Cảnh báo từ chỉ số TFP

TS. NGUYỄN QUỲNH HOA - Đại học Kinh tế Quốc dân (THANH HUYỀN ghi)| 28/06/2017 06:49

Tốc độ tăng TFP và mức độ đóng góp của yếu tố này vào tăng trưởng kinh tế vẫn dựa vào một số xu hướng thiếu bền vững.

Cảnh báo từ chỉ số TFP

Mô hình tăng trưởng của Việt Nam đã có những dấu hiệu chuyển đổi theo hướng kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) được cải thiện. Tuy nhiên, tốc độ tăng TFP và mức độ đóng góp của yếu tố này vào tăng trưởng kinh tế vẫn dựa vào một số xu hướng thiếu bền vững.  

Đọc E-paper

Tăng trưởng kinh tế xét về phương diện đầu vào có 3 yếu tố cấu thành là vốn, lao động và TFP. Nhưng đóng góp của TFP ở Việt Nam hiện nay mới đạt khoảng 40% và vốn vẫn là yếu tố đóng góp xấp xỉ 50% vào số điểm phần trăm tăng trưởng năm 2016, dẫn tới mô hình tăng trưởng vẫn mang đặc trưng thâm dụng vốn.

Trong khi đó, nhiều nước trong khu vực có tỷ lệ đóng góp của nhân tố TFP vào tăng trưởng kinh tế đạt trên dưới 50%, như Hàn Quốc là 51,5%, Trung Quốc là 52%, Thái Lan là 53%; Indonesia và Malaysia đều ở mức 49%.

Việc đổi mới sáng tạo và đầu tư cho khoa học - công nghệ không nhiều là 2 nguyên nhân chính khiến đóng góp của yếu tố TFP vào tăng trưởng ở mức thấp.

Nền kinh tế Việt Nam về cơ bản vẫn là kinh tế gia công với trình độ công nghệ thấp, chưa phát huy được năng lực khoa học - công nghệ quốc gia, dù Việt Nam đã có một số thay đổi về thể chế, khuyến khích nghiên cứu và triển khai (R&D). Phần lớn doanh nghiệp Việt Nam, chủ yếu là các doanh nghiệp dân doanh, đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2 - 3 thế hệ, 76% máy móc, dây chuyền công nghệ nhập khẩu thuộc thế hệ những năm 1960, 1970 và 75% số thiết bị đã hết khấu hao, 50% thiết bị là đồ tân trang.

Nhóm ngành sử dụng công nghệ cao mới đạt khoảng 20%, thấp hơn nhiều so với Singapore (73%), Malaysia (51%), Thái Lan (51%) trong khi tiêu chí để đạt trình độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa là trên 60% công nghệ mới.

Đổi mới sáng tạo ở Việt Nam mới bắt đầu được quan tâm đầu tư nên chậm hơn so với các nước khác. Theo Báo cáo về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2016 (Global Innovation Index - GII 2016), Việt Nam xếp hạng 59, với 35,4/100 điểm. So với một số quốc gia trong khu vực có tham gia xếp hạng, Việt Nam thấp hơn Malaysia (35) 24 bậc, thấp hơn Thái Lan (52) 7 bậc. Việt Nam chỉ được xếp ở hạng cao hơn Philippines (74), Indonesia (88), Campuchia (95) về đổi mới và sáng tạo.

>>Đổi mới sáng tạo: Lợi thế và thách thức

Thêm nữa, đầu tư cho khoa học - công nghệ ở Việt Nam so sánh tương quan với các quốc gia trong khu vực cũng ở mức thấp. Hiện nay Việt Nam chỉ mới giành hơn 1% tổng chi ngân sách cho khoa học - công nghệ (năm 2016 là 1,27%), thấp hơn so với năm 2015 là 1,52%, chỉ chiếm khoảng 0,5% GDP của cả nước, trong khi của Malaysia là 1% và Singapo là 3%. Chính sách chuyển giao công nghệ thông qua thu hút FDI của Việt Nam gần như không thực hiện được, đa số các dự án FDI nhằm mục đích sử dụng lao động rẻ và tận dụng tài nguyên.

Nhiều dự án FDI sử dụng công nghệ ở trình độ rất thấp, tiêu phí điện năng cao và gây ô nhiễm môi trường nặng nề.

Một điểm quan trọng nữa, đó là sự gia tăng TFP thông qua tăng năng suất lao động có biểu hiện thiếu bền vững.

Thay đổi năng suất lao động ảnh hưởng bởi 3 yếu tố: Thay đổi năng suất lao động trong nội bộ các ngành, quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, tác động đồng thời của chuyển dịch cơ cấu lao động và thay đổi năng suất lao động trong nội bộ ngành. Thế nhưng năm 2016 và cả giai đoạn 2011 - 2016, chỉ quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động có đóng góp vào tăng trưởng năng suất lao động.

Tác động này đang có xu hướng tăng, năm 2011 chiếm 40,24% tăng trưởng kinh tế, đến năm 2016 đã tăng lên 51,02%. Trong khi đó, tác động đồng thời của chuyển dịch cơ cấu lao động và thay đổi năng suất lao động trong nội bộ ngành lại mang dấu âm và có độ lớn khá nhỏ.

Sự yếu kém của yếu tố TFP không chỉ kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế về mặt lượng mà còn là nguyên nhân chính gây cản trở hiệu quả của tăng trưởng kinh tế. Do đó, việc duy trì tốc độ tăng TFP thông qua tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh là một điểm nhấn quan trọng trong việc thúc đẩy, nâng cao vai trò của TFP với tư cách là động lực tăng trưởng lớn nhất xét trên góc độ cấu trúc tăng trưởng theo đầu vào.

Do đó, các chính sách nên tập trung vào cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và áp dụng công nghệ cao trong sản xuất. Chỉ như vậy mới có thể nâng cao vai trò của TFP đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam, tạo bước đột phá đổi mới mô hình tăng trưởng thời gian tới.

>>5 tiêu chí công nhận vùng nông nghiệp công nghệ cao

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cảnh báo từ chỉ số TFP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO