Khi nghệ sĩ làm doanh nhân

30/06/2009 09:23

Nghệ sĩ là doanh nhân mới... hay” - đó là tâm sự của NSƯT Lê Cung Bắc - Giám đốc hãng Việt phim khi trò chuyện với DĐDN.

Khi nghệ sĩ làm doanh nhân

“Nghệ sĩ là doanh nhân mới... hay” - đó là tâm sự của NSƯT Lê Cung Bắc - Giám đốc hãng Việt phim

NSƯT Lê Cung Bắc - Giám đốc hãng Việt phim : "Nghệ sĩ lại càng giỏi làm doanh nhân"

Đang là diễn viên sáng giá, chuyển sang làm đạo diễn nổi tiếng lẫy lừng, và bây giờ là giám đốc một hãng phim. Cảm giác của ông thế nào về sự "chuyển ngôi" này?

Có nhiều cái chỉ là cuộc chơi, mà cuộc chơi thì khó, dễ cũng giống nhau. Cuộc chơi càng khó mới hay. Nhưng đây là cuộc chơi rất hay, có đầy đủ ngũ vị, và đầy đặn. Giống như yêu một cô gái mà chinh phục được ngay thì không sướng bằng chinh phục gặp nhiều khó khăn.

"Cuộc chơi" này của ông chắc hẳn gặp không ít khó khăn ? Liệu có nhiều mâu thuẫn không khi người nghệ sĩ đảm nhiệm vai trò giám đốc?

Làm giám đốc là đảm trách vai trò quản lý, còn làm đạo diễn là sáng tác, mà người nghệ sĩ thường thích hợp với sáng tác hơn là quản lý. Nhưng mâu thuẫn thì không. Khi làm quản lý, tôi luôn tạo điều kiện cho các nghệ sĩ tác nghiệp, chính đó mới là cái hay của người nghệ sĩ làm quản lý - làm doanh nhân. Người nghệ sĩ khi đó sẽ cảm thông, gần gũi hơn, vì họ hiểu tâm trạng cũng mọi tâm tư của người nghệ sĩ.

Nhưng người ta thường nói nghệ sĩ thì rất... "sĩ", nhiều khi họ không cần tiền, mà lắm khi chỉ vì... thích. Biết đâu tư duy đó ảnh hưởng tới quản lý thì sao?

Tất cả mọi người sống đều cần tiền, nhưng người nghệ sĩ coi tiền như một phương tiện chứ không phải cứu cánh. Bởi thế nên người nghệ sĩ sống rất nhẹ nhàng, thoải mái, có bao nhiêu tiêu bấy nhiêu. Nguyễn Công Trứ có câu: "Biết đủ là đủ". Lòng ước muốn của con người là vô cùng, nên biết dừng lại cho lòng mình vui. Người có 1 triệu mà bằng lòng thì cảm thấy vui sướng hơn người có 1 tỷ nhưng không bao giờ bằng lòng với cái mình đang có.

Vai trò của người nghệ sĩ hỗ trợ tốt cho người quản lý. Còn vai trò người quản lý liệu có tác động ngược không, thưa ông?

Có chứ. Khi làm quản lý thì ta sẽ nhắm việc làm theo tinh thần của người quản lý, khi sáng tác thì làm theo tinh thần của người sáng tác. Nhưng người nghệ sĩ khi quản lý sẽ đòi hỏi ở người nghệ sĩ cộng tác với mình một sức làm việc rất dữ dội, vì họ luôn mong muốn nghệ thuật vươn tới đỉnh cao nhất.

Vậy thì để vươn tới, hãng Việt phim của ông sẽ làm thế nào để thoát ra khỏi ý nghĩ điện ảnh VN vẫn ở mức tầm tầm?

Chuyện đó là một vấn đề rất lớn. Điện ảnh VN còn phụ thuộc vào mặt bằng dân trí xã hội, vào đẳng cấp, phương tiện, quan niệm... chứ không hẳn là chỉ do người làm phim. Cho nên điện ảnh nước ta chưa phát triển lắm thì cũng đừng quá khắt khe lên án, mà phải tìm cách vực lên. Nhưng ước muốn chủ quan bao giờ cũng đẹp, còn chuyện được bao nhiêu thì phụ thuộc vào điều kiện khách quan.

Nhiều hãng phim tư nhân là tốt!

NSƯT Lê Cung Bắc đang tác nghiệp

Ông so sánh thế nào về hãng phim nhà nước với hãng phim tư nhân?

Không nên phân biệt, miễn là làm phim tốt. Khi chúng ta làm một bộ phim chiếu ở nước ngoài thì người xem đâu có nói là phim tư nhân hay phim nhà nước, mà người ta nói là phim VN. Tạo ra nhiều hãng phim là để có sự cạnh tranh. Vì có cạnh tranh mới phát triển được.

Vậy thì tiêu chí nào để cạnh tranh cho tốt hơn, thưa ông?

Chúng ta xác định là cạnh tranh lành mạnh, nghĩa là phải tự hoàn thiện mình, phải làm tốt, chuyên nghiệp hóa, làm tốt các tác phẩm do hãng sản xuất. Tất nhiên mình phải biết được trong vấn đề thị trường, marketing, phải thăm dò được thị trường, sở thích của người xem... Và mỗi hãng phim có cách làm riêng của họ.

Vậy Hãng Việt phim đi theo dòng phim nào, nghệ thuật hay thị trường, thưa ông?

Tất cả các dòng phim đều cần thiết. Theo tôi, dùng từ phim thị trường với phim nghệ thuật là chưa hoàn toàn đúng nghĩa. Bởi khi làm phim là làm nghệ thuật cho người xem thưởng thức, và người xem chính là thị trường. Vấn đề là chúng ta làm thế nào để thị trường chấp nhận nhiều hay ít. Phim nghệ thuật cao hay thấp, nhiều hay ít, chứ không thể nói là phim không nghệ thuật. Vì đã nói làm phim là nghệ thuật rồi. Tất nhiên tôi muốn, nghệ thuật thứ bảy ngày càng được nâng lên, và làm sao cho thị hiếu của khán giả cũng nâng lên cao.

Chúng ta phải nhìn ra thị trường thế giới

Phim VN đang có xu hướng ra nước ngoài. Hãng Việt phim thì thế nào?

Mang phim Việt Nam ra nước ngoài được là quá tốt. Có xuất khẩu tốt hay không là do mình làm thế nào để họ chấp nhận mặt hàng của mình. Chúng ta phải nhìn lại những gì chúng ta làm, cái gì được, cái gì chưa. Chúng ta phải nhìn ra thị trường thế giới.

Mỗi nước có một đặc thù. Làm bất cứ việc gì trong văn hóa nghệ thuật thì cũng phải thể hiện được tinh túy của VN, mà tinh túy đó phải đặc thù. Chúng ta có thể thay đổi một nhà tranh thành nhà lầu, nhưng cái tinh túy, cốt lõi của hai nhà đó vẫn giống nhau, tinh thần dân tộc vẫn nằm trong đó, chứ không phải nhà tranh là còn tinh thần dân tộc, mà sang nhà lầu đi thang máy là hết tinh thần dân tộc. Văn hóa không phải căn cứ vào vật chất, dù vật chất biến đổi nhưng văn hóa luôn trường tồn. Đó là một sự phát triển liên tục và văn hóa là nền tảng của dân tộc, trên nền tảng đó ta có thể thay đổi, nhưng đừng làm mất nền tảng đó.

Xin cảm ơn ông !

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khi nghệ sĩ làm doanh nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO