Doanh nhân Hoàng Trọng Phu: Người khôi phục và đưa thương hiệu thủ công Việt Nam ra thế giới

Thanh An| 13/09/2022 06:00

Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu là một doanh nhân đặc biệt nửa đầu thế kỷ XX. Xuất thân từ tầng lớp quan viên triều Nguyễn, ông lại hướng đến việc kinh doanh nghề thủ công truyền thống, chấn hưng thực nghiệp, khai mở dân trí cho người dân Hà Đông. Những đóng góp của ông không chỉ tác động vào phương diện kinh tế mà còn tác động vào phương diện chính trị của Việt Nam thời kỳ đó.

Doanh nhân Hoàng Trọng Phu: Người khôi phục và đưa thương hiệu thủ công Việt Nam ra thế giới

Sinh năm 1872 tại làng Đông Thái (nay là xã Tùng Ảnh), huyện La Sơn (nay là huyện Đức Thọ), tỉnh Hà Tĩnh, Hoàng Trọng Phu là con trai của Khâm sai Kinh lược sứ Bắc kỳ Hoàng Cao Khải, một quan đại thần triều Nguyễn dưới thời vua Đồng Khánh. Năm 1892, ông cùng Thân Trọng Huề và Lê Văn Miến được triều đình Huế cử sang Pháp học trường thuộc địa Ecole Coloniale tại Paris.

Năm 1897, sau khi về nước, ông được bổ nhiệm làm thông ngôn cho vua Thành Thái ít tháng. Sau đó, ông được triều đình Huế cử ra làm Án sát tỉnh Bắc Ninh, giảng dạy tại Trường Hậu bổ chuyên đào tạo quan viên rồi Tổng đốc Ninh Thái (Bắc Ninh và Thái Nguyên). Đến năm 1906, ông kế vị cha làm Tổng đốc Hà Đông từ năm 1906-1937.

Thời bấy giờ, Hà Đông là tỉnh lớn và quan trọng ở Bắc kỳ kề ngay sát Hà Nội, lại là nơi tập trung đại đa số các nghề thủ công, mà những nghề đó đã có một vai trò đặc biệt quan trọng bởi tính đa dạng và sự phát triển của nó. Tuy nhiên, kể từ khi thực dân Pháp bắt đầu xâm lược Bắc kỳ (năm 1873) cho đến công cuộc khai thác thuộc địa lần thức nhất (năm 1897-1914), dưới ách thống trị của thực dân phong kiến, các nghề thủ công không sao phát triển được vì ngoài thì bị hàng ngoại hóa cạnh tranh, chèn ép; trong thì bị tầng lớp thống trị và nhà buôn tư sản bóc lột tàn tệ bằng mọi cách. Cho nên đôi bàn tay khéo léo và trí thông minh đầy sáng tạo của thợ thủ công thời trước đã không đủ nuôi sống bản thân mình, nói gì đến nuôi gia đình. Dần dần các nghề thủ công bị mai một và tàn lụi.

-8679-1662964990.jpg

Đời sống ở làng Hà Đông thập niên 1920

Nhận thấy những giá trị văn hóa và cả ý nghĩa, vai trò kinh tế của nghề thủ công đối với đời sống dân sinh ở Hà Đông đang dần biến mất, Tổng đốc Hoàng Trọng Phu với tình yêu và tâm huyết cho việc nghiên cứu và phát triển các nghề truyền thống ở Hà Đông đã tiến hành các biện pháp nhằm khôi phục và chấn hưng các làng nghề thủ công truyền thống ở Hà Đông. Để nắm bắt được thông tin các nghề thủ công ở Hà Đông, ông tiến hành nghiên cứu và viết cuốn Các làng nghề thủ công ở Hà Đông.

Theo ông thống kê, toàn tỉnh Hà Đông có 136 ngành nghề thủ công với nhiều sản phẩm nổi tiếng, nhất là ngành tơ lụa, khảm trai, thêu ren. Trong đó, những đồ dùng bằng đồi mồi, đồ gỗ và nhất là the lụa và hàng thêu của Hà Đông được tất cả người sành ưa chuộng.

Sau khi có được thông tin, ông tiến hành khôi phục và chấn hưng các làng nghề thủ công trên toàn tỉnh Hà Đông, bắt đầu bằng việc khôi phục các làng nghề “the La, lụa Vạn, chồi Phùng” đã nổi tiếng trước đây. Trong đó, ông đặc biệt quan tâm phát triển làng nghề lụa Vạn Phúc trở thành một mô hình mẫu về kinh tế làng nghề thủ công. Để đào tạo những thợ thủ công có trình độ chuyên môn cao, ông mở các trường công nghệ tại Thượng Cát (Từ Liêm), Phương Trung và Hữu Từ (Thanh Oai) để dạy nghề truyền thống cho người làng. 

Không dừng lại ở đó, Hoàng Trọng Phu còn mời nghệ nhân điêu khắc gỗ Nguyễn Văn Đông ở làng Hiền Nhân, phủ Thường Tín về làm hiệu trưởng đầu tiên của Trường Bách nghệ (ngày nay là Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội), rồi thành lập Hội Tiểu canh nông công nghệ Hà Đông. Để mở mang thêm ngành nghề và nhất là nâng cao chất lượng sản phẩm, ông còn chọn các nghệ nhân đưa sang Trung Quốc học nghề lụa tơ tằm, sang Nhật Bản học sơn mài, nghề mộc, nghề bạc. Ngoài ra, ông còn mở bảo tàng mỹ nghệ cho các nghệ nhân ở La Cả, La Khê để tôn vinh và quảng bá sản phẩm.

-6259-1662964991.jpg

Nghề dệt lụa ở Bắc kỳ xưa

Tờ Thực nghiệp dân báo đã dành nhiều lời ca ngợi sự phát triển thịnh vượng của nghề thủ công Hà Đông như sau: “Chính ở tỉnh lỵ Hà Đông có mở mấy xưởng để dạy làm các công nghệ, như là xưởng dệt gấm hoa, thời dùng thợ Vạn Phúc để dệt ra mặt gối mặt đệm, kẻ hoa tuyệt khéo, tiêu thụ rất nhiều. Xưởng làm đồ bạc, đồ thiếc thời chế ra các thứ khay hộp... Những công xưởng ấy mở ra mới được vài năm nay, mà chế ra cũng được nhiều đồ khéo, nghe lại phái thợ ra Trường Bách công để học thêm các kỹ nghệ”.

Khi các làng nghề ngày càng phát triển, sản phẩm ngày càng nhiều, chất lượng tốt, đời sống của người dân ngày càng khấm khá, Hoàng Trọng Phu quyết định quảng bá các sản phẩm thủ công Hà Đông ra thế giới. Ông cử các phái đoàn mang sản phẩm thủ công (the, lụa, mây tre đan) tham dự các triển lãm tại thủ đô Paris (Pháp). Đặc biệt, lụa Vạn Phúc được giới thiệu lần đầu tiên tại các hội chợ Marseille (năm 1931) và Paris (năm 1932), rất được người Pháp đánh giá là loại sản phẩm tinh xảo của vùng Đông Dương thuộc Pháp. Bản thân ông cũng nhiều lần chu cấp tiền cho người Vạn Phúc mang lụa đi tham dự triển lãm ở Paris.

Danh tiếng lụa Vạn Phúc ngày càng tăng với số lượng người đến Vạn Phúc học nghề ngày càng nhiều. Đến năm 1958, lụa Vạn Phúc đã được xuất sang những nước Đông Âu và cho đến nay đã được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng.

Về sau, để đảm bảo các nghề thủ công ở Hà Đông tiếp tục phát triển, năm 1941, ông đã tiến cử con rể Hồ Đắc Điềm lúc đó đang làm Án sát tỉnh Bắc Ninh về làm Tổng đốc Hà Đông với triều đình Huế. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nhân Hoàng Trọng Phu: Người khôi phục và đưa thương hiệu thủ công Việt Nam ra thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO