Trần Đức Huy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp Vĩnh Tường, là đại diện cho những doanh nhân thành công sớm với các giải thưởng Doanh nhân trẻ tiêu biểu và Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu.
Đọc E-paper
Từ vị trí nhân viên đại diện, chỉ sau năm năm, anh đã được bổ nhiệm làm giám đốc đại diện sân bay của Hãng hàng không Cathay Pacific tại TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam. Trên cương vị mới, anh đưa Cathay Pacific TP.HCM lên vị trí đứng đầu trên bảng xếp hạng Cathay Pacific toàn cầu. Về Công ty cổ phần Công nghiệp Vĩnh Tường năm 2006 với vị trí Giám đốc điều hành, Hai năm sau, anh đã được đề bạt làm tổng giám đốc.
Trần Đức Huy đã góp phần đưa doanh nghiệp này trở thành công ty cung cấp giải pháp trần và tường thạch cao hàng đầu tại Việt Nam, chiếm thị phần lớn nhất ở thị trường trong nước. Buổi trò chuyện với anh bắt đầu từ câu hỏi: “Động lực nào để anh không ngừng phấn đấu trong nghề nghiệp?”. Anh cho biết:
Động lực thành công của nhiều doanh nhân thông thường xuất phát từ hoàn cảnh khó khăn tạo ra khát khao làm giàu mạnh mẽ. Tôi lại không có động lực đó. Là con út trong một gia đình khá giả, được cha mẹ cưng chiều, thời đi học tôi thường ở trong nhóm giỏi toán của lớp nhưng cũng là thành viên “quậy” nổi tiếng ở Trường Marie Curie (TP. Hồ Chí Minh). Thậm chí, ngày bạn bè hăm hở đi thi đại học, tôi khóc vì không muốn thi vào Trường Đại học Ngoại thương. Động lực của tôi chỉ đơn giản là muốn chứng tỏ mình.
Khi còn làm ở Hãng hàng không Cathay Pacific, trong một khóa đào tạo về hội nhập, tôi được nghe vị giám đốc chia sẻ: “Trước khi đến Việt Nam, tôi hình dung đây là một nước nghèo với những người nông dân lạc hậu. Đến đây, tôi rất ngạc nhiên khi được gặp nhiều người trẻ thông minh, năng động. Vì vậy, từ lúc này, sứ mệnh của các bạn không chỉ là làm tốt công việc của mình mà phải chứng tỏ là người Việt không thua kém thế giới”. Câu nói này đã ám ảnh tôi rất lâu sau đó, khiến tôi quyết tâm phải chứng tỏ mình trong bất cứ trường hợp nào. Sau này, tôi làm việc cho Vĩnh Tường cũng vì người đứng đầu doanh nghiệp này có cùng chí hướng với tôi. Công ty đang thực hiện chiến lược “Đứng trên vai người khổng lồ”, sáp nhập với Tập đoàn Saint-Gobain để chinh phục thị trường nước ngoài trong nay mai.
* Trên mạng xã hội mới đây lan truyền một bài viết “kể khổ” về nghề CEO. Theo anh thì giám đốc điều hành là nghề khổ hay sướng?
- Nghề CEO chịu trách nhiệm cho cuộc sống của nhiều người nên phải chịu áp lực lớn trong công việc, nhưng niềm vui có được cũng không nhỏ. Người giám đốc khi tạo ra được giá trị cho bản thân, cho nhân viên và cho xã hội thì niềm tự hào lẫn hạnh phúc đều rất lớn. Người bi quan thì chỉ nhìn thấy áp lực, người lạc quan sẽ nhìn thấy hạnh phúc lớn. Tôi đam mê công việc của mình nên thường làm việc hăng say. Tôi lại là người có tư duy tích cực nên thường nhìn thấy ở nghề CEO nhiều cơ hội tạo thành quả lớn hơn là cái khổ.
* Trong cuộc sống, anh có tư duy tích cực như trong công việc không?
- Trong cuộc sống thường ngày tôi cũng là một người lạc quan. Những người thân của tôi hay trêu là tôi ăn gì cũng khen ngon, gặp cái gì cũng khen đẹp. Tôi thấy đó là một sự may mắn. Người luôn nhìn thấy mặt tích cực dễ tìm thấy hạnh phúc. Xã hội có không ít người bi quan, họ cứ chăm chăm nhìn vào mặt trái, nét khiếm khuyết của mọi thứ. Tôi cảm thấy đáng tiếc vì họ khó mà tìm thấy hạnh phúc thực sự.
Tôi đọc thấy rằng tư duy tích cực ở mỗi người một phần do gien quy định, phần khác là do tự học hỏi. Người ham học thường tìm kiếm những cái hay, cái tốt từ cuộc sống để học nên tư duy cũng tích cực hơn.
* Ngoài tư duy tích cực thì thói quen nào tạo nên một vị giám đốc thảnh thơi như anh?Tranh: Hoàng Tường
- Có lẽ là nhờ tôi quản lý hiệu quả thời gian mỗi ngày. Thông thường, chúng ta thường sắp xếp công việc theo thứ tự ưu tiên là việc quan trọng và khẩn cấp, việc quan trọng nhưng không khẩn cấp, việc không quan trọng nhưng khẩn cấp, cuối cùng là việc không quan trọng và không khẩn cấp. Tôi lại nghĩ rằng phòng cháy vẫn hơn chữa cháy, nên chọn làm việc quan trọng và không khẩn cấp hằng ngày. Tôi học tập để nâng cao tri thức, tập thể dục để nâng cao sức khỏe, thiền định để giải tỏa stress.
Khi những việc quan trọng và không khẩn cấp này đã được hoạch định và giải quyết trước thì việc “chữa cháy”, “nước tới chân mới nhảy” rất ít khi xảy ra. Theo đó, hiệu quả công việc luôn ở mức cao, chúng ta làm việc chính xác hơn, thăng tiến nhanh hơn, mục tiêu được hoàn thành sớm hơn.
Mặt khác, tôi không ôm đồm trong công việc mà phân quyền, giao việc cho nhân viên một cách rõ ràng. Khá nhiều giám đốc hiện nay vẫn rất khổ vì chưa biết cách san sẻ công việc cho cấp dưới. Họ không chỉ lo chuyện sản xuất kinh doanh mà còn phải quán xuyến mọi thứ liên quan đến hoạt động của công ty.
Trước đây, tôi có một anh bạn là chủ một doanh nghiệp chuyên về sản phẩm nhựa. Một ngày nọ, tôi đến chơi thì thấy anh ấy đang hì hụi sửa một cái máy, lý do là “cái máy này rất quan trọng, phải tự sửa mới an tâm”. Sau khi trò chuyện, tôi mới biết chi phí thuê một người thợ sửa máy giỏi không quá mười triệu đồng một tháng, trong khi ông chủ có thể làm ra khoảng 200 triệu đồng mỗi tháng. Vậy tại sao ông chủ không chuyên tâm làm công việc của mình, tạo ra nhiều giá trị hơn mà phải mất thời gian làm một công việc mình không giỏi bằng anh thợ?
* Có lẽ vì người ta chưa đủ tin tưởng nhân viên để giao việc cho họ…
- Có thể giám đốc nghĩ mình sẽ làm tốt hơn nhân viên, nhưng tựu trung lại có hai điều: một là phải trao niềm tin trước, thứ hai là phương pháp trao quyền. Trao quyền là kỹ năng cần phải học chứ không thể tự có. Trong công ty tôi thường nhắc nhở cấp quản lý không được can thiệp vào công việc của nhân viên khi nhân viên chưa làm hết năng suất.
Thông thường, một nhân viên chỉ làm việc hết hơn một nửa năng suất của mình. Người quản lý phải “khơi dậy” phần năng suất tiềm tàng để có thể tạo ra kết quả tốt hơn. Nếu nhân viên mới làm nửa hiệu suất mà quản lý đã làm thay thì đã lãng phí một nửa năng suất của doanh nghiệp.
Quan trọng hơn nữa là ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc, làm tăng hiệu quả làm việc của con người. Số hóa các công cụ trong doanh nghiệp là một xu hướng tất yếu. Công nghệ thông tin phát triển rất nhanh, tạo ra nhiều công cụ giúp cho cuộc sống lẫn công việc của chúng ta nhẹ nhàng và dễ dàng hơn rất nhiều so với cách đây mấy chục năm. Thử tưởng tượng xem nếu một ngày chúng ta không có máy tính, điện thoại thông minh thì cuộc sống nặng nề đến thế nào…
* Anh đã biết cách trở thành một giám đốc thảnh thơi, vậy làm thế nào để nhân viên của anh cũng thảnh thơi?
- Muốn làm tốt công việc hẳn là không thể thảnh thơi, nhưng họ sẽ nhận được sự hỗ trợ nhiều từ công nghệ để làm việc hiệu quả và không phải “ôm” việc ngoài giờ. Chẳng hạn giảm thiểu giấy tờ bằng việc tự động hóa các quy trình công việc, nhân viên kinh doanh sử dụng máy tính bảng để tăng cường sự linh động và kiểm soát hoặc chúng tôi tạo không gian tương tác qua mạng với khách hàng để tăng chất lượng dịch vụ…
Một trong những khóa học quản lý tôi sẽ trực tiếp giảng dạy cho nhân viên sắp tới là về Tạo môi trường làm việc thông minh, hạnh phúc, học hỏi và phát triển. Chúng tôi đang cố gắng tạo ra một môi trường hạnh phúc cho nhân viên, nhưng để có được hạnh phúc thì mỗi người cần tự nhận thức và tận hưởng.
* Vì sao giám đốc lại phải quan tâm đến hạnh phúc của nhân viên, thưa anh?
- Vì nhân viên cảm thấy hạnh phúc thì sẽ chăm sóc khách hàng tốt hơn. Khách hàng hạnh phúc thì công ty sẽ phát triển hơn. Công ty phát triển thì sẽ chăm sóc nhân viên tốt hơn. Mỗi ngày, thời gian chúng ta ở công sở còn nhiều hơn thời gian ở nhà, nếu đi làm chỉ để kiếm tiền, không có niềm vui thì cuộc sống thật khổ. Nhiều người cho rằng cân bằng giữa công việc và cuộc sống nghĩa là dùng tiền để tận hưởng sung sướng bù đắp lại khoảng thời gian “cày” vất vả. Điều này không đúng, cân bằng nghĩa là chúng ta phải có cả niềm vui trong công việc, gia đình lẫn cuộc sống. Như thế thì mỗi sáng thứ Hai đến văn phòng, nhân viên không thấy mệt mỏi mà chỉ thấy hứng khởi và hạnh phúc.
* Theo anh, thế nào là hạnh phúc?
- Tôi quan niệm hạnh phúc có ba cấp độ. Hạnh phúc nhất thời và ngắn ngủi là khi chúng ta hài lòng về một điều gì đó như nhận một lời khen, được ăn một món ngon, mặc chiếc áo đẹp. Hạnh phúc lâu dài hơn là khi chúng ta làm việc có niềm đam mê, chẳng hạn như vẽ tranh hay nghề quản trị như tôi. Còn hạnh phúc lớn nhất là khi chúng ta làm những việc thực sự có ý nghĩa, tạo giá trị cho gia đình và xã hội.
Tôi từng đọc thấy câu chuyện về một tỉ phú người Mỹ cho biết ông có nhà, có xe, thậm chí có máy bay riêng nhưng vẫn không cảm thấy hạnh phúc. Đến khi theo đoàn trao tặng xe lăn cho trẻ tật nguyền ở châu Phi, nhìn đứa trẻ ngồi lên chiếc xe, quay lại cười và cảm ơn, ông mới cảm thấy một niềm hạnh phúc lớn lao mà trước đó ông chưa bao giờ có được.
Quả thật, khi làm được điều gì có ý nghĩa cho gia đình và xã hội, niềm hạnh phúc của chúng ta sẽ kéo dài hơn. Đó là lý do mà chúng tôi tổ chức chương trình “Mái ấm cho thợ thi công”, để nhân viên có cơ hội góp sức mình vào việc thiện nguyện. Hàng chục nhân viên của công ty tự nguyện đi đến các vùng sâu, vùng xa tìm hiểu về các hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ. Khi đến những ngôi nhà rách nát ở vùng đất mà phải đi ghe, xuồng mới vào tới nơi, họ sẽ cảm nhận được ý nghĩa của việc ủng hộ xây nhà từ thiện mà mình chung tay. Từ đó, nhân viên sẽ vừa cố gắng làm việc hiệu quả vừa nỗ lực để xây nhiều ngôi nhà mới cho người nghèo hơn.
Để nhân viên có niềm vui nho nhỏ mỗi ngày, chúng tôi tạo ra một bức tường cảm ơn gọi là Thank you Wall. Nhân viên trong công ty sẽ bày tỏ lòng biết ơn của mình đến người khác bằng cách viết lên bức tường này. Ngoài ra, mỗi thứ Sáu chúng tôi lại có một chương trình giao lưu giữa các phòng ban với tên gọi Happy Friday. Công ty sẽ có nguồn ngân sách để mỗi phòng ban tự lên ý tưởng cho hoạt động này mỗi tuần…
Nói chung, con người và văn hóa là hai yếu tố quan trọng của một doanh nghiệp. Ngày trước, khi tôi đề xuất “Làm hết sức, chơi hết mình” là một nét văn hóa của công ty, rất nhiều người “nhíu mày”. Tôi nói rằng đã là văn hóa thì phải khác biệt, đậm nét và thể hiện đúng bản sắc của con người và doanh nghiệp.
Tôi là người làm việc hết mình mà chơi cũng hết sức. Tôi thích chơi các trò chơi mạo hiểm, thể thao, lái môtô… Khi quyết định dành hai, ba ngày đi chơi thì tôi sẽ lên kế hoạch để tận dụng toàn bộ thời gian cho việc chơi. Tôi còn có kế hoạch cùng con trai leo đỉnh Everest BaseCamp trước năm con tôi 18 tuổi… Văn hóa là vậy, còn con người thì phải đảm bảo chất lượng cả trong công việc lẫn cuộc sống, được đo lường qua Thẻ điểm cân bằng (Balance Scorecard – BSC).
* Từ trước đến nay, chúng ta thường nghe ứng dụng BSC vào quản trị doanh nghiệp, còn ứng dụng BSC vào cuộc sống thì không nhiều người biết đến?
- Đúng vậy. Trong doanh nghiệp, BSC là một phương pháp quản trị hiện đại nhằm chuyển tầm nhìn và chiến lược của tổ chức thành những mục tiêu cụ thể, được định dạng với bốn yếu tố tài chính, khách hàng, quá trình kinh doanh nội tại và tăng trưởng. Còn trong cuộc sống, chúng ta cũng sẽ xây dựng những mục tiêu cuộc đời từ bốn yếu tố là tài chính sự nghiệp, gia đình bạn bè, sức khỏe và kiến thức.
Phần lớn những người trẻ thường chỉ chú ý đến hai yếu tố bên ngoài là tài chính sự nghiệp và các mối quan hệ gia đình, bạn bè mà “bỏ quên” hai yếu tố quan trọng bên trong là sức khỏe và kiến thức. Kiến thức mới đang được thế giới cập nhật mỗi ngày, nếu chúng ta không học thì chắc chắn sẽ lạc hậu rất nhanh. Doanh nhân lại càng phải cập nhật kiến thức mới, thông tin mới vì họ chính là con gà đẻ trứng vàng cho mỗi doanh nghiệp.
Cách đây nhiều năm, tôi đã lập một bảng kế hoạch chi tiết để có đủ thời gian cho bốn yếu tố này. Một, hai năm đầu tôi cố gắng thực hiện một cách nghiêm túc theo kế hoạch để tạo thói quen. Nay thì tôi đã sống theo BSC. Phương pháp này giúp kiểm soát cuộc sống rất tốt nhờ sự đi lên của sự nghiệp, các mối quan hệ gia đình, bạn bè và sức khỏe. Tôi cũng thấy hạnh phúc hơn vì không bị cô đơn và cảm thấy mình phát triển mỗi ngày.
Đến nay, tôi vẫn giữ thói quen dành thời gian cho mình vào mỗi buổi sáng. Tôi thức dậy từ 5 giờ sáng, dành khoảng 20 phút học kiến thức mới từ internet, thiền khoảng 20 phút và tập thể dục khoảng 30 phút. Nếu một ngày gặp nhiều chuyện không hài lòng ở nơi làm việc thì ít ra, tôi cũng đã làm điều hữu ích cho tâm trí, sức khỏe và tri thức của mình.
Thiền giúp tôi trở về hiện tại. Nhiều người hay trăn trở về quá khứ và lo lắng tương lai, đây là lý do khiến họ bị stress và không hạnh phúc. Quá khứ không thể thay đổi được, tương lai cũng không kiểm soát được, vì vậy thói quen thiền sẽ giúp chúng ta quan tâm đến hiện tại để nhận ra những giá trị mình đang có. Chúng ta sẽ cảm kích cuộc sống nhiều hơn và cảm thấy hạnh phúc dễ dàng hơn.
* Ít có doanh nhân trẻ nào quan tâm đến sức khỏe như anh. Có biến cố nào trong cuộc sống dẫn tới thói quen này không?
- Đó là nhờ khoảng thời gian tôi bị stress nặng vào năm 2008, khi mới được cất nhắc lên vị trí tổng giám đốc. Thời điểm đó, tôi hay đau đầu và không thể tập trung để làm việc. Về nhà, tôi đau bao tử và bị mất ngủ triền miên. Đỉnh điểm là một lần đi xem phim với vợ, tôi đau đầu đến mức không thể nhìn màn hình, phải ra khỏi rạp chiếu phim ngay lập tức. Khi gặp bác sĩ mới biết mình bị stress. Tôi quyết định không uống thuốc mà dành thời gian tìm hiểu về stress để tự chữa bệnh cho mình.
Hóa ra, stress là phản ứng tự nhiên được cài đặt trong gien, có lợi cho con người. Bản chất, stress là cơ chế giúp tổ tiên chúng ta sinh tồn trong môi trường “chống hoặc chạy” khi đối mặt với các hiểm họa thú dữ và môi trường thiên nhiên hàng ngàn năm trước. Stress ở mức độ vừa phải sẽ là động lực giúp chúng ta tiến bộ, phát triển.
Ngày nay, do áp lực từ cuộc sống, công việc quá nhiều tác nhân kích thích thường xuyên khiến stress vượt ngưỡng nên mới gây ra những ảnh hưởng không tốt cho cơ thể. Chúng ta có thể “kéo” stress về ngưỡng an toàn bằng cách tập yoga, thiền, dành thời gian đi chơi cùng gia đình, bạn bè… Tôi mất khoảng hai, ba tháng để vượt qua giai đoạn stress nặng đó.
Có lẽ một vụ tai nạn khi còn nhỏ khiến trí nhớ của tôi bị ảnh hưởng ít nhiều. Qua tuổi 35, tôi thấy trí nhớ mình giảm sút đáng kể. Tôi bắt đầu tìm hiểu về cách phòng bệnh sụt giảm trí nhớ bằng cách tập thể dục tối thiểu 30 phút mỗi ngày, thay đổi chế độ ăn uống, quản lý tốt stress, đảm bảo ngủ ít nhất bảy giờ mỗi ngày và duy trì tốt các mối giao tiếp xã hội. Ngoài ra, tôi còn tập thể dục cho não thông qua một ứng dụng trên điện thoại. Mỗi ngày chỉ cần dành thời gian cho não khoảng 15 phút nhưng có tác dụng cải thiện trí nhớ, tăng tốc độ xử lý của não cũng như tính linh hoạt, kỹ năng giải quyết vấn đề…
Bất cứ điều gì muốn tạo kết quả lớn và lâu dài thì đều cần tạo thói quen mỗi ngày. Chẳng hạn như để tăng tuổi thọ thì nên ăn một trái táo mỗi ngày, muốn có sức khỏe tốt thì phải tập thể dục hằng ngày. Để cải tiến bản thân cũng cần một quá trình vì bản chất con người dễ lười biếng. Những người trẻ rất cần phải học về kỹ năng tự cải tiến để luôn tự tin và tăng khả năng thích nghi. Cuộc sống hôm nay thay đổi liên tục, môi trường cũng không bền vững, chỉ có những thứ bên trong chúng ta mới bất biến.
Người có thể hòa hợp với xu thế mới thì luôn sẵn sàng buông bỏ cái cũ để chấp nhận cái mới. Đó là điều mà tôi luôn muốn truyền đạt cho nhân viên, để trong tương lai gần khi thị trường mở rộng, nhân viên của tôi vẫn tự tin bước ra thế giới và cùng tôi khẳng định rằng người Việt không hề thua kém thế giới.
* Cảm ơn anh về những chia sẻ thú vị
>TGĐ Namilux: Muốn làm tốt vì danh dự quốc gia
>TGĐ Acecook VN: 25 năm "giải oan" cho mì ăn liền