Sự dịch chuyển cho tôi những trải nghiệm toàn cầu

KIM DUNG thực hiện| 06/08/2009 00:20

Tự nhận là công dân toàn cầu, nhưng Gary Phùng không giấu giếm tình cảm đặc biệt với Việt Nam. “Bằng chứng” là ông đang sốt sắng học tiếng Việt để có thể giao tiếp tự tin hơn.

Sự dịch chuyển cho tôi những trải nghiệm toàn cầu

Tự nhận là công dân toàn cầu, nhưng Gary Phùng không giấu giếm tình cảm đặc biệt với Việt Nam. “Bằng chứng” là ông đang sốt sắng học tiếng Việt để có thể giao tiếp tự tin hơn. Mười bốn năm gắn bó với Tập đoàn Acer, để có chỗ đứng ngày hôm nay, ông đã nỗ lực đi lên từ vị trí của một nhân viên nhập hàng, bảo quản kho… Trở về Việt Nam lần này, tham vọng của ông là cùng với các cộng sự lấy lại vị trí số 1 cho Acer trong thời gian sớm nhất…l Cùng đồng nghiệp và đối tác trong lần đầu ra mắt đầu tiên tại VN với cương vị

* Trước hết, xin chúc mừng ông với vị trí mới tại Acer Việt Nam! Chúng tôi muốn biết “hành trình” trở về của ông được bắt đầu như thế nào?

Ảnh: Huyền Phương

- Sau hơn 20 năm đi xa, lần đầu tiên tôi trở về Việt Nam cách đây 12 năm. Khi ấy, tôi nhận nhiệm vụ huấn luyện kỹ năng cho đội ngũ nhân viên của văn phòng Acer được thành lập trước đó một năm. Sau đó, tôi lại quay về làm việc cho Acer Thái Lan. Và sau 14 năm làm việc trong hệ thống Acer toàn cầu, tháng 5 vừa qua tôi được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc Acer Việt Nam.

* Có nghĩa là 12 năm về trước ông đã có cơ hội về Việt Nam làm việc. Nhưng vì sao mà mãi tới gần đây ông mới chính thức trở về?

- Thú thực là trong lần trở về đầu tiên ấy tôi cũng có ý định làm việc lâu dài tại Acer Việt Nam. Nhưng nhìn vào thực tế thì lĩnh vực công nghệ của Việt Nam khi ấy vẫn còn chênh lệnh khá lớn so với các nước trong khu vực. Để có cơ hội phát triển sự nghiệp, tôi quyết định quay về Thái Lan. Còn giờ đây thì mọi chuyện đã khác và tôi tự tin với quyết định trở lại Việt Nam của mình.

* Cụ thể, trong mắt ông, sự thay đổi lớn nhất của Việt Nam hôm nay là gì?

- Sau hơn 20 năm đổi mới, cùng với chủ trương mời gọi đầu tư nước ngoài, môi trường kinh doanh cũng thông thoáng hơn, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, hàng hóa tại Việt Nam khá phong phú, kể cả hàng hiệu, hàng kỹ thuật số. Điều này chứng tỏ nhu cầu của người dân ngày càng cao và đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp khẳng định vị trí của mình trên thị trường Việt Nam.

Cùng đồng nghiệp và đối tác trong lần ra mắt đầu tiên tại VN với cương vị Tổng
giám đốc ACER VN - Ảnh TL

* Với cái nhìn khách quan, theo ông, ngành công nghệ thông tin CNTT của Việt Nam đang đứng ở đâu và cần những yếu tố nào để bứt phá?

- Hiện tại, đã có khá nhiều công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam để sản xuất hàng công nghệ cao. Chẳng hạn, Intel đã xây dựng nhà máy để sản xuất chíp máy tính. Nếu nkhông có gì thay đổi thì khoảng 6 tháng nữa sẽ có những sản phẩm đầu tiên. Intel là đơn vị đi đầu về công nghệ, việc họ xây nhà máy tại Việt Nam sẽ khiến cho cái nhìn của thế giới về Việt Nam sẽ khác.

Để tạo sự bứt phá trong ngành CNTT, theo tôi, Chính phủ nên đầu tư ngay cho cơ sở hạ tầng vì đây là nền tảng để phát triển. Dĩ nhiên, để làm được điều này không đơn giản, cần phải có thời gian, lộ trình và tài chính. Hy vọng là trong một thời gian không xa, Việt Nam sẽ bắt kịp các nước láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan...

* Ông nhận nhiệm vụ mới đúng vào thời điểm cả thế giới vẫn đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Và dĩ nhiên, Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Vậy, áp lực lớn nhất của ông khi về điều hành Acer Việt Nam là gì?

- Là tham vọng “tỷ lệ nghịch” với độ tuổi (Gary Phùng sinh năm 1968 -PV). Thời gian còn lại để tôi có thể cống hiến tốt nhất chỉ khoảng 10 năm nữa. Sau đó, tôi muốn chuyển giao kinh nghiệm của mình cho thế hệ đi sau. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tại Việt Nam, do có sự quản lý chặt bởi Chính phủ nên ngành tài chính ít bị ảnh hưởng. Nhìn ra thị trường tôi thấy vẫn còn nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp. Có mặt tại Việt Nam từ năm 1996, đến nay Acer đã có chỗ đứng nhất định trong tâm trí người tiêu dùng và đây là nền tảng tốt để chúng tôi tiếp tục phát triển. Mặt khác, dân số Việt Nam hiện nay khoảng 86 triệu người, và số người có khả năng mua máy tính ngày càng tăng. Xu hướng phát triển của thị trường Việt Nam khá giống với Thái Lan, nên tôi hy vọng sẽ áp dụng tốt những kinh nghiệm đã làm tại xứ sở chùa Vàng.

* Cụ thể, “bài học Thái Lan” trong việc phát triển thị trườngViệt Nam là gì, thưa ông?

- Là sản phẩm chất lượng cao và dịch vụ hậu mãi tốt. Hiện tại, Acer Việt Nam có hai trung tâm bảo hành chính tại TP.HCM, Hà Nội và hơn 10 trung tâm bảo hành ủy quyền.

* Quả thật, chế độ bảo hành, hậu mãi của Acer được các nhà phân phối, đại lý đánh giá là tốt nhất hiện nay. Nhưng trên thực tế thì khách hàng lại chưa biết nhiều về điều này. Ông sẽ làm gì để khắc phục điều đáng tiếc này?

- Triết lý kinh doanh của Acer là phải tạo được lòng tin cho người sử dụng. Chúng tôi không nghĩ bán hàng xong là hết trách nhiệm. Việc xây dựng các trung tâm bảo hành cũng không ngoài mục đích này. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng. Trong tương lai gần, Acer Việt Nam sẽ phát triển thêm một số trung tâm bảo hành chính cùng một số trung tâm bảo hành ủy quyền. Mặt khác, chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh chiến dịch truyền thông để khách hàng biết đến dịch vụ hậu mãi của mình hơn.

"Đời sống người dân cũng được cải thiện rõ rệt, hàng hóa tại Việt Nam khá phong phú, kể cả hàng hiệu, hàng kỹ thuật số. Điều đó chứng tỏ nhu cầu của người dân ngày càng cao và đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp khẳng định vị trí của mình trên thị trường"

* Năm 2007 được xem là “thời hoàng kim” của Acer tại Việt Nam, nhưng nay thì thấp hơn. Ông nghĩ gì về điều này và Acer sẽ làm thế nào để có thể lấy lại vị trí số 1 tại thị trường Việt Nam?

- Sự trồi sụt trong kinh doanh là chuyện bình thường. Tại châu Á, trong thời gian qua, Acer đã dẫn đầu ở nhiều nước. Tại Việt Nam, tập đoàn mong muốn lấy lại vị trí số 1 trong thời gian nhanh nhất có thể, hoặc ít nhất cũng là số 2 (nhưng không cách quá xa số 1). Về giải pháp, chúng tôi chọn chiến lược đa thương hiệu, mỗi phân khúc sẽ có một thương hiệu riêng.

* Có ý kiến cho rằng, cái dở của Acer là từ khi xuất hiện đã định vị là sản phẩm giá rẻ. Mà người Việt Nam thì thường theo quan niệm tiền nào của nấy. Theo ông, làm thế nào để có thể thay đổi nhận thức vốn đã ăn sâu trong tiềm thức người tiêu dùng Việt Nam về sản phẩm của Acer?

- Phải khẳng định, điều này không dễ. Acer là một thương hiệu của Đài Loan. Để nâng tầm thương hiệu, Tập đoàn đã quyết định mua lại một số thương hiệu của Mỹ như Gateway, Emachines... Tại thị trường Việt Nam, cho đến nay, Acer vẫn là thương hiệu chính, chiếm 60 - 70% doanh số bán ra, nhắm trực tiếp tới những người có thu nhập trung bình khá. Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh là Acer có nhiều dòng sản phẩm, có thể đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng, từ người bình dân đến người có thu nhập khá. Chúng tôi muốn người tiêu dùng hiểu rằng, mua sản phẩm của Acer đồng nghĩa với giá cả hợp lý và chế độ hậu mãi tốt nhất. Sắp tới đây, chúng tôi sẽ xây dựng thêm nhiều chế độ ưu đãi, bảo hành hành miễn phí.

* Được biết, hiện tại Acer đang đẩy mạnh việc mở rộng thị phần bằng chiến lược đa thương hiệu. Thế nhưng, một số nhà phân phối, đại lý của Acer tại TP.HCM và Hà Nội lại cho rằng nên tập trung cho một thương hiệu thì hiệu quả sẽ tốt hơn. Ông nghĩ sao về điều này?

- Khi mới vào Việt Nam, Acer chỉ có một nhà phân phân phối. Hiện tại, chúng tôi đang có chiến lược mở rộng hệ thống phân phối. Và một khi đã có nhiều nhà phân phối mà lại chỉ tập trung cho một thương hiệu thì sẽ rất phí. Điều chúng tôi muốn hướng tới là mỗi nhà phân phối sẽ chọn cho mình một nhãn hiệu chính.

* Mười bốn năm gắn bó với Acer, nếu nói về điều tự hào nhất khi làm việc cho tập đoàn này thì ông sẽ nói gì?

- Tôi tự hào vì được làm việc trong một tập đoàn có môi trường làm việc tốt, có sức tăng trưởng lớn cùng sự bứt phá tốt, dù thâm niêm không cao bằng một số thương hiệu khác.

* Ông sinh ra tại Sài Gòn, nhưng lớn lên ở Úc, lập gia đình tại Thái Lan. Sự di chuyển không ngừng đã cho ông những trải nghiệm nào về cuộc sống? Và điều này có ảnh hưởng tới tính cách hay thế giới quan của ông?

- Tôi luôn tự hỏi mình là người nước nào và tự trả lời rằng mình là công dân toàn cầu. Ông nội tôi là người Trung Quốc định cư ở Campuchia và sinh cha tôi ở đó. Sau đó, gia đình tôi về Việt Nam sinh sống rồi lại qua Úc. Tôi bước vào ngôi nhà Acer từ công việc của một nhân viên bình thường ở Acer Úc. Khi sang Thái Lan làm việc, tôi đã lập gia đình tại đây, hiện có hai con, một trai, một gái. Cuộc sống của tôi có lúc rất “ok”, nhưng cũng có lúc mệt mỏi, bị xáo trộn vì sự chuyển dịch. Nhưng, cũng chính sự chuyển dịch liên tục này đã giúp cho cuộc sống của tôi có nhiều sắc màu hơn, khả năng thích nghi với mội trường mới cao hơn. Sự trải nghiệm qua nhiều nền văn hóa cũng có nhiều thú vị. Xét cho cùng thì mình là người nước nào không quan trọng mà điều quan trọng là phải sống như thế nào cho có ý nghĩa nhất.

* Vậy, bây giờ ông dự định ở Việt Nam bao lâu?

- Ít nhất là 2 năm và dài nhất là... 20 năm (cười). Sắp tới, cả gia đình tôi sẽ chuyển về Việt Nam.

* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sự dịch chuyển cho tôi những trải nghiệm toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO