Học từ những người giỏi nhất

LỮ Ý NHI| 09/07/2009 08:57

Từ một nhà thầu xây dựng các công trình nhà ở dân dụng, xưởng xản xuất nhỏ lẻ, đến thầu phụ cho các công ty xây dựng, không có thương hiệu, tiền công thợ phải chạy từng tuần, Ngô Quốc Vinh đã trở thành Tổng giám đốc Công ty Xây dựng A.Q.A, một công ty có tên tuổi ở TP.HCM...

Học từ những người giỏi nhất

Từ một nhà thầu xây dựng các công trình nhà ở dân dụng, xưởng xản xuất nhỏ lẻ, đến thầu phụ cho các công ty xây dựng, không có thương hiệu, tiền công thợ phải chạy từng tuần, nhưng 5 năm sau, Ngô Quốc Vinh đã trở thành Tổng giám đốc Công ty Xây dựng A.Q.A, một công ty có tên tuổi ở TP.HCM và được giới xây dựng đánh giá cao.

Anh Vinh chia sẻ: “90% khách hàng cũ tiếp tục hợp tác với chúng tôi, nhiều công trình lớn như khách sạn 100 Lê Lợi, nhà máy Intel Việt Nam, nhà máy Shiseido Việt Nam... đều do A.Q.A xây dựng. Mới đây Công ty cũng đã lọt vào danh sách đối tác chính của các nhà thầu lớn Nhật Bản”.

* Làm thế nào anh xây dựng uy tín cho A.Q.A nhanh đến vậy?

- Năm năm, không dài nhưng ngẫm lại, đó là cả quá trình với những bước đi chập chững nhiều gập ghềnh, nhẫn nại, quyết tâm và cả liều lĩnh. Năm 1996, cầm tấm bằng Đại học Kiến trúc ngành xây dựng trong tay, không vốn liếng, thuê nhà ở nhưng tôi vẫn quyết định lập nghiệp ở TP.HCM. Có lẽ, suy nghĩ đơn giản: Hằng ngày, tôi đạp xe đến các công ty xây dựng để xin việc và được nhận vào Phòng Dự án Công ty Cotec.

"Và cuộc cải tổ nào cũng có cái mới xuất hiện, cái cũ bị đào thải. Nhân sự cũng vậy, người đầu tiên tôi tách khỏi vị trí tài chính là vợ mình..."

Với mức lương 800.000 đồng/tháng, không đủ cho các khoản thuê nhà, ăn uống và sinh hoạt, năm 2004, tôi bắt đầu nghĩ chuyện nhận những căn nhà nhỏ để sửa chữa, xây dựng. Song, một thanh niên mới 23, 24 tuổi đời, không vốn liếng, không có công ty, chưa có công trình nào qua tay, việc thuyết phục khách hàng không dễ dàng chút nào. Không ít trường hợp tới lui cả chục lần, tư vấn cho khách hàng đủ thứ từ bản vẽ, vật liệu sao cho thích hợp nhưng sau đó, họ lại giao việc xây dựng cho đơn vị khác. Buồn, ấm ức và thất vọng nhưng tôi tự an ủi: “Thôi cứ cho là mình chưa có duyên với họ. Cứ kiên nhẫn, cơ hội ắt đến”.

Và cơ hội đến thật khi tôi nhận được hợp đồng xây dựng nhà cho một bác sĩ ở Bệnh viện Nhi đồng 1. Lúc đó tôi xác định: Muốn xây dựng nền tảng uy tín thì ngay những bước đi đầu tiên, mình phải đảm bảo chất lượng, tạo sự hài lòng cho khách hàng bằng việc chăm sóc chu đáo và đáp ứng nhanh nhu cầu của họ. Bởi, khi chủ nhà hài lòng, họ sẽ giới thiệu mình cho nhiều người khác.

Với phương thức này, uy tín của tôi đã được nhân lên nhanh chóng, chỉ trong vòng ba năm, số lượng khách xây nhà đã tăng lên rõ rệt, từ 3 căn đến 6, 7 căn, rồi 8, 9 căn. Cũng thời gian này, tôi chuyển sang công ty thiết kế và được một chủ người Hoa ở Q.6 giao cho phần thiết kế, thi công một nhà xưởng nhỏ. Đây là hợp đồng xây nhà xưởng đầu tiên và nó cũng chính là nền tảng để tôi bước sang một bước ngoặt mới.

* Để chuyển mình thành một công ty chuyên nghiệp với những dự án lớn hơn?

Làm việc với nhân viên

- Thời gian thầu nhà dân dụng, tiền thu được tuy “rủng rẻng” nhưng không nhiều, cứ đầu này đắp qua đầu kia rồi hết. Thậm chí, có những khách hàng khi tiếp xúc thấy họ không minh bạch về tiền bạc nhưng quan điểm của tôi lúc đó là làm sao có việc cho anh em làm nên tôi cũng nhận và sau đó, họ xù luôn. Nợ khó đòi của Công ty hiện nay lên đến khoảng 2 tỷ đồng. Nhưng tôi xác định, đây là bước cọ xát thực tế để học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm. Sau khi làm xong nhà xưởng ở Q.6, tôi nhận ra thị trường xây dựng nhà ở dân dụng lúc này khá lộn xộn, cạnh tranh gay gắt. Ai cũng có thể ra làm thầu, bất kể tay nghề, năng lực. Nếu tiếp tục, tôi sẽ bị chìm trong phân khúc này.

Cũng thời điểm này, các hợp đồng xây nhà nhiều lên, doanh thu năm trước 8 tỷ, năm sau tăng lên 15 tỷ khiến tôi cảm thấy thấy cách quản lý nhỏ, tùy tiện, không có sự phân chia trách nhiệm rõ ràng sẽ khó kiểm soát chất lượng công việc. Hơn nữa, với bộ máy nhỏ, thiếu chuyên nghiệp, khiến mình khó thu hút người giỏi nên năm 2004, tôi thành lập Công ty A.Q.A, chuyển hướng sang thi công các công trình xây dựng, các dự án có yêu cầu cao về chất lượng và tiến độ thi công.

* Nhưng giữa ý tưởng và hiện thực luôn là một khoảng cách, anh đã nỗ lực thế nào để tự tin bước vào “sân chơi” này?

"Nếu cho tôi làm lại, tôi sẽ đi cách khác. Muốn làm chủ thì trước đó, mình phải là người thợ để tích lũy kinh nghiệm, phải làm việc ở những chỗ giỏi nhất vì nơi đó, mình sẽ học được nhiều nhất..."

- Muốn vào sân chơi lớn thì phải thâm nhập để hiểu môi trường đó như thế nào, và quan trọng nhất là phải thay đổi mô hình hoạt động của công ty theo cách quản lý mới có bài bản, hệ thống. Biết vậy nhưng tôi cứ loay hoay không biết phải bắt đầu từ đâu. Tham gia các khóa học của PACE về quản trị nhân sự, tài chính, CEO, thiết kế hệ thống quản lý công ty, công việc..., tôi thu lượm được nhiều kiến thức cơ bản, thấy rõ sự cần thiết phải thay đổi bộ máy quản lý và phương thức điều hành cũ.

Tuy nhiên, những bài học này như một mô hình chuẩn, chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp hoàn chỉnh. Còn với công ty nhỏ, không đủ nguồn lực, thì rất khó. Do đó năm 2006, vừa điều hành công ty, tôi vừa xin vào làm cho Công ty Xây dựng Coteccons để học hỏi kinh nghiệm. Phải nói rằng, hai năm làm việc ở Coteccons, được tham gia các dự án với các nhà thầu Nhật, tôi học được rất nhiều. Ngoài cách tổ chức quản lý chất lượng công trình, kỹ thuật, tính kỷ luật an toàn, vệ sinh công trình, tiến độ thi công..., tôi còn học được mô hình quản lý của Coteccons, một mô hình chuẩn về văn hóa doanh nghiệp với hệ thống tổ chức công ty khá bài bản. Thậm chí, tôi còn quan sát, học cả cách tổ chức, điều hành các buổi họp của vị tổng giám đốc ở đây để... tìm cách đi riêng cho mình.

* Thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp, rất nhiều công ty phải trải qua cuộc “cách mạng” về tình cảm để giải quyết vấn đề nhân sự. A.Q.A có nằm ngoài quy luật ấy không?

Kiểm tra công trình

- Nhiều người hỏi tôi sao không giao hẳn việc tái cấu trúc doanh nghiệp cho công ty tư vấn như nhiều công ty khác đã làm, nhưng theo tôi, làm như vậy sẽ khó thành công vì họ không hiểu công ty tôi đang thiếu gì, cần gì và có gì. Hơn nữa, nhà tư vấn thường làm theo bài bản mà thực tế công ty mình lúc đó lại không thể đáp ứng nên tôi tự làm theo cách riêng. Công việc đầu tiên là tôi thiết lập một loạt phòng ban như kho, kế toán, cung ứng, tổ chức sản xuất, giao dịch khách hàng, quản lý công trình, sau đó bổ sung quy trình, quy chế làm việc. Suốt ba năm thực hiện cải tổ, tôi đã có một bộ máy hoạt động khá quy củ và hoàn chỉnh. Nhưng thành công lớn nhất là tôi đã thu hút được những người giỏi về hợp tác và giữ được đội ngũ chủ chốt này cho đến bây giờ. Theo tôi, một công ty mạnh không phải vì vốn nhiều mà là họ có trong tay một đội ngũ nhân lực giỏi, kinh nghiệm và tận tâm.

Và cuộc cải tổ nào cũng có cái mới xuất hiện, cái cũ bị đào thải. Nhân sự cũng vậy, người đầu tiên tôi tách khỏi vị trí tài chính là vợ mình.

* Con đường thu phục nhân tài của anh xem ra cũng khá vất vả?

- Muốn có nhân lực giỏi thì công ty phải lớn, lương phải cao. Tôi không đủ điều kiện đó, nếu mời về làm việc, họ sẽ từ chối nên phải dùng chiêu thức “chậm mà chắc”, bắt đầu từ việc mời họ hợp tác, trong quá trình làm việc, tôi giới thiệu những mặt mạnh và triển vọng của công ty, thuyết phục họ bằng cái tâm qua cách ứng xử, cam kết của tôi với khách hàng. Quan điểm của tôi trong kinh doanh là chia sẻ, không quá chắt lép, chẳng hạn phía thầu phụ làm sai, tôi yêu cầu họ sửa lại nhưng sẵn sàng chia sẻ kinh phí. Tôi thu phục lòng người bằng sự chân thật, trong sáng của mình. Và chỉ khi được mọi người tin tưởng, công ty mạnh rồi, tôi mới mời họ về.

* Bước vào “sân chơi lớn”, điều anh tâm đắc nhất là gì?

- Đó là hiệu quả công việc rất cao, lúc nào cũng phải học hỏi cái mới vì nó đòi hỏi năng lực thật sự. Ở đây, tính cạnh tranh không nhiều, ai giỏi thì thắng chứ không lẫn lộn vàng thau. Song, điều tâm đắc nhất khi tham gia vào các công trình lớn là không chỉ bản thân tôi mà anh em trong công ty đều thấy hứng thú, vì qua mỗi công trình, mình thực sự trưởng thành hơn, tay nghề và kinh nghiệm già dặn hơn.

* Anh từng nói: Muốn hợp tác với người Nhật thì không có chuyện thuyết phục mà chỉ có minh chứng, A.Q.A đã làm thế nào để trúng thầu hàng loạt dự án như nhà máy Takako, nhà máy Tombow, Nhà máy Key Plastic, Nhà máy Intel, nhà máy Shiseido, nhà máy Aiphone...?

Nghỉ mát cùng cán bộ - nhân viên A.Q.A

- Dự án đầu tiên khi tôi bước chân vào “sân chơi lớn” là xây dựng nhà máy cho Công ty Kymdan. Từ nhà máy Kymdan, tôi gửi thông điệp hợp tác với các nhà thầu Nhật. Và một nhà thầu Nhật Bản tại Việt Nam là Vinata đã tìm hiểu kỹ chất lượng nhà máy Kymdan và tìm đến tôi. Làm việc với người Nhật, tôi học được ở họ tinh thần trách nhiệm cao, tính kỷ luật nghiêm ngặt, chẳng hạn người có thẩm quyền trên công trường phải thường xuyên có mặt để giám sát, xử lý tình huống. Trong khi đây chính là nhược điểm mà các công ty xây dựng Việt Nam hay mắc phải.

Chứng minh thành quả đã làm chỉ là cơ sở ban đầu, người Nhật rất chuộng uy tín và sự sòng phẳng nên khi hợp tác với họ, mình phải chú ý điều này. Bản thân A.Q.A trong quá trình xây dựng nhà máy Shiseido cũng gặp tình huống nan giải do bị chậm giấy phép, dẫn đến ngày khởi công bị muộn so với tiến độ ban đầu trong khi thời gian nhập các thiết bị từ Nhật không thể thay đổi. Thế nhưng A.Q.A đã nhanh chóng tìm cách khắc phục, thi công đúng thời hạn, với chất lượng vượt mức cam kết và đặc biệt là an toàn tuyệt đối.

* Nhìn lại chặng đường đã đi, anh rút ra bài học nào cho bản thân.

- Không ai dạy cho mình biết kinh doanh, cứ nhào ra là làm, đụng đầu cái “bốp” mới rút kinh nghiệm. Nếu cho tôi làm lại, tôi sẽ đi cách khác. Muốn làm chủ thì trước đó, mình phải là người thợ để tích lũy kinh nghiệm, phải làm việc ở những chỗ giỏi nhất vì nơi đó, mình sẽ học được nhiều nhất.

* Một vấn đề xã hội mà anh trăn trở?

- Đó là nhiều giá trị đạo đức trong xã hội đang bị đảo lộn. Một trong số đó là có quá nhiều người kiếm tiền không bằng sức của mình, hưởng lợi không từ chính công sức của mình làm, chẳng hạn anh giám sát không ăn lương giám sát mà thích làm khó dễ doanh nghiệp để kiếm tiền hoặc hiện nay, ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng có sự thỏa thuận ngầm về chung chi. Nó làm cho con người mất hết lương tâm, tình người.

*Trên bàn của anh có cuốn “Từ tốt đến vĩ đại”, anh học được điều gì qua quyển sách này?

- Doanh nghiệp chỉ có khả năng làm tốt nhất sứ mệnh của mình, đó là hướng đi nhất quán, tập trung vào năng lực cốt lõi, không chạy theo đa ngành nghề.

* Cảm ơn anh về buổi trò chuyện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Học từ những người giỏi nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO