Sống như công dân toàn cầu

PHƯƠNG QUYÊN thực hiện| 16/10/2009 00:26

Tự nhận mình là công dân toàn cầu, 18 năm làm việc trong ngành dịch vụ khách sạn, Mark Van Der Wielen, Tổng giám đốc khách sạn Renaissance Riverside Sài Gòn...

Sống như công dân  toàn cầu

Tự nhận mình là công dân toàn cầu, 18 năm làm việc trong ngành dịch vụ khách sạn, Mark Van Der Wielen, Tổng giám đốc khách sạn Renaissance Riverside Sài Gòn, đã dành trọn tuổi trẻ của mình cho việc phát triển các khách sạn cao cấp tại Trung Quốc, Singapore, Ấn Độ... Ông quan niệm, không có thử thách nào con người không thể vượt qua nếu cố gắng.

Mỗi chuyến đi, một trưởng thành

* Được đào tạo chuyên ngành quản lý khách sạn tại Trường Hogere Hotel School Maastricht, Hà Lan, tại sao ông lại chọn Trung Quốc làm nơi khởi nghiệp? Thử thách tại một quốc gia hoàn toàn xa lạ có phải là cách ông muốn “làm khó” mình?

- Khi vừa tốt nghiệp, tôi phải đi kiếm việc làm như những người khác. Tôi nghĩ không nên sợ hãi hay e ngại những vấn đề mình chưa biết, nên khi đi phỏng vấn, ban điều hành đề nghị tôi làm việc tại châu Á, và tôi nhận lời. Không phải tôi tự làm khó mình, mà là tôi muốn nắm bắt mọi cơ hội để có được việc làm đúng sở thích.

* Nhưng công việc của ông tại Thượng Hải khi ấy chỉ là trang bị thêm khả năng giao tiếp bằng Anh ngữ cho các nhân viên bản xứ?

- Không phải ai cũng có khởi đầu thuận lợi, nhưng nếu cứ gặp thử thách là nản thì chẳng thể nào thành công. Công việc ở Thượng Hải cho phép tôi dần quen với môi trường kinh doanh dịch vụ. Sau Trung Quốc, tôi làm việc tại VN, rồi Singapore. Với tôi, mỗi lần đi là một cơ hội mới để có thể học hỏi kinh nghiệm, trang bị thêm kiến thức xã hội. Trong môi trường kinh doanh dịch vụ, càng thông thạo nhiều địa bàn, nhà quản lý càng có lợi.

* Lợi thế đó là gì, thưa ông?

- Lợi thế về tâm lý bản địa. Đến mỗi quốc gia, tôi thường quan sát tập quán sinh hoạt, văn hóa... của cư dân ở đó. Sự khác nhau trong tập quán sinh hoạt, văn hóa sẽ tạo nên khác biệt trong cung cách hưởng thụ dịch vụ. Ví dụ, người Trung Quốc rất coi trọng chén trà. Đến khách sạn, nếu được phục vụ trà chu đáo, họ sẽ rất hài lòng. Còn người Ấn lại muốn được tôn trọng chiếc áo truyền thống của họ. Khi phục vụ khách Ấn, phải biết giúp họ giữ nếp áo... Những “tiểu tiết” như vậy không phải một sớm một chiều có thể nhận biết được. Kinh nghiệm bản địa giúp nhà kinh doanh dịch vụ biết cách tạo ấn tượng tốt nơi khách hàng. Tuy nhiên, dù có khác nhau ở tập quán sinh hoạt, song tất cả khách hàng đều muốn được chăm sóc chu đáo. Kinh doanh dịch vụ khách sạn là bán sản phẩm vô hình. Cái khách hàng mua của chúng tôi là chất lượng phục vụ, đây cũng là yếu tố để cạnh tranh. Vì vậy, điều trước tiên cần làm vẫn là phải đáp ứng tốt tất cả những yêu cầu cơ bản của khách.

Khuyến mãi bằng chính mình

* Được bổ nhiệm làm việc ở VN (tháng 12/2008) trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hoành hành, vậy ông có nghĩ đó là một thử thách lớn?

Sống ở VN, lấy vợ VN, Mark tin rằng mình đã là một phần của VN

- Ngay khi nhận quyết định làm việc tại VN, tôi đã nghĩ ngay đến việc làm thế nào để có thể kéo khách về nơi này khi tình hình kinh tế thế giới không được sáng sủa. Tôi tự răn mình, thử thách càng lớn thì cơ hội càng cao. Thực tiễn buộc tôi phải đốc thúc nhân viên làm việc tích cực hơn và nghĩ ra nhiều cách giảm chi phí, bỏ bớt những dịch vụ rườm rà, nhưng lại tăng chất lượng phục vụ. Phải biết tự tạo thế mạnh cho mình trong mọi hoàn cảnh.

* Thế nhưng, ngoài chương trình giảm giá phòng theo chính sách kích cầu du lịch của Chính phủ, Renaissance Riverside Sài Gòn không áp dụng chương trình giảm giá riêng?

- Chúng tôi giảm giá bằng cách cộng thêm chất lượng dịch vụ. Cùng chi phí nhưng thời gian này, khách hàng được nhận nhiều dịch vụ giải trí, nghỉ dưỡng hơn. Đây là cách Renaissance khuyến mãi bằng chính mình. Song song đó, chúng tôi cũng ngồi lại với các đối tác để lắng nghe những đòi hỏi từ khách hàng. Kinh doanh bất cứ ngành nghề nào cũng vậy, một mình một chợ là tự giới hạn đường đi.

* Tính đến nay, Renaissance Riverside Sài Gòn nói riêng và ngành dịch vụ khách sạn tại VN nói chung đã hồi phục theo những tín hiệu tốt của nền kinh tế toàn cầu hay chưa?

- Tình hình chung là chỉ mới ở mức bắt đầu hồi phục. Số lượng khách du lịch vẫn chưa bằng cùng kỳ năm ngoái, nhưng đã bắt đầu nhiều hơn thời gian trước. Nhờ có sự liên kết chặt chẽ của nhiều lĩnh vực như nhà hàng, khách sạn, khu du lịch, vận chuyển... nhằm mời gọi du khách nên tình hình đã sáng sủa hơn nhiều.

* Đó có phải là lý do Renaissance Riverside Sài Gòn mở thêm các dịch vụ phụ trợ, như spa massage hương liệu?

- Chúng tôi đã phục vụ spa từ trước. Thời điểm khó khăn, chúng tôi nâng cấp, mở rộng dịch vụ, một phần để thu hút, giữ chân khách hàng; phần khác, hướng đến phục vụ khách địa phương, không cư trú tại khách sạn, nhưng vẫn có nhu cầu hưởng thụ dịch vụ.
* Có ý kiến cho rằng, du lịch VN sẽ chậm hồi phục hơn các nước khác?

- Du lịch VN chắc chắn sẽ hồi phục. Tôi tin là doanh thu toàn ngành chỉ giảm khoảng 20% so với năm trước. Tuy nhiên, với điều kiện cơ sở hạ tầng, nghiệp vụ... như hiện nay, phải mất ít nhất một năm, hoặc có thể lâu hơn, du lịch VN mới trở lại như thời kỳ trước.

* Vậy tại sao Renaissance Riverside Sài Gòn xây dựng thêm ba phòng họp Mimosa, có phải nhu cầu hội họp của khách hàng đang tăng?

- Phòng họp chất lượng cao cũng là một cách chúng tôi làm mới mình. Không chỉ cung cấp không gian, chúng tôi còn thiết kế những thiết bị hiện đại phục vụ cho hội họp, thậm chí là họp trực tuyến. Không phải đợi khách hàng có nhu cầu, mình mới đáp ứng. Phải đón đầu nhu cầu của khách hàng!

Tài sản lớn nhất là con người

* Mỗi năm, Renaissance Riverside Sài Gòn đều tổ chức tuần lễ cảm ơn nhân viên, đây có phải là cách ông xây dựng văn hóa công ty?

Thư giãn cùng nhân viên

- Đây không chỉ là văn hóa của riêng khách sạn, mà là truyền thống của cả Tập đoàn Marriot. Chúng tôi luôn tâm niệm, tài sản quan trọng nhất của mỗi công ty là con người. Nếu không chăm chút, giữ gìn cái quý giá nhất của mình thì khó thể tồn tại. Trong tuần lễ cảm ơn nhân viên, đích thân Ban giám đốc phải đóng vai những nhân vật hoạt náo, tổ chức trò chơi tập thể cho nhân viên... Không chỉ trong một tuần, mỗi ngày làm việc, chúng tôi đều phải tạo môi trường thoải mái cho họ, quan tâm, chia sẻ với từng nhân viên. Niềm tin của chúng tôi là chăm sóc tốt nhân viên thì nhân viên chăm sóc khách hàng tốt. Và như vậy, khách hàng của chúng tôi sẽ trở lại khi họ có nhu cầu.

* Bên cạnh chăm sóc nhân viên, ông còn có cách gì để thu hút người tài tốt hơn?

- Tìm và giữ nhân viên rất dễ nếu DN biết chăm sóc họ và gia đình họ. Chúng tôi không tiếc khi đầu tư cho nhân viên học tập ở môi trường toàn cầu để nâng cao kỹ năng. Nhân viên của chúng tôi có mức lương không cao, nhưng ổn định để có thể lo chu toàn cho gia đình. Họ có đời sống phong phú vì khi đến đây, họ không chỉ làm việc mà còn có điều kiện tận hưởng cuộc sống vì chúng tôi trang bị phòng nghỉ, nơi truy cập internet... đầy đủ cho nhân viên.

* Renaissance Riverside Sài Gòn có cả Ủy ban phục vụ cộng đồng. Liệu Ủy ban này có thể giúp DN hoàn thành tốt nhiệm vụ xã hội của mình?

- Mỗi DN đều có trách nhiệm xã hội. Chúng tôi lập ra Ủy ban phục vụ cộng đồng để thực hiện trách nhiệm này. Ủy ban sẽ tổ chức các sự kiện chăm sóc không gian sống của cộng đồng, làm từ thiện... Tuy nhiên, cách làm từ thiện của chúng tôi là không tặng tiền, mà trực tiếp chăm sóc những mảnh đời bất hạnh. Chúng tôi đến với những người thật sự cần mình, không qua các tổ chức kêu gọi.

Chiến thắng là một sự nhắc nhở

* Theo đánh giá của thành phố thì Renaissance Riverside Sài Gòn là một trong 51 DN hàng đầu của thành phố, đồng thời là một trong 10 khách sạn 5 sao hàng đầu VN. Theo ông, việc đón nhận giải thưởng có tác dụng như thế nào đối với tâm lý của nhân viên?

- Thú thật là tôi rất tự hào khi nhận bất cứ giải thưởng nào. Đó là cách cộng đồng ghi nhận quá trình làm việc của chúng tôi. Giải thưởng làm tôi hạnh phúc và cảm thấy được cổ vũ vì đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, tôi luôn khẳng định với nhân viên rằng, thành quả đó là của tập thể. Khi nhân viên của chúng tôi biết được họ là những mắt xích tạo nên giải thưởng, họ cũng sẽ tự hào như tôi và sẽ có động lực để làm việc tốt hơn nữa.

Người Việt một nửa

* Làm việc tại khách sạn, gia đình ông cũng sống tại khách sạn, đâu là không gian riêng của ông?

- Khi công việc đã hoàn tất, đóng cửa căn hộ trong khuôn viên khách sạn lại, tôi ở trong nhà mình và chỉ còn dành thời gian cho gia đình. Tôi chơi với con, trò chuyện, chăm sóc vợ... Để có không gian riêng, cuối tuần tôi thường đưa vợ con ra ngoại ô chơi. Hai đứa con tôi rất thích thú khi được đi cùng bố mẹ, chúng tìm hiểu mọi thứ, hỏi han đủ chuyện.

* Có người quan niệm "thương cho roi, cho vọt”. Ông giáo dục con theo cách nào?

- Điều khá thiệt thòi cho vợ con tôi là họ phải theo tôi đi khắp nơi. Hai năm một lần, chúng tôi lại đến một quốc gia khác, nên đòi hỏi con tôi phải thích ứng với vai trò một công dân quốc tế, phải không ngừng học hỏi để có thể hội nhập với môi trường mới. Vì vậy, tôi để chúng phát triển theo thiên hướng riêng. Trước khi đến nơi ở mới, chúng tôi chọn lựa rất kỹ môi trường giáo dục cho con mình.

* Chăm sóc con kỹ như thế, điều gì chưa làm được cho con khiến ông buồn?

- Tôi chưa giao tiếp được với con bằng tiếng Việt. Đôi khi thấy ba mẹ con nói tiếng Việt, tôi cũng ganh tỵ đôi chút. Thấy tôi bị “bỏ rơi”, cả nhà lại dùng tiếng Anh. Tôi sẽ cố gắng học thêm tiếng Việt. Sống ở VN, cưới vợ Việt, tìm hiểu nhiều về văn hóa Việt, đôi lúc tôi nghĩ, mình đã là người Việt một nửa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Sống như công dân toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO