Chỉ có cách ứng dụng công nghệ đột phá

KIM HOA| 09/10/2009 04:11

Tôi đã gặp được cơ hội tốt để thực hiện hoài bão xây dựng một ngân hàng có nền tảng tốt và có điểm xuất phát đúng ngay từ đầu, nên đã chấp nhận gây dựng lại từ số 0..."

Chỉ có cách ứng dụng công nghệ đột phá

Tốt nghiệp tại một trường đại học Úc danh tiếng, tiếp tục tu nghiệp tại Singapore và hiện là một trong những tổng giám đốc trẻ nhất của ngành ngân hàng - tài chính trong nước, Đào Trọng Khanh sau hai năm rưỡi gắn bó và đã góp sức làm nên thương hiệu TienphongBank (TPB)... Anh cho biết:

- Sau một năm ra đời, TPB vẫn là một tên tuổi mới, còn vô vàn những việc chưa làm và phải làm để trở thành một thương hiệu đủ sức hấp dẫn trên thị trường. Phải nói rằng, chúng tôi đã gặp được nhiều may mắn, đặc biệt là việc học được các ngân hàng bạn, cả những điều tốt và chưa tốt, để tiết kiệm thời gian và bước đi.

* Với những khách hàng chưa từng chọn TPB, có thể “lôi kéo” họ về bằng cách nào?

- Những tiện ích. Ví dụ, xây dựng kênh điện tử cho các công ty chứng khoán, một mặt nhằm giúp khách hàng quản lý tiền trong tài khoản, mặt khác cũng vì lợi ích của DN. Người Việt mình rất ưa thích công nghệ, thích sự thay đổi nhanh của công nghệ. Họ sẵn sàng trả tiền cho những tiện ích (dẫn chứng là tần suất thay đổi điện thoại di động). Đó là một tính cách rất đặc thù của khách hàng chúng tôi. Hiện TPB đặt mục tiêu xây dựng cơ sở khách hàng cá nhân (có thể cả triệu khách hàng) trong những năm tới.

* Việc chinh phục khách hàng nội bộ có dễ không, thưa anh, trong khi còn phải dồn sức “đục thủng” những lá chắn thị trường từ bên ngoài?

Tháng 12 năm ngoái, TienphongBank đã được nhận chứng chỉ ISO 9001:2000. Tháng 8/2009, vốn điều lệ của TPB đạt 1.250 tỷ đồng, dự kiến tới cuối 2009 đạt 1.750 tỷ đồng và tăng ít nhất 3.000 tỷ đồng vào cuối 2010.

- Gọi đúng hơn là khách hàng “người nhà”, như cán bộ - công nhân viên của các cổ đông lớn của TPB là FPT. Một sự thật là khách hàng nội bộ của chúng tôi có thể nói là khó nhất mà tôi đã gặp trong quá trình làm nghề. Nhưng đó cũng là môi trường làm việc có văn hóa, thẳng thắn, rõ ràng. Nếu TPB phục vụ không tốt, họ sẵn sàng chọn ngân hàng khác. Do đó, chúng tôi phải bắt đầu trước hết bằng sản phẩm, sau đó mới đến việc khai thác cổ đông là hàng nghìn khách hàng DN, hàng triệu khách hàng cá nhân. Muốn vậy, sản phẩm phải thật khác biệt - khác biệt bắt đầu từ việc ứng dụng công nghệ điện tử.

Chẳng hạn, tháng 10/2008, chỉ sau bốn tháng triển khai hoạt động, hệ thống Internet Banking (IB) ra đời. Khách hàng sử dụng IB tiết kiệm được 20% chi phí so với giao dịch truyền thống, lại giản đơn và có hiệu quả hơn nhiều. Tháng 6 vừa rồi, chúng tôi đưa dịch vụ Mobile Banking vào hệ thống để truy vấn thông tin, chuyển khoản nội bộ, thanh toán cước ADSL, nạp tiền điện thoại di động trả trước... Chúng tôi xác định sứ mệnh của mình là phải đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và các giải pháp công nghệ trong hoạt động ngân hàng.

* Tháng 7-8/2008, các DN và ngân hàng gặp khó khăn thì TPB ... thừa tiền?

- Nếu lúc đó mà ham lợi nhuận, chắc chắn sẽ gặp rủi ro. Có người gặp tôi còn trêu “Vừa thò đầu ra đã gặp gió!”. Mà là gió to ấy chứ. Gió to cho mình cơ hội học cách vững tay chèo. Vấn đề của TPB lúc “gió to” ấy là sẵn tiền trong túi, và có những cơ hội có thể chớp lấy để thử sức, làm sao tiêu được đồng tiền tốt nhất.

* Vậy, đâu là “chìa khóa” để mở ra những cánh cửa còn đóng kín?

- Là sự đột phá về công nghệ mà chúng tôi đã nhắm tới từ đầu. Nhưng hơn ai hết, chúng tôi hiểu rằng, giải pháp cải tiến công nghệ có hoành tráng đến mấy, bỏ vài triệu đô là có thể mua được, nhưng làm thế nào để biến nó thành giá trị mang lại cho khách hàng, cho cổ đông, thì phải phụ thuộc vào con người, là những cộng sự của tôi.

* Từ bỏ vị trí làm việc tốt tại một ngân hàng nước ngoài để “chọn việc khó”, có lúc nào anh “nghĩ lại”?

- Tôi đã gặp được cơ hội tốt để thực hiện hoài bão xây dựng một ngân hàng có nền tảng tốt và có điểm xuất phát đúng ngay từ đầu, nên đã chấp nhận gây dựng lại từ số 0.

* Nhìn lại mục tiêu “Sau 5 năm trở thành một trong 10 ngân hàng top tại VN”..., anh và đồng nghiệp có thấy mình quá táo bạo?

- Chúng tôi nghĩ rằng, tính linh hoạt của một tổ chức, một DN rất quan trọng, như việc xác định đâu là lợi thế của mình với cơ cấu cổ đông mạnh như FPT, MobiFone, Vinare... và đưa ra định hướng cung cấp tất cả các dịch vụ tiện ích cho công dân điện tử. Việc giảm thiểu chi phí, tăng mức thuận tiện của dịch vụ bằng ứng dụng công nghệ thông tin, nếu triển khai hiệu quả, sẽ rút ngắn thời gian vươn lên vị trí đứng đầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chỉ có cách ứng dụng công nghệ đột phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO