Bùi Kiến Thành - vị doanh nhân "đi xuyên" qua nhiều chế độ

Phan Thế Hải| 01/05/2020 00:52

Ngày nghỉ lễ ba mươi tháng tư, tản bộ ven hồ Trúc Bạch, tôi gặp ông Bùi Kiến Thành - một doanh nhân đáng kính, một học giả uyên bác. Hơn thế, ông là một trong số không nhiều doanh nhân từng sống dưới nhiều chế độ và có cơ hội chứng kiến những biến động dữ dội của lịch sử.

Bùi Kiến Thành - vị doanh nhân

Từng làm thư ký Tổng thống chế độ cũ

Vốn là người quen lâu năm, chúng tôi đã nói chuyện cởi mở về ngày đại lễ mừng đất nước thống nhất. Đã vài chục năm giao lưu với Bùi Kiến Thành, nhưng trăn trở mãi, tôi vẫn chưa biết gọi ông với danh xưng gì để xứng với cái tâm của một doanh nhân, hơn thế là tầm vóc của một chuyên gia kinh tế giỏi. Là một phóng viên kinh tế, vấn đề mà tôi quan tâm nhất là những chuyên gia kinh tế có chính kiến, có tầm nhìn xa trông rộng trong bao biến cố của lịch sử, cùng với đó là cái tâm, cái khát vọng vì sự phồn vinh của đất nước. 

Với hàng trăm người đã gặp gỡ, phỏng vấn, đọng lại sâu sắc trong tôi chỉ có dăm người, trong đó có Bùi Kiến Thành và Nguyễn Trần Bạt. Hai ông không chỉ là những học giả uyên bác, hơn thế, còn là những doanh nhân thành đạt mang tri thức cống hiến cho đời, như cách nói của ông Nguyễn Trần Bạt: “Đóng gói trí khôn bán lấy tiền”.

Cùng ngồi trên ghế đá hướng ra hồ, tôi hỏi ông Bùi Kiến Thành: “Bác từng là thư ký cho ông Ngô Đình Diệm, lưu lạc nhiều năm ở nước ngoài, sống qua nhiều chế độ, cảm giác của bác thế nào về ngày giang sơn thu về một mối?”. Ông Thành trầm ngâm: “Mỗi năm đến dịp này, những hình ảnh ngày cuối cùng của chiến tranh tràn về trong tâm trí tôi. Hàng đoàn người gồng gánh bế bồng chạy loạn trên khắp các nẻo đường miền Nam, hàng nghìn người chen lấn nhau tìm đường di tản, hàng trăm xác chết trên một chuyến tàu từ Đà Nẵng vào Sài Gòn, không biết bao nhiêu là giày và quân phục của quân đội Cộng hoà bỏ lại trên đường và bãi biển. Rồi xe tăng cắm cờ Mặt trận Giải phóng húc đổ cổng Dinh Độc Lập. Hàng vạn người Sài Gòn đổ ra đường mừng ngày đại thắng”.

Nhớ lại thời còn làm Tổng giám đốc VietNamNet IC, văn phòng tôi ở 57 Láng Hạ, Hà Nội, cùng tòa nhà với ông. Hồi đó, Bùi Kiến Thành đã ngoài tuổi 70 nhưng ông vẫn là Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH Bukita Việt Nam. Công ty ông hoạt động trong lĩnh vực tư vấn pháp lý và xúc tiến đầu tư, là chỗ lui tới thường xuyên của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Qua Công ty Bukita, ông đã đưa nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tham gia đầu tư vào nhiều dự án lớn ở Đình Vũ - Hải phòng, Vân Phong - Khánh Hòa... và đặc biệt là nhiều dự án liên doanh tới ngành dầu khí Việt Nam.

Thi thoảng gặp ông ở hành lang, tôi tranh thủ tham vấn ông một số vấn đề về kinh doanh mà chúng tôi đang theo đuổi, chủ yếu là về tài chính và bất động sản. Mỗi lần nói chuyện với ông, những tri thức mà ông chia sẻ khiến tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ông uyên bác nhiều lĩnh vực, không chỉ kinh viện mà còn cả đời sống thương trường. 

Ông cũng là người có tầm nhìn xa, đánh giá đúng những triển vọng của những vùng đất từ khi nó còn hoang vu, chưa ai để mắt tới. Mấy chục năm về trước, ông đã nhìn thấy vai trò của Chu Lai với một tổ hợp khu công nghiệp, cảng biển nước sâu và sân bay để rồi mấy chục năm sau, Chu Lai trở thành động lực phát triển cho tỉnh Quảng Nam, của cả miền Trung.

Bu-i-Kie-n-Tha-nh-sa-ch-8477-1588304814.

Tự truyện của ông Bùi Kiến Thành 

Bùi Kiến Thành sinh năm 1931 ở Quảng Nam, ông nội là nhà khẩn hoang Bùi Biên và là điền chủ ở Trung Phước, Quế Sơn. Bùi Kiến Thành là con cả của bác sĩ Bùi Kiến Tín, một doanh nhân - nhân sĩ uy tín ở Sài Gòn trước năm 1975. 

Bùi Kiến Thành không theo nghề bố mà theo học tài chính - ngân hàng. Ông là một trong số ít người Việt Nam đầu tiên được đào tạo bài bản về tài chính tại Mỹ. Ông nhớ lại: “Ngày 8 tháng 5 năm 1954, tôi là sinh viên tại Đại học Columbia ở New York, khi nghe đài truyền hình Mỹ loan tin quân Pháp đầu hàng tại Điện Biên Phủ, tôi cùng các bạn vô cùng phấn khởi, rủ nhau mua nước ngọt về ký túc xá ăn mừng! Niềm tự hào dâng lên không sao kể xiết. Ngày 30 tháng 4 năm 1975 tôi đang kinh doanh tại Pháp, cũng vui mừng không kém”.

Năm 1954, ở tuổi 23, Bùi Kiến Thành được mời về nước làm việc cho Thủ tướng Ngô Đình Diệm và cố vấn Ngô Đình Nhu. Năm 1956, ông trở lại Hoa Kì học nâng cao và thành lập Văn phòng Đại diện Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. 

Ông là người trẻ tuổi nhất trong hơn 60 đại diện ngân hàng trung ương của các nước tại Mỹ lúc bấy giờ. Rời nước Mỹ, quay về Sài Gòn, ông thôi làm việc cho chính phủ, ra ngoài làm kinh tế và trở thành một trong những doanh nhân có ảnh hưởng nhất tại miền Nam Việt Nam khi đó. Ông được mời làm Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Công ty Bảo hiểm Quốc tế AIU, tiền thân của AIG. 

Những mâu thuẫn trong nội bộ của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa kéo dài và ngày càng sâu sắc khiến quyền lực của Tổng thống Diệm bị lung lay. Đỉnh điểm của những mâu thuẫn đó là cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm do các tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa thực hiện với sự làm ngơ của Hoa Kỳ vào ngày 1/11/1963. Quân đảo chính đã giết chết Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu.

Kết thúc cuộc đảo chính đó, những người thân tín của ông Diệm bị liên lụy. Bùi Kiến Thành bị bắt nhốt gần hai năm. Rồi ông cũng có cơ hội trốn thoát và vượt biên. Ông Thành kể: “Tôi ra đi năm 1965, nấp mình dưới khoang một tàu viễn dương, lênh đênh như một “thuyền nhân” rời xa quê hương vì không chấp nhận những lý do và hoàn cảnh của chiến tranh. Hình ảnh loạn ly, chết chóc triền miên từ sau năm 1954 đã làm tôi đau xót khôn cùng”.

Thành đạt trên đất Pháp, nhưng trở về gắn bó với Việt Nam

Sau nhiều tháng lênh đênh trên biển, phiêu bạt qua nhiều nơi rồi ông cũng tới được Paris định cư, làm đủ nghề để mưu sinh rồi trở thành một doanh nhân đầu tư bất động sản tại miền Nam nước Pháp. Doanh nghiệp của ông có ảnh hưởng rất lớn trong cộng đồng người Việt tại Pháp.

Bu-i-Kie-n-Tha-nh-be-n-ngu-o-i-6151-4420

Ông Bùi Kiến Thành với các cháu nội, ngoại  

Đầu thập niên 1980, thông qua đại sứ quán tại Pháp, Bùi Kiến Thành được Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam liên hệ mời tư vấn cho tiến trình đổi mới nền kinh tế đất nước. Năm 1991, ông trở về Việt Nam tham gia các chương trình nghiên cứu chính sách kinh tế và chính thức sinh sống tại quê nhà từ năm 1993. 

Bằng tri thức, uy tín và các mối quan hệ, ông cũng đã góp công trong tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ và đề xuất cũng như tham gia rất nhiều chương trình kinh tế chiến lược. 

Ông từng tham gia tư vấn về nhiều chính sách kinh tế - xã hội cho Chính Phủ Việt Nam qua ba đời thủ tướng là Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng. Điều ngạc nhiên là dù khác nhau về ý thức hệ, về phương pháp luận nhưng Bùi Kiến Thành luôn đưa ra được giải pháp để những người cầm quyền có thể chấp nhận và vận dụng một cách có hiệu quả, đưa nền kinh tế Việt Nam thoát khỏi những khúc cua một cách ngoạn mục.

Với một nền kinh tế chuyển đổi, có vô vàn những vấn đề phải xử lý, trong mỗi vấn đề đó, bằng tri thức và kinh nghiệm, Bùi Kiến Thành đều có những giải pháp thông minh, sắc sảo. Nhiều giải pháp của ông đã được áp dụng thành công, có giải pháp áp dụng nửa vời và không thành công như mong muốn, cũng có những giải pháp do không vượt qua được rào cản về ý thức hệ nên đành gác lại.

Gần ba chục năm được mời tham vấn về các chính sách cho Nhà nước, đã đưa ra nhiều ý kiến và giải pháp xuất sắc về lĩnh vực kinh tế - tài chính, tháo gỡ những khó khăn cho đất nước, mang lại những hiệu quả to lớn khó có thể đo đếm được bằng tiền, nhưng Bùi Kiến Thành không mấy khi nhắc đến những công lao đó.

Giờ đây, ở độ tuổi U90, con cháu đều rất thành đạt và định cư ở nước ngoài nhưng ông vẫn chọn Việt Nam để sống. Tôi hỏi ông: “Là một trong số những người hiếm hoi sống qua nhiều chế độ, bây giờ bác nghĩ gì?”. Ông trầm ngâm trả lời tôi mà như tự hỏi: “Ba chục năm chiến tranh, tiếp theo là 10 năm bao cấp, và tiếp theo là 20 năm đổi mới để học hỏi các phương thức hội nhập với nền kinh tế thị trường và hoà đồng cùng với các chế độ dân chủ, tự do, ta đã học được những gì? Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa mới. Nhân ngày 30 tháng 4, người Việt chúng ta, bất kỳ ở nơi nào, cũng nên kiểm điểm lại những cơ hội đã bỏ lỡ, những quyết định sai lầm, và rút kinh nghiệm để phát huy đến đỉnh cao nhất nền độc lập, tự do, dân chủ, để đồng bào ta trong nước và khắp nơi trên thế giới luôn đoàn tụ dưới một mái nhà chung, tôn vinh tổ tiên, động viên con cháu, vui vầy hạnh phúc...”.

Lịch sử không bao giờ dừng lại, chúng ta không thể quay ngược bánh xe lịch sử nhưng suy ngẫm về nó một cách cẩn trọng để khỏi lặp lại những sai lầm của quá khứ là điều rất cần thiết. Đó cũng là tâm niệm của Bùi Kiến Thành, một doanh nhân, một tri thức gắn với vận mệnh của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bùi Kiến Thành - vị doanh nhân "đi xuyên" qua nhiều chế độ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO