Doanh nhân Đỗ Chu Đạt: 6 năm và 100.000 ha rừng

25/06/2009 01:36

Sinh năm 1972, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân và Thạc sĩ khoa học ngành Kinh tế và Kinh doanh quốc tế tại đại học Groningen (Hà Lan) nhưng Đỗ Chu Đạt lại chọn con đường trồng rừng để lập nghiệp.

Doanh nhân Đỗ Chu Đạt: 6 năm và 100.000 ha rừng

Sinh năm 1972, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân và Thạc sĩ khoa học ngành Kinh tế và Kinh doanh quốc tế tại đại học Groningen (Hà Lan) nhưng Đỗ Chu Đạt lại chọn con đường trồng rừng để lập nghiệp. 

Sau 3 năm thành lập doanh nghiệp và bắt tay vào trồng rừng, tổng diện tích các dự án đã lên tới cả trăm nghìn hecta với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 2.000 tỷ đồng. Một loạt dự án xây dựng nhà máy chế biến gỗ cũng đang được gấp rút triển khai. Chỉ trong vòng 3 năm nữa công ty D&G do Đạt làm tổng giám đốc sẽ cung ứng cho ngành chế biến gỗ trong nước khoảng 750 nghìn đến 1 triệu m³ gỗ mỗi năm. Mô hình của D&G sẽ giúp giảm thiểu nhập khẩu gỗ và tạo thu nhập cho hàng vạn nông dân từ trồng rừng.

Sinh năm 1972, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Kinh tế quốc dân và Thạc sĩ khoa học ngành Kinh tế và Kinh doanh quốc tế tại đại học Groningen (Hà Lan) nhưng Đỗ Chu Đạt lại chọn con đường trồng rừng để lập nghiệp.

Sinh năm 1972 nhưng Đỗ Chu Đạt nhìn trẻ hơn tuổi có lẽ do anh có nụ cười lúc nào cũng tươi rói và sảng khoái. Buổi gặp gỡ của chúng tôi diễn ra trong phòng làm việc của anh tại văn phòng trên đường Đào Tấn. Căn phòng nhỏ bộn bề những sách vở và bản vẽ dự án. Nhìn đống bản vẽ, cái nào cũng đầy dấu đỏ, cái ít nhất thì cũng tới 10, có cái trên 20 con dấu đóng chi chít mới thấy tốc độ làm việc và triển khai dự án ở D&G quả là thần tốc. Đỗ Chu Đạt ngừng điện thoại và thông báo với chúng tôi, UBND tỉnh Lai Châu và Sơn La đã chấp thuận dự án của anh.

Như vậy, Đạt đã triển khai dự án tại 8 tỉnh với tổng số diện tích lên tới 100 nghìn hecta và đã phủ kín 10% diện tích nói trên. Một con số đáng nể bởi ngay cả Tcty Lâm nghiệp Việt Nam, sau khi thành lập từ năm 1996 tới nay cũng mới trồng được trên dưới 60 nghìn hecta rừng.

Câu chuyện Đỗ Chu Đạt đến với nghiệp trồng rừng cũng là một sự ngẫu nhiên thú vị. Trước năm 2001 Đạt thành lập công ty Việt Đức và hoạt động trong lĩnh vực cung ứng dầu cho tàu biển. Một ngành kinh doanh nghe thì hoành tráng nhưng dầu thì cứ xuất đi, tàu cứ chạy và càng xuất, càng chạy thì khách hàng nợ càng dày. Sự thể khiến anh phải chuyến hướng kinh doanh và lúc đó anh đã chọn con đường về với rừng.

Lúc đầu doanh nghiệp của Đạt chỉ đơn thuần làm công việc mua gỗ rừng trồng của nông dân rồi xuất khẩu cho nước ngoài làm nguyên liệu giấy. Tuy nhiên mặc dù chương trình giao đất, giao rừng và trồng rừng đã được triển khai từ lâu song rừng trồng thì manh mún, nông dân không đủ tiền đầu tư nên chất lượng gỗ lại thấp, giá cả bấp bênh, nay lên mai xuống khiến công việc kinh doanh ngày càng bế tắc.

Trong chính bối cảnh khó khăn đó, Đỗ Chu Đạt đã quyết định phải tìm cách đầu tư trồng rừng để có thể phát triển bền vững. Năm 2005 anh thành lập công ty D&G và tới nay chỉ sau 3 năm, D&G đã triển khai các dự án trồng rừng của mình tại 8 tỉnh phía Bắc suốt từ Quảng Ninh tới Hoà Bình, Bắc Cạn, Sơn La, Lai Châu...

- Được đào tạo ngành Vật lý, ngành Ngân hàng và Thị trường tài chính rồi lại Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế tại Hà Lan, toàn ngành thời thượng sao anh lại mang cả đống bằng đó "lên rừng" và xem ra các ngành ấy cũng không liên quan nhiều lắm tới rừng?

Tôi tốt nghiệp đại học năm 1994 và về làm việc tại Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương. Trong quá trình đó cũng như quá trình nghiên cứu học tập sau này và những thực tế kinh doanh đã giúp tôi nhận ra một điều đó là Việt Nam có nhiều đất cho trồng rừng nhưng chưa trồng được bao nhiêu, Việt Nam cũng là nước xuất khẩu gỗ lớn, hiện có tới 2.000 doanh nghiệp chế biến gỗ song chúng ta xuất khẩu được hơn 2 tỷ USD thì gỗ nhập khẩu đã mất 1 tỷ USD.

Như vậy bài toán kinh tế của ngành chế biến gỗ cho thấy hiệu quả rất thấp và không bền vững. Mỗi năm Việt Nam hiện phải nhập khẩu tới 3 triệu m³ gỗ, chiếm tới trên 80% nguyên liệu cho sản xuất vì vậy đây là một thị trường rất lớn và cần nhiều nguồn lực cho đầu tư. Đó là lý do tại sao tôi không chọn các ngành "thời thượng" mà lại quyết định "lên rừng".

Đặc biệt, cuối năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy định về cơ chế, chính sách tài chính đối với các dự án đầu tư theo cơ chế sạch (CDM) trong đó có trồng rừng để tăng khả năng hấp thụ, giảm phát thải khí nhà kính. Như vậy công ty D&G nói riêng và các doanh nghiệp đầu tư trồng rừng tại Việt Nam có thể được cấp chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính và có thể chuyển nhượng cho các nhà sản xuất trên thế giới để thu tiền về cho quốc gia.

- 3 năm, làm thế nào mà D&G có thể triển khai được nhiều dự án như vậy và lại còn trồng được cả chục nghìn hecta rừng trong khi có quá nhiều cửa, nhiều dấu mà chỉ nhìn qua các bản vẽ dự án cũng đã thấy quá nhiều, quá phức tạp?

Đúng là có rất nhiều khó khăn và cũng rất nhiều công việc phải làm. Trồng rừng mang tính thời vụ rất cao, không ít dự án kéo dài do thủ tục, đến thời vụ trồng mà thủ tục vẫn không xong. Chỉ chậm ít ngày là doanh nghiệp mất cả năm vì phải đợi tới vụ trồng năm sau. Nếu đường thông hè thoáng, chắc chắn chúng tôi còn trồng được nhiều rừng hơn bây giờ.

- Nhiều doanh nghiệp trồng rừng cho biết, không ít hộ dân được giao rừng nhưng còn chưa biết rừng của mình ở đâu. Công ty D&G có gặp trường hợp đó không?

Chuyện đó cũng không hiếm, khi các doanh nghiệp đầu tư vào thì mắc vì đất đó đã giao cho dân. Nhiều trường hợp phải thương lượng và đền bù rất nhiều, không ít doanh nghiệp phải bó tay vì đền xong thì không còn tiền để tiếp tục đầu tư. Chưa kể các diện tích giao cho dân trồng cũng rất manh mún không thể áp dụng khoa học kỹ thuật vào làm được.

- Vậy giải quyết thế nào, đây có phải bí mật của công ty không?

Hiện nay 30% diện tích mà công ty D&G đang trồng rừng là đất chúng tôi hợp tác với người dân để cùng làm, tức là đất trước đó đã giao cho các hộ dân. 70% diện tích là đất mà dân không nhận và là đất trống, đồi núi trọc. Nhìn chung không có gì là bí mật, chúng tôi cố gắn để cân bằng lợi ích của cả 3 bên, người dân, doanh nghiệp và cộng đồng. Đối với các diện tích dân đã được giao, công ty bỏ vốn đầu tư và người dân được hưởng 40% giá trị khi khai thác.

Đối với diện tích công ty được thuê mới, người dân tham gia chăm sóc, bảo vệ sẽ được hưởng 20%, công ty cũng dành 3% cho xã và 2% cho huyện sở tại để làm kinh phí quản lý. Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về Luật môi trường, qua đó phổ biến kiến thức trồng, bảo vệ rừng tới nông dân. Mỗi cuộc thi tại mỗi huyện công ty phải bỏ ra khoảng 50 triệu đồng, song kết quả thu được rất lớn và huyện nào cũng coi đó là ngày hội với cả nghìn người tham gia.

- Với diện tích 100 nghìn hecta mà công ty D&G dự kiến sẽ phủ xanh, chưa kể tới hệ thống các nhà máy chế biến gỗ, số vốn đầu tư tới hơn 2.000 tỷ đồng xem ra là một con số không nhỏ, D&G đã và sẽ huy động vốn như thế nào?

Chúng tôi đang chuẩn bị xây dựng 1 nhà máy chế biến gỗ tại Tam Nông (Phú Thọ), nhà máy thứ 2 tại Cao Phong (Hoà Bình). Mỗi nhà máy có vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng, và có công suất 100.000 m³ gỗ ép MDF mỗi năm. Chúng tôi cũng vừa thoả thuận với Hiệp hội các nhà đầu tư Astralia về việc đầu tư nhà máy sản xuất bột giấy tại Quảng Ninh. Hiệp hội này đang có 5 nhà máy tại Canada và 1 nhà máy tại Astralia. Nhà máy tại Việt Nam có tổng vốn đầu tư 1,1 tỷ USD, công suất 750 nghìn tấn bột giấy/năm và có công nghệ sạch khác hẳn với công nghệ sản xuất hiện nay. Tôi nghĩ vốn đầu tư sẽ không phải vấn đề quá lớn nếu chúng ta chứng minh được đó là hướng đầu tư hiệu quả.

- Trong thực tế, không ít các dự án đầu tư chế biến gỗ, nhất là trong chế biến gỗ ép MDF không hiệu quả thì công ty D&G lại đầu tư mạnh vào sản xuất MDF. Có điều gì đặc biệt trong cách làm này không?

Đúng là đã có nhiều dự án sản xuất MDF không thành công. Trong khi Việt Nam vẫn nhập khẩu ván ép thì không ít doanh nghiệp sản xuất ván ép trong nước lại làm ăn không mấy hiệu quả vì các doanh nghiệp này không được đầu tư một cách bài bản. Như đã nói trên, giá gỗ nguyên liệu thì rất thất thường và chất lượng cũng như khả năng cung ứng luôn biến động.

Trong khi đó ở nhiều nước quanh chúng ta, họ triển khai trồng rừng và chế biến gỗ rất bài bản. Đối với chúng tôi, trong vòng 3 năm tới khi chúng tôi trồng xong 100 nghìn ha rừng và các cánh rừng đã trồng từ năm 2005 bắt đầu được khai thác, lượng nguyên liệu lớn, ổn định đó sẽ giúp các nhà máy do công ty D&G khắc phục toàn bộ những khiếm khuyết hiện nay trong đầu tư mà không ít doanh nghiệp chế biến gỗ đang gặp phải. Chính vì vậy hiệu quả của các dự án chúng tôi đầu tư chắc chắn sẽ rất hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nhân Đỗ Chu Đạt: 6 năm và 100.000 ha rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO