Mặc dù đã được Ngân hàng Nhà nước xem xét cơ cấu lại thời gian trả nợ, tạo điều kiện cho DN không phát sinh nợ xấu tránh được lịch sử tín dụng (CIC) ảnh hưởng việc DN tiếp cận nguồn vốn tại các tổ chức tín dụng. Nhưng nhiều DN vẫn lo lắng là sau khi hết thời gian cơ cấu lại thời gian trả nợ, nguồn vốn lưu động, năng lực tài chính của DN có đủ để vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19?
Chính vì vậy mà các DN đã chọn phương án phát hành trái phiếu với lãi suất cao để thu hút, việc phát hành trái phiếu huy động được nguồn lực tài chính để bổ sung vốn lưu động. Song để thực hiện phát hành trái phiếu của DN cũng gặp nhiều khó khăn, hạn chế bởi những quy định pháp luật. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng xem xét hồ sơ nâng hạn mức hoặc cấp tín dụng mới rất kỹ lưỡng, khắt khe và đánh giá thận trọng trong phê duyệt hơn thời gian chưa phát sinh dịch Covid-19. Một DN cho biết: "Việc tiếp cận bổ sung nguồn vốn lưu động cho DN gần như không còn cơ hội nào và chỉ còn một hy vọng mong manh đến từ nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc là tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất cực kỳ ưu đãi".
Tháng 10/2021, một ngân hàng thương mại tại TP.HCM đã dành đến 20.000 tỷ đồng trong đó 10.000 tỷ đồng cho DN , nhất là DN siêu nhỏ đang sử dụng các dịch vụ của ngân hàng này như ngân hàng điện tử, chi lương, bảo lãnh, thanh toán quốc tế... được vay ưu đãi với lãi suất từ 4%/năm, thời hạn vay tối đa 6 tháng nhằm đồng hành cùng DN xuất khẩu và hỗ trợ các DN khắc phục khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Mức lãi suất dao động từ 4%/năm trở lên và còn phải phụ thuộc vào ngành nghề kinh doanh, quy mô hoạt động, thời hạn vay và mức độ gắn kết giao dịch với ngân hàng đó. Nguồn vốn ưu đãi được ngân hàng áp dụng đến hết ngày 31/12/2021 hoặc khi hết nguồn tùy điều kiện nào đến trước.
Tuy nhiên, để DN tiếp cận được nguồn vốn từ các gói hỗ trợ của Chính phủ hay các tổ chức tín dụng thì DN gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Qua tìm hiểu được biết, dù các DN này có đáp ứng đầy đủ điều kiện vay vốn như phương án vay vốn, nguồn trả nợ, báo cáo tài chính, hóa đơn chứng từ, tờ khai thuế GTGT, hợp đồng kinh tế... và kể cả có tài sản thế chấp thì việc cấp tín dụng cho DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ vẫn chỉ là... trên giấy. Bởi các ngân hàng gần như chỉ ghi nhận và xem xét, sau đó bỏ ngỏ.
Chuyên viên tại một ngân hàng cho biết: "Thực chất ra, các gói hỗ trợ vay được các ngân hàng đăng tải nhằm thu hút khách hàng là chính, chứ thực tế việc các DN tiếp cận được nguồn vốn ấy thì còn nhiều bất cập, bất cập ở chính sách giải quyết hồ sơ ở nội bộ, các văn bản pháp luật điều hành của Ngân hàng Nhà nước chưa được đồng bộ, tính chất chung chung cũng gây khó khăn không ít cho các ngân hàng". Hằng ngày, chuyên viên này phải trả lời và giải thích hàng chục khách hàng là các DN kêu than: "Sao hồ sơ DN của tôi đáp ứng đầy đủ mà ngân hàng chưa xem xét và phê duyệt", đại loại là các câu nói như thế xoay quanh vấn đề vốn, lãi suất ưu đãi.
Chuyên viên này cho biết thêm: "Điều mà tôi thấy rất vô lý khi các chuyên viên ngân hàng yêu cầu bổ sung hồ sơ đầy đủ và DN đã đáp ứng gần như theo đúng yêu cầu nhưng không thể cung cấp sao kê tài khoản trong 6 tháng gần nhất. Vì thế không được duyệt". Nghe ra thì có lý nhưng đợt dịch lần 4 bắt đầu từ tháng 4/2021 kéo dài đến nay, các tháng dịch bệnh xảy ra, phải thực hiện giãn cách xã hội thì DN làm sao có phát sinh giao dịch nào, chưa kể đến còn bắt DN phải ra quầy xin sao kê bản chính có mộc dấu của ngân hàng có tài khoản thì mới chịu xem xét hồ sơ.
Câu hỏi được đặt ra là phải chăng "ưu đãi" của ngân hàng chỉ là làm màu, còn nguồn vốn ấy chỉ được ưu tiên giải ngân cho một số DN thân thuộc, thường thấy các DN lớn và các tập đoàn kinh tế lớn, trọng yếu sẽ được các ngân hàng ưu ái hơn các DN vừa và nhỏ hay siêu nhỏ. Cũng như miếng bánh ngon thì sẽ được chủ nhân thưởng thức trước, tiếp đến là người thân, họ hàng rồi mới đến lượt các người.
DN hiện rất cần nguồn tài chính từ nhiều phía hỗ trợ. Do đó, cần có những gói hỗ trợ cụ thể cho từng loại hình, thành phần DN, phân loại và tiêu chí rõ ràng cho những ngành nghề ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19 được tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, cùng với đó rút ngắn các thủ tục, hồ sơ, điều kiện, quy trình xét duyệt linh hoạt hơn, phù hợp với tình hình khó khăn thực tế.
Nên chăng linh hoạt những chính sách liên quan đến cấp tín dụng, không thể đi theo lối mòn hàng chục năm nay là đòi hỏi phải có tài sản đảm bảo mới cấp tín dụng, mà cần có ngay những giải pháp tối ưu nhất, rủi ro tín dụng chấp nhận được. Hiện nay, chỉ có số ít ngân hàng cấp một khoản tín chấp cho DN với số tiền từ 20-30% dựa trên doanh thu thực tế, nhưng không được vượt trần hạn mức tùy theo quy định nội bộ từng ngân hàng. Đây có thể xem là động thái tích cực, tin vui cho các DN vừa và nhỏ hay siêu nhỏ. Tuy nhiên, cấp khoản tín chấp cho DN trong thời điểm này cũng chứa đựng nhiều rủi ro tiềm ẩn cho ngân hàng.