Alex Rotter: Người “mai mối” trên sàn đấu giá tranh

Hồng Như| 22/09/2019 06:00

Những bức tranh đắt giá nhất thế giới được đấu thành công chỉ qua một cuộc điện thoại. Vấn đề không chỉ nằm ở việc ai trả giá cao hơn. Alex Rotter, chủ tịch của nhà đấu giá Christie’s chính là người được các nhà đầu tư nghệ thuật “chọn mặt gởi vàng”.

Alex Rotter: Người “mai mối” trên sàn đấu giá tranh

Tháng 11/2017, tại nhà đấu giá Christie's, New York, bức Salvator Mundi của Leonardo da Vinci đã được bán với giá kỷ lục - 450,3 triệu USD. Toàn bộ hồ sơ đấu giá sau đó được xóa sạch. Người ta chỉ biết, Alex Rotter là người đại diện mua bức tranh. Cuộc đấu giá diễn ra trong vòng 18 phút, nhưng với Alex Rotter nó chỉ khoảng 2 phút. Anh khẳng định, đó là một trong những khoảnh khắc thú vị nhất mà ông từng trải qua trong 20 năm tham gia đấu giá.

Những con số kỷ lục

Alex Rotter, sinh ra ở Áo, hiện là chủ tịch của nhà đấu giá Christies’s về mảng nghệ thuật hậu chiến và đương đại, nhưng người yêu nghệ thuật lại biết đến Rotter qua những bức tranh phá kỷ lục trong các phiên đấu giá kịch tính và đầy áp lực.

Trong ngày đấu giá, Rotter sẽ mô tả qua điện thoại với các nhà đầu tư về những gì đang diễn ra trong phòng đấu giá, gồm: thông tin chi tiết về các đối thủ tiềm năng, chuyển tiếp các con số từ các nhà thầu và có thể điều chỉnh giá tùy theo tình hình thực tế. Người đàn ông 45 tuổi này thừa nhận công việc này khá căng thẳng. Và việc bảo vệ danh tính các nhà đầu tư qua điện thoại là điều kiện tiên quyết đầu tiên.

Nhiều nhà đầu tư của Rotter là những khách hàng thân thiết lâu năm. Vì vậy, Rotter có thể đưa ra lời khuyên về giá cả, phân tích về những bức tranh tương tự đã được bán hay diễn biến tiếp theo của cuộc đấu giá. Sau đó, với sự đồng thuận của Rotter cùng một số yếu tố khích lệ nhẹ nhàng, giá cuối cùng của bức tranh sẽ được khách hàng quyết định và đưa lên sàn đấu. Phí bảo hiểm của người mua tại Christies’s sẽ dao động từ 13% đến 30% giá thầu đã trúng.

Tuy nhiên, điều có thể gây ngạc nhiên cho những người bên ngoài thế giới nghệ thuật là những khách hàng giàu có của Rotter không bao giờ có một mức giá tối đa trong tâm trí, ngay cả với những bức tranh trị giá hàng triệu USD. Rotter chia sẻ: “Qua điện thoại, tôi thường nghe mọi người nói: Chúng ta hãy mua nó, bất kể nó đi được bao xa. Thực sự thì cạnh tranh thu hút tất cả mọi người và trong buổi đấu giá, bạn là một nhà thầu đang bước trong một cuộc đua nhỏ. Bạn chắc chắn không muốn thua cuộc”.

Trong những năm gần đây, Alex Rotter trở thành cái tên quen thuộc, gắn liền với biệt danh “người đàn ông qua điện thoại” để trao đổi với những người mua tranh ẩn danh. Nhiều kỷ lục đã được xác lập bởi Rotter.

a-02-1936-1569065626.jpg

Bức Salvator Mundi trong buổi đấu giá tại nhà Christie’s - Ảnh: Christie's

Tháng 11/2018, Rotter đã thực hiện thêm một cuộc đấu giá kỷ lục thế giới. Lần này, anh vẫn thay mặt cho một khách hàng ẩn danh theo đuổi bức tranh Portrait of an Artist (Pool with Two Figures) của danh họa David Hockney. Với 90,3 triệu USD, bức tranh lập kỷ lục về mức giá cao nhất được bán ra đối với tác phẩm của một nghệ sĩ đang còn sống. Sáu tháng sau, một kỷ lục mới lại được phá vỡ, tác phẩm điêu khắc Rabbit của Jeff Koons được đấu giá 91,1 triệu USD. Mặc dù lần này, khách hàng của Rotter không chiến thắng, nhưng chính anh là người có công đưa tác phẩm nghệ thuật này ra sàn đấu.

Vai trò thực sự của Alex Rotter tại nhà Christies’s là hình thành các chủ đề và đưa các tác phẩm có liên quan vào đúng chủ đề trong vài tuần hoặc vài tháng trước khi cuộc đấu giá diễn ra. Nhưng với giới nghệ thuật, Rotter là một “người mai mối” đầy thông thái bằng việc lấp đầy khoảng trống trong danh mục đầu tư của các nhà sưu tập và luôn theo dõi những bức tranh được tìm kiếm nhiều nhất trên thế giới.

Nghệ thuật của sự dân chủ

Xuất thân từ một gia đình làm về nghệ thuật và mê kinh doanh, năm 13 tuổi Rotter đã biết bán những món hàng có giá trị. Tại gian hàng của mẹ trong hội chợ đồ cổ và nghệ thuật ở thủ đô Vien, Rotter đã bán một chiếc cốc và một chiếc đĩa sứ xuất hiện từ đầu thế kỷ XIX với giá 1.000 USD. Với giá gấp mười lần con số đó, bức tranh màu nước của Rudolf von Alt cũng được bán thành công. “Ở vòng đàm phán cuối cùng, mẹ đã thỏa thuận giúp tôi vì không muốn giảm giá thêm 10%. Cảm giác kết thúc một cuộc mua bán tác phẩm nghệ thuật rất cuốn hút tôi”. 

Ba mươi năm trôi qua, các cuộc giao dịch thời niên thiếu đã kết thúc nhưng mọi thứ vẫn tiếp tục với Rotter. Khi các bức tranh được xác định sẽ đem đấu giá, công việc tiếp theo của Rotter là thuyết phục chủ sở hữu các tác phẩm đó tham gia vào nhà Christie’s. Các cuộc thảo luận như vậy không chỉ liên quan đến việc định giá một tác phẩm, mà còn là cuộc đàm phán về chi phí và quy mô để mở một buổi đấu giá.

Đối với bức Portrait of an Artist của David Hockney được nói ở trên, chủ sở hữu của nhà đấu giá Christie's đã tìm cách để có được nó trong vòng một năm rưỡi. “Đây thực sự là một trường hợp khiến chúng tôi mơ về những con số lớn” - Rotter nói - “Những người sở hữu những bức tranh trị giá 80 triệu USD sẽ trở nên hiểu biết và thông minh hơn. Bởi họ không chỉ ký vào những đường chấm chấm mà họ phải cạnh tranh. Vì vậy, sau chúng tôi, họ cũng đến các nhà đấu giá khác và hỏi nhiều về ý kiến, về giá trị và chất lượng của tác phẩm”.

Tuy vậy, không phải giá bao giờ cũng đi đúng quỹ đạo dự đoán. Kỷ lục thế giới của Portrait of an Artist ở thời điểm đấu giá là 25 triệu USD, dự kiến được bán với giá 80 triệu USD. Rotter ước tính mỗi phiên đấu thường bắt đầu từ 30% đến 50% giá dự kiến nhưng phiên đấu của bức tranh này mở ra ở mức rất thấp - 20 triệu USD, chỉ bằng một phần tư ước tính ban đầu của Christie’s. Song, cuối cùng mọi chuyện đã khác, giá tăng vọt lên, vượt mức 90 triệu USD.

a-03-6400-1569065626.jpg

Bức Portrait of an Artist (Pool with Two Figures) của danh họa David Hockney - Ảnh: Christie's

Rotter say mê nói về nghề nghiệp của anh. “Mặc dù chúng tôi đang bán. Nhưng đây là nghệ thuật nghiêm túc. Các buổi đấu giá vẫn là một sự kiện”. Anh mô tả việc đấu giá như thực hiện một hành vi dân chủ. “Ai trả giá nhiều nhất sẽ có được bức tranh. Không có mánh khóe, không có lợi thế cho người đến trước hoặc có tên tuổi lớn hơn. Đó là vẻ đẹp của nghệ thuật đấu giá”.

Tất nhiên, khi nói đến nghệ thuật, những nghệ sĩ nổi tiếng hơn sẽ có giá cao hơn. Vậy bức tranh nào là tác phẩm nghệ thuật mà khách hàng đều muốn nhưng không thể có được? “Có một số ít. Tôi không đề cập đến những tác phẩm được treo trong MoMA hoặc Bảo tàng Metropolitan, bởi chúng ta sẽ không bao giờ có được nó. Nhưng luôn luôn có một món vẫn nằm đâu đó trong các bộ sưu tập cá nhân. Đó là danh sách các danh họa nổi tiếng và tác phẩm họ: Van Gogh, Warhol, Jeff Koons. Nó vẫn sẽ ở nguyên đó, và tôi chỉ có thể biết nó bằng những hình ảnh thu nhỏ. Tuy vậy, đôi khi bạn vẫn nên thử, biết đâu bạn sẽ tìm được những kiệt tác”, Rotter kết luận.

(Theo CNN)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Alex Rotter: Người “mai mối” trên sàn đấu giá tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO