Đạo diễn Đức Thịnh: Áp lực làm phim "không được lỗ"

HOÀNG LÂM (Thực hiện)| 04/03/2016 09:20

Làm phim với áp lực "không được lỗ", họ buộc phải thận trọng trong mọi quyết định và kết quả của sự thận trọng ấy là sự đón nhận của khán giả.

Đạo diễn Đức Thịnh: Áp lực làm phim

Bước ra từ sân khấu kịch, Đỗ Đức Thịnh bén duyên với vai trò đạo diễn phim bắt đầu từ lời rủ rê của bà xã, diễn viên Thanh Thúy. Dồn hết vốn liếng để thành lập Thiên Phúc, công ty sản xuất phim mang tên con trai họ, nhiệm vụ cả hai đặt ra là "không được lỗ”.

Đọc E-paper

Bởi, chỉ cần lỗ một dự án thôi là sẽ không còn tinh thần lẫn vật chất để bước tiếp. Làm phim với áp lực như thế, họ buộc phải thận trọng trong mọi quyết định và kết quả của sự thận trọng ấy là sự đón nhận của khán giả.

Đạo diễn Đức Thịnh và diễn viên Phương Trinh

* Ra mắt

Taxi, em tên gì?, phim thứ ba của mình vào dịp 8/3, ngay sau mùa phim có thể nói là nhạt nhòa trong dịp Tết 2016, anh có e ngại tâm lý khán giả đang chán ngán phim Việt kém chất?

- Tôi không e ngại chút nào vì nghĩ khán giả Việt vẫn đang yêu và ủng hộ phim Việt. Tuy nhiên, họ bắt đầu đòi hỏi nhiều hơn về chất lượng, và họ có quyền đòi hỏi. Chính điều này sẽ buộc các nhà sản xuất phim phải đầu tư đàng hoàng hơn, kỹ lưỡng hơn để sản phẩm làm ra được khán giả đón nhận.

Cá nhân tôi cho rằng, khán giả Việt Nam luôn sẵn có tình cảm dành cho phim Việt. Tuy nhiên, phần lớn chưa hài lòng vì phim Việt nhìn chung còn nhiều điểm yếu, nhưng họ vẫn tiếp tục hy vọng tương lai sẽ có nhiều tiến bộ. Nếu không có tình cảm này có lẽ điện ảnh Việt không phát triển được như ngày nay.

Điện ảnh Việt chưa thể sánh bằng các nền điện ảnh lớn trên thế giới vì chúng ta đi sau họ quá lâu. Cũng giống như bóng đá, thật khó để đội tuyển của Việt Nam tham dự World Cup, nếu không muốn nói là vô vọng. Nhưng với điện ảnh, tôi tin là có thể nếu chúng ta cố gắng và nghiêm túc.

Tuy nhiên, khán giả cũng đừng quá khắt khe, mà nên ủng hộ các nhà sản xuất phim khi nhận thấy sự làm việc chỉn chu của họ. Riêng bản thân tôi luôn làm phim với sự say mê, nghiêm túc và bằng tất cả tâm trí của mình.

>>Cần một đội ngũ tư vấn cho phim Việt

* Một thực tế không thể phủ nhận là phim Việt hiện nay thường "sống nhờ" những nghệ sĩ hài. Những dự án của Thiên Phúc cũng không ngoại lệ?

- Trong bối cảnh hiện nay, điện ảnh Việt cần đến những cái tên nghệ sĩ hài "bảo chứng phòng vé” là chuyện bình thường, bởi đây là xu hướng và mối quan tâm chung của nhiều đối tượng khán giả. Tuy nhiên, những năm tới, nếu điều này còn tiếp diễn thì lại là chuyện bất thường, bởi điện ảnh cần có cái riêng của mình.

Bản thân tôi cũng cần đến Trường Giang, Hoài Linh... để "dẫn đường" cho khán giả đến rạp nhưng không phải để họ tự "bơi" trong sản phẩm của mình. Ngay từ khâu viết kịch bản đến sản xuất, chúng tôi đều phải tính toán và tiết chế chất sân khấu của diễn viên, cụ thể trong từng mảng miếng. Sẽ không quá khi nói rằng 80% khán giả có nhu cầu tìm kiếm tiếng cười khi đến rạp xem phim Việt. Điều này cũng là áp lực với những danh hài khi đóng phim. Họ cũng lo sợ khi dự án mình tham gia không tạo được tiếng cười, ảnh hưởng đến danh tiếng của họ. Tuy nhiên, khi đã hiểu rõ những đòi hỏi cơ bản của điện ảnh, họ sẽ biết cách thích ứng.

Nghệ sĩ Trường Giang là một ví dụ, tôi đã phải trao đổi rất nhiều để giải tỏa bớt áp lực cho anh ấy khi tham gia phim của mình. Tôi thấy anh ấy đã tiến bộ rất nhiều trong lĩnh vực điện ảnh. Hãy cho diễn viên hài thời gian để hòa nhập vào môi trường điện ảnh, còn chuyện chất lượng phim thế nào, theo tôi, đó là trách nhiệm của nhà sản xuất.

* Bản thân anh cũng là một đạo diễn bước ra từ sân khấu chứ không phải xuất thân từ điện ảnh...

- Tôi biết những hạn chế của mình nên luôn cầu thị. Không chỉ là thiếu chuyên môn mà tôi cũng phần nào thiếu sáng tạo và sự phá cách của người trẻ. Đó chính là lý do đến dự án thứ ba, Taxi, em tên gì?, tôi quyết định hợp tác với một đạo diễn trẻ được đào tạo bài bản về điện ảnh là Đinh Tuấn Vũ để có thể khắc phục những nhược điểm của mình. Học hỏi không bao giờ thừa cả.

* Sau những sản phẩm "không lỗ” theo tiêu chí đề ra của Thiên Phúc, anh đã tự tin hơn? Nhìn lại, anh có thấy quyết định tham gia đầu tư vào điện ảnh của vợ chồng anh là đúng đắn?

- Tôi chưa bao giờ đặt ra vấn đề doanh thu khi bắt tay vào một dự án. Tuy nhiên, vì toàn bộ tài sản đã đặt vào điện ảnh nên tôi buộc phải thận trọng. Tôi nghĩ, đó cũng là điều tốt khi thực hiện bất cứ dự án nào. Nói không lỗ là khiêm tốn, thật ra cũng có lời chút chút. Tổng doanh thu phim Ma Dai là 40 tỷ đồng, phim Già gân, mỹ nhân và găng tơ là 49 tỷ đồng. Vợ chồng tôi bước vào lĩnh vực mới trước hết là vì muốn thử thách bản thân với những thách thức mới và luôn có niềm tin là sẽ làm được, làm tốt. Đây là quyết định đúng đắn của bà xã tôi.

* Sau Taxi, em tên gì?, Thiên Phúc có cần "nghỉ ngơi" để chuẩn bị cho một dự án khác?

- Việc này phải hỏi Thanh Thúy vì cô ấy là nguời quyết định. Còn tôi thì đang ấp ủ làm một phim tâm lý, có thể đến gần cuối năm nay sẽ bấm máy. Tôi chào đón những kịch bản từ người trẻ và cũng nhận được khá nhiều kịch bản. Tuy nhiên, vẫn là những dạng kịch bản theo mô-típ thường thấy, không có gì mới lạ. Cái tôi cần là sự thú vị và mới lạ.

* Cảm ơn anh về những chia sẻ, chúc dự án phim tâm lý của anh sẽ gặt hái thành công như kỳ vọng.

>>Cơ hội nào cho điện ảnh Việt vươn ra thế giới?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đạo diễn Đức Thịnh: Áp lực làm phim "không được lỗ"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO