắp đặt rối nước tại Fukuoka (Nhật Bản) vào tháng 10/2009, hay Triển lãm Những con rối với chủ đề “Gặp gỡ Việt Nam” tại Sanfrancisco (Mỹ) vào tháng 11/2009...

Cũng trong tháng 11/2009, Chu Lượng một lần nữa lên đường sang Tokyo tham dự Liên hoan Nghệ thuật Châu Á. Tại đây, khán giả quốc tế không chỉ được chiêm ngưỡng một “thế giới rối nước” hồn hậu, đặc sắc và tinh tế rất Việt Nam thông qua tác phẩm sắp đặt của anh, mà còn chứng kiến khả năng lao động, sáng tạo và sự thăng hoa của người nghệ sĩ Việt Nam thông qua vai trò đạo diễn, dàn dựng và tạo hình trò đấu vật rối nước Sumo - một hình tượng rối vốn không phải là sở trường của nghệ thuật rối Việt Nam.

Đây là tác phẩm được đánh giá rất cao tại liên hoan, và một lần nữa đem lại sự tự tin cho những người đã dám mạo hiểm đánh cược với... rối!

Trong một chuyến sang Tokyo biểu diễn múa rối nước, chàng trai đất Hà Đông đã lóe lên ý tưởng sẽ có ngày trở lại đất nước của các đô vật Sumo  “không chỉ với những trò rối nước cổ truyền Việt Nam, mà sẽ có thêm cái gì đó mang tính giao thoa văn hóa”.

Sau đó, anh bắt tay vào việc chế tác những con rối nước Việt Nam trong bộ dạng của các đô vật Sumo, chỉ để bày chơi trong nhà thôi. 17 năm sau, khi Nhà hát múa rối Thăng Long nhận lời mời tham dự liên hoan tại Nhật, thì trò vật võ Sumo diễn trên mặt nước với kỹ thuật tạo tác của rối nước liền được đưa vào chương trình dự kiến.

Về phía bạn, đạo diễn kịch hình thể Madoka Okada của nhà hát Kada lập tức lưu ý sự độc đáo của tiết mục, và ngỏ lời cùng tham gia triển khai xây dựng tiết mục bằng một cốt truyện hẳn hoi. Chu Lượng như được tiếp sức. Anh đọc, tìm kiếm thông tin, tư liệu về Sumo mà bạn đưa sang, nghiền ngẫm kỹ lưỡng để có thể cho ra hình ảnh rối Sumo thích hợp nhất trên sân khấu thủy đình.

Mà theo anh, điều căn bản nhất không chỉ là những động tác quen thuộc của một võ sĩ Nhật, mà còn là ý nghĩa văn hóa tâm linh mà hình tượng chuyển tải. Và Chu Lượng đã thành công! Rối Sumo của anh đã trở thành một tâm điểm trong liên hoan nghệ thuật năm đó, được các khán giả Nhật hào hứng cổ vũ, đặc biệt là các khán giả nhỏ tuổi...

Rõ là Chu Lượng đã không chỉ thuộc về những nhân vật rối-nước-làng, rối nước thủy đình, trên thực tế anh đã tiến đến một giai đoạn mới khi vượt qua được rào cản ngôn ngữ và văn hóa, để chia sẻ và mở ra thời kỳ của rối-hội-nhập, trong sự cộng cảm lạ lùng giữa thế giới bên ngoài và thế giới tâm hồn.

Người trong nghề

Với Chu Lượng, nghệ thuật rối phải luôn xuất phát từ khâu tạo hình, và đó dường như là đích đến mà anh đã nhắm từ thuở thiếu thời. “Tôi vốn là một cậu bé nông dân - anh kể - Tôi đã lớn lên ở một vùng quê cùng những người bạn hàng xóm là nông dân, những thôn nữ.

Đây chính là vốn sống và nguồn cảm hứng cho phép tôi dễ dàng bắt gặp chính mình khi được trực tiếp làm ra những con rối”. Cha đẻ của rối nước - những người nghệ sĩ nông dân, những nghệ nhân điêu khắc, và có lẽ thời khắc rối được sinh ra cũng là vào những phút nông nhàn và mơ mộng nhất của những tâm hồn thuần khiết và lãng mạn chốn đồng quê. Và, Chu Lượng đã tìm thấy sự đồng điệu khi tìm hiểu về xuất thân của rối nước Việt Nam. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi thời trẻ trai của anh chàng họ Chu được dành trọn vẹn cho những chú rối.

Để tái hiện những khuôn mặt rối khác nhau, Chu Lượng từng phải lặn lội đi đến hàng trăm ngôi làng cổ ở đồng bằng Bắc bộ, thu nhận vào tâm hồn mình hàng ngàn khuôn mặt những người nông dân hiện đại. Những khuôn mặt rối mà anh làm ra, tuy khác nhau về nét thể hiện, nhưng đều nhất quán một “đường lối”: mỗi gương mặt là một tấm gương của thời đại, mang theo những giấc mơ và đời sống thực của từng nguyên mẫu.

Tại Triển lãm “Nhân gian” thực hiện ở Trung tâm Nghệ thuật Việt (Vietart Center) đầu năm 2007, Chu Lượng lần đầu tiên “khoe” đội quân rối đông đảo và ấn tượng vào bậc nhất làng rối của mình, với khoảng một nghìn con rối mà anh đã kỳ công gọt đẽo, chỉnh sửa, tô vẽ, khảm trứng, đánh bóng, mài sơn, bó hom... để tạo ra những khác biệt từ hình hài, khuôn mặt, bộ dạng đến vẻ đẹp tinh thần ẩn chứa trong mỗi nhân vật rối.

Những chú Tễu, quan Trạng, nàng tiên, bà sấm bà chớp bà mưa, rồi vô vàn cá, trâu, ngựa, rồng, rắn, chim, phượng... biết kể những câu chuyện về tình yêu, về những giấc mơ, về hội hè và những buồn vui, lam lũ thường nhật của người nông dân Bắc bộ, trong bối cảnh gần gũi và sống động của rơm rạ, chum vại, rổ rá...

Đó cũng chính là bối cảnh đời sống đã nuôi lớn một Chu Lượng nghệ sĩ của ngày hôm nay, một vị “vua rối” có nụ cười hồn hậu và mái tóc ngang vai đầy vẻ phong trần (nhưng chẳng... rối chút nào!), với những đam mê sáng tạo không ngừng. Rồi phiên bản của triển lãm “Nhân gian” đã lên đường sang Mỹ sau đó, như một thông điệp giản dị, nhẹ nhàng và sâu sắc về đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất và đời sống tâm linh của người Việt, chinh phục khán giả Mỹ theo cách chỉ những con rối ngộ nghĩnh và đáng yêu mới có thể làm được.

Và nghề không phụ người

Làm rối nước, say sưa với sự “xung đột” của khói lửa và nước khi “cầm nắm” được chúng, tạo ra sự hòa hợp giữa chúng trên sân khấu thủy đình. Những cảm xúc tuyệt đẹp dâng lên khi những con rối tưởng như vô tri vô giác lại trở nên vô cùng sống động trong một thế giới lung linh ảo huyền làm nên từ nước và lửa. Tất cả đã khiến Chu Lượng gắn bó và chung thủy với rối nước, cả trong những thời điểm khó khăn nhất của nghề.

Nhiều năm trước, khi không ít diễn viên rối đã thành nghề vẫn không trụ nổi vì thu nhập quá khiêm tốn, phải chuyển sang nghề khác sinh nhai, thì Chu Lượng vẫn “neo” lại chốn thủy đình bé nhỏ của mình tại Nhà hát Múa rối Thăng Long. Có lúc anh còn đi học và làm... gia sư tiếng Anh cho bạn bè, trong đó có cả cô gái trẻ sau này trở thành vợ anh.

Hơn mười năm trời sau khi kết hôn, cặp vợ chồng diễn viên múa rối này lần lượt đón hai công dân nhí, cả bốn người ở trong một căn phòng vẻn vẹn 10m2. Có lúc người ta còn bắt gặp Chu Lượng với chiếc xe đạp gãy nan hoa dọc đường phố trong vai anh chàng... bán rong...

Giờ đây, trong ngôi biệt thự khang trang của Chu Lượng ở làng La Khê, bạn bè và khách khứa luôn có cơ hội chiêm ngưỡng những đối lập của hiện đại và dân dã, như chính ông chủ của nó: xe hơi đời mới và rối, đàn dương cầm và rối, chú Tễu và Sumo...

Vợ anh, chị Cẩm Thạch, vốn là một diễn viên múa rối, nay không những cùng các con làm “công chúng tại gia” cho chồng mỗi khi Chu Lượng “sinh nở” những con rối mới, mà còn là một người không thể thiếu trong cả giai đoạn “thai nghén” của anh. Mà với rối, Chu Lượng lại là người “mắn đẻ”. Vườn rối của họ hiện nay ở Hà Đông có đến vài nghìn con.

Điều đó đồng nghĩa với việc anh chị phải tiêu tốn vào những con rối bé nhỏ một số tiền không hề nhỏ. Nhưng dường như họ đã vượt lên được mọi tính toán đời thường, vì vẫn thấy họ hồn hậu, lạc quan trước... rối.

Ai đó rất tâm đắc về nụ cười, điệu bộ hồn nhiên nghìn đời của chú Tễu. Ai đó rất ngưỡng mộ xứ sở “không có bi kịch, không có buồn đau, không có căng thẳng và bất mãn” trong các bộ môn nghệ thuật cổ truyền... Nhưng Chu Lượng không bằng lòng dừng lại ở đó. Anh luôn kiếm tìm những chuyến đi mới trong hành trình “lên cạn” của những nhân vật rối nước.

Trong chương trình “Ngàn năm Thăng Long - Hà Nội” sẽ có một triển lãm của đồng tác giả nghệ sĩ rối Chu Lượng và họa sĩ Thành Chương, với chủ đề “Ngày của trăm năm”, tái hiện không gian sinh hoạt của đời sống người Việt xưa, dự kiến có sự xuất hiện của vài ngàn con rối nước trong không gian cổ kính của Phủ Thành Chương. Đây cũng là một lộ trình đã được vạch trước từ giấc mơ thuở thiếu thời của Chu Lượng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giấc mơ ngộ nghĩnh và nghiêm túc về... rối!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO