CEO PepsiCo Foods VN: Người Việt đủ tố chất để cạnh tranh

17/04/2016 00:25

Người Việt Nam có đủ tố chất để có thể cạnh tranh với bất cứ quốc gia nào. Mình cần có sự tăng tốc để cạnh tranh sòng phẳng về năng lực con người.

CEO PepsiCo Foods VN: Người Việt đủ tố chất để cạnh tranh

Trong khi điệp khúc “được mùa mất giá” vẫn còn ám ảnh đời sống nhà nông khắp dải đất hình chữ S, có một vùng đất đang đi theo mô hình kết hợp giữa nông dân và doanh nghiệp tạo chuỗi giá trị gia tăng và nông dân ở đó thuộc nhóm có thu nhập cao nhất nước.

Đó là Lâm Đồng, nơi PepsiCo đã triển khai việc nội địa hóa nguồn nguyên liệu khoai tây từ 10 năm nay. Từ chỗ phải nhập ngoại hoàn toàn, hiện PepsiCo tại Việt Nam đã nội địa hóa hơn 80% nguyên liệu khoai tây, cũng nhờ chính mô hình này.

“Nhóm nông dân Lâm Đồng là nhóm thu nhập cao nhất trong nước, nhưng tư tưởng tiểu nông vẫn là cản trở lớn nhất để họ có cuộc sống tốt hơn. Làm sao nông dân phải thực sự học được kỹ thuật canh tác tốt để áp dụng vào quá trình trồng trọt và hợp tác tốt hơn. Hiện đời sống họ khá lên chỉ nhờ họ đi trước so với phần còn lại”, ông Nguyễn Đức Huy - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thực phẩm PepsiCo Việt Nam (PepsiCo Foods Vietnam) cho biết.

Lội ruộng để hiểu tâm tư

* Khoai tây đóng vai trò quan trọng như thế nào trong tổng doanh thu của PepsiCo toàn cầu, thưa anh?

CEO PepsiCo Foods Việt Nam Nguyễn Đức Huy doanhnhansaigon
CEO PepsiCo Foods Việt Nam Nguyễn Đức Huy

- Ông Nguyễn Đức Huy – Giám đốc điều hành PepsiCo Foods Việt Nam:

Một năm, PepsiCo toàn cầu xài tới trên 8 triệu tấn khoai tây, là sản phẩm chủ chốt trong ngành thực phẩm.

PepsiCo vào Việt Nam từ 1994, nhưng đến 2005 mới đầu tư ngành thực phẩm. Đây là một quyết định chiến lược, vì tập đoàn thấy được tiềm năng của Việt Nam trong ngành hàng thực phẩm, mặc dù dung sai thị trường so với các nước khác còn nhỏ, nhưng tốc độ phát triển rất nhanh giúp cho sự hiện diện danh mục sản phẩm của PepsiCo hoàn thiện hơn.

* Là người theo đuổi dự án này đầu tiên cùng với Tổng giám đốc PepsiCo lúc ấy là ông Phạm Phú Ngọc Trai, anh có thể cho biết những khó khăn nào trong việc nhập giống khoai tây mới vào Việt Nam?

- Để có thể tung sản phẩm khoai tây vào thị trường Việt Nam năm 2008, năm 2007 chúng tôi lập dự án nông nghiệp, kết hợp nguồn nguyên liệu thông qua nhà cung cấp và nông dân trực tiếp.

Khó khăn nhất là mô hình kết hợp giữa công ty đa quốc gia và nông gia lúc đó chưa có, nên những bước đi phải dò dẫm.

Kết hợp cơ sở nghiên cứu của Việt Nam và thế giới, PepsiCo chủ động nhập giống khoai tây Atlantic vào Việt Nam. Khoai tây chế biến khác với giống khoai tây mình trồng để ăn hàng ngày, vì nếu khoai tây có độ đường cao, độ tinh bột thấp, thì sẽ dẫn tới năng suất chế biến thấp, chiên sẽ bị cháy, không cho sản phẩm tốt nhất.

Độ đường trong khoai tây rất quan trọng, giống khoai tây Atlantic được trồng phổ biến ở Úc, Cananda đáp ứng được những tiêu chuẩn chuyên cho chế biến công nghiệp, thực sự đòi hỏi yêu cầu canh tác rất cao, độ phân, lượng nước, tưới ở thời điểm nào, rất kén phân. Cần phải có thực hành nông nghiệp tốt.

Nhưng năm 2008-2009, thất bại liên tiếp xảy ra do công ty chưa học được cách làm việc với người nông dân, chưa tìm đúng nguồn đất, chọn mô hình nông trại nhỏ. Nông dân thì canh tác theo thói quen, không theo quy trình kỹ thuật, chưa thực sự tôn trọng hợp đồng, gây ra kiện tụng…

Khi đó, không thể áp dụng trồng đại trà ngay, vì nông dân chưa có lòng tin, chúng tôi phải rút kinh nghiệm, chọn ra một số hộ nông dân giỏi để làm thử nghiệm trước...

* Thói quen canh tác nhỏ lẻ có ảnh hưởng nhiều đến quy trình sản xuất và thu mua?

- Một trở ngại mà rất nhiều tập đoàn từng gặp phải, đó là hợp đồng ký với nông dân đã cam kết giá trước khi thu hoạch, nhưng khi giá thị trường cao hơn, họ lại bán ra ngoài, giá thấp họ bán cho mình, nếu thiếu họ lấy khoai ở ngoài, có chất lượng kém để... bù vào.

Cách làm của PepsiCo là ứng giống cho người nông dân, thỏa thuận giá ngay từ đầu mùa, huấn luyện cho nông dân trong quy trình canh tác, thực sự tham gia với đội ngũ kỹ sư huấn luyện thường xuyên suốt thời kỳ gieo trồng. Nguy cơ của thiên tai thì có kỹ sư để cùng hỗ trợ nông dân vượt qua.

Nếu người nông dân theo đúng quy trình mà không đạt năng suất, hòa vốn thì PepsiCo sẽ chia sẻ phần lỗ từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc. Tuy nhiên cũng có người nông dân không lấy giống của mình nên năng suất không đạt, lúc đó chính quyền phải đứng ra phân xử, để nói cho nông dân hiểu.

Nhờ áp dụng đổi mới, sáng tạo liên tục, năm đầu tiên năng suất 7 tấn/ha, năm 2011 tăng 11 tấn/ha, năm 2015 tăng lên 21 tấn/ha. Thu nhập của nông dân rất tốt.

Từ đó tôi rút ra ba bí quyết. Đầu tiên là lựa chọn giống cho phù hợp nhất với thổ nhưỡng Lâm Đồng, thứ hai là chọn giống phân, thứ ba là lựa chọn nguồn nước.

PepsiCo có mục tiêu chất lượng mỗi năm phải cải thiện bao nhiêu nguồn nước sử dụng, tiết kiệm mỗi ha trên 3.000 m3 trong một mùa vụ bằng phương pháp phun sương. Để làm được điều này phải trải qua quá trình 3 năm, giờ 95% bà con nông dân đã áp dụng tưới phun sương.

* Để có thể áp dụng điều khoản chia sẻ rủi ro với nông dân về thiên tai và nhiều cái khác - một tiền lệ chưa từng có với các tập đoàn đa quốc gia khác ở Việt Nam - liệu có dễ dàng?

- Không hề dễ dàng khi thực hiện các quy trình về tài chính, đưa ra đơn giá ở một tập đoàn đa quốc gia.

Tại các nước mà nông dân có trình độ cao, họ hiểu rõ những rủi ro trong quá trình canh tác. Còn ở Việt Nam có những đặc thù riêng, nông dân không hiểu rõ quy trình, rủi ro từ mầm bệnh, từ thiên tai...

Anh Phạm Phú Ngọc Trai là người tâm huyết với dự án và tâm huyết với đời sống nông dân, hiểu được cơ chế đặc thù và chứng minh được cơ chế đặc thù, để đưa ra một quy trình mang tính bền vững.

Anh Trai cùng ban điều hành, giám đốc tài chính phải lội ruộng để hiểu những khó khăn. Cá nhân tôi, người nắm giữ vị trí giám đốc điều hành cũng phải đi với nông dân, tham gia những buổi huấn luyện nông dân để hiểu họ, đưa ra những quyết định hợp tình hợp lý. Không chỉ là quyết định của một người, phải có sự đồng thuận.

Gần đây giám đốc tài chính mới được bổ nhiệm cũng phải đi tới đồng ruộng trong mùa thu hoạch để hiểu được tâm tư của người nông dân và những trở ngại với nông nghiệp.

Đã có lần chúng tôi phải tranh luận dữ dội với tập đoàn mẹ, để chia sẻ rủi ro với nông dân khi bị mưa đá. Công ty phải gắn bó với nông dân ngay từ đầu, chia sẻ với họ những khó khăn ban đầu mới có thể hội nhập lâu dài.

Tư tưởng tiểu nông là rào cản lớn nhất

* Liệu việc tăng năng suất có là một thách thức mới giữa thời nông nghiệp hữu cơ lên ngôi?

- Thách thức hay không chính là dựa vào sự định hình giữa quy chuẩn đầu ra. Mình hay rơi vào cái bẫy ưu tiên năng suất nhưng lại coi thường chất lượng đầu ra. Nếu quá đặt trọng tâm năng suất, thì chất lượng không tốt. Năng suất tăng thì phải bảo đảm chất lượng mong muốn.

Việc gia tăng năng suất phải nằm trong chất lượng quy định, đừng hy sinh chất lượng để tăng năng suất. Quy chuẩn chế biến không thể "du di" được, vì nó ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân.

Trào lưu organic nhằm hạn chế phân bón, hóa chất đang trở thành là xu hướng tiêu dùng ngày nay, ảnh hưởng đến năng suất, tuy nhiên ngay bản thân sản phẩm organic cũng phải bảo đảm năng suất để mang lại lợi nhuận tốt hơn cho nông dân.

* Tiếp xúc với người nông dân, điều gì khiến anh ưu tư nhất?

- Nhóm nông dân Lâm Đồng là nhóm thu nhập cao nhất trong nước, nhưng tư tưởng tiểu nông vẫn là cản trở lớn nhất để họ có cuộc sống tốt hơn. Làm sao nông dân phải thực sự học được kỹ thuật canh tác tốt để áp dụng quá trình trồng trọt và hợp tác tốt hơn. Hiện đời sống họ khá lên chỉ nhờ họ đi trước so với phần còn lại.

Ngoài việc đi làm cho doanh nghiệp, với trách nhiệm công dân, làm sao đóng góp cho nông nghiệp là điều tôi trăn trở. Đó là lý do tại sao tôi tham gia nhiều những diễn đàn, dự án, để chia sẻ kinh nghiệm với các bộ, ngành và các công ty.

* Anh nghĩ gì về thế hệ mình?

- Điểm mạnh chính là khả năng hội nhập, đón nhận cái mới, khả năng biến đổi để hòa hợp với xu hướng mới; điểm yếu là kinh nghiệm sống, độ chín chắn trong quyết định.

Những lần ra quyết định sai của tôi cũng chính vì va chạm thực tế chưa nhiều góc cạnh nên nhìn chưa đủ. Một tập thể lãnh đạo trẻ nếu kết hợp với kinh nghiệm lãnh đạo của thế hệ đi trước, tiếp cận với khái niệm quản trị mới thì hoàn toàn có thể giúp cho không chỉ nền kinh tế mà đội ngũ nhân sự thành công.

Trước đây mình nhập khẩu nhân lực, giờ có thể gửi nhân lực qua vùng đóng góp về chuyên môn. Tôi tin người Việt Nam có đủ tố chất để có thể cạnh tranh với bất cứ quốc gia nào. Mình cần có sự tăng tốc để cạnh tranh sòng phẳng về năng lực con người.

>Triết lý kinh doanh của ông chủ ABC Bakery

>Tiến sĩ nông nghiệp Nguyễn Quốc Vọng: "Tôi thương người nông dân Việt Nam" 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
CEO PepsiCo Foods VN: Người Việt đủ tố chất để cạnh tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO