Cẩn trọng lộ, lọt thông tin doanh nghiệp trong quản lý thuế

Ngọc Quỳnh| 22/11/2021 01:30

Hiện nay, dữ liệu được coi là một trong số những tài sản quý giá nhất đối với doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN kinh doanh dựa trên nền tảng kinh tế số như các sàn thương mại điện tử.

Cẩn trọng lộ, lọt thông tin doanh nghiệp trong quản lý thuế

Việc bảo mật thông tin, dữ liệu được DN rất xem trọng, khi lộ, lọt thông tin sẽ gây tổn thất lớn với các sàn thương mại điện tử, nhất là nếu trường hợp các đối thủ cạnh tranh có thể nắm bắt được những dữ liệu này.

Trước thực tế khi tham gia sàn thương mại điện tử hoặc khi khai báo thuế, các DN được yêu cầu phải cung cấp thông tin ra bên ngoài, điều này khiến họ nảy sinh nhiều lo lắng như cơ chế bảo mật thông tin chống lại sự tấn công từ bên ngoài như hacker, hay cơ chế quản lý dữ liệu nội bộ để tránh việc đánh cắp thông tin từ bên trong.

Xuất phát từ thực tế này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đề xuất Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 40/2021/TT-BTC về hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Trong đó, có nội dung liên quan tới yêu cầu bảo mật thông tin được DN cung cấp.

Giải pháp ngăn chặn lộ, lọt thông tin của DN do sự tấn công từ bên ngoài, theo VCCI, cơ quan thuế cần có các biện pháp nâng cấp tính bảo mật của hệ thống thông tin để đảm bảo sự an toàn trước các cuộc tấn công mạng.

Song song đó, Bộ Tài chính cân nhắc bổ sung quy định về cơ chế xác định lỗi khi phát hiện trường hợp lộ, lọt dữ liệu như dữ liệu được truyền qua nhiều bên, từ DN đến Tổng cục Thuế rồi chuyển về các cơ quan thuế địa phương. Trong quá trình đó, dữ liệu có thể bị lộ, lọt ở bất kỳ khâu nào, kể cả từ phía DN.

Link bài viết

Do vậy, cơ chế xác định lỗi cần được xác định là, xác định lỗi xuất phát từ DN hay từ cơ quan thuế. Áp dụng cơ chếvới bản dữ liệu người bán mà DN chuyển sang cho cơ quan thuế có thể được sửa đổi một chút so với bản gốc để đánh dấu. Điểm đánh dấu này sẽ là căn cứ để xác định lỗi từ phía nào. Hay như xác định lỗi trong nội bộ đơn vị và khi đã xác định được lỗi ở đơn vị nào thì việc tiếp theo là xác định ai là người chịu trách nhiệm tại đơn vị đó.

Thực tế, các DN đều có cơ chế, quy trình nội bộ về quản trị dữ liệu. Tương tự, cơ quan soạn thảo bổ sung quy định theo hướng cơ quan thuế bổ sung quy định nội bộ về quản trị thông tin, dữ liệu và yêu cầu phân cấp với hệ thống thông tin; trong đó, có quy định về phân quyền truy cập thông tin, yêu cầu đăng nhập khi truy cập và có bản ghi các lần đăng nhập.

Ngoài nguy cơ lộ, lọt thông tin DN trong quá trình quản lý thuế, VCCI cũng nhận được một số ý kiến phản ánh từ phía các DN về ngưỡng chịu thuế thu nhập của hộ, cá nhân kinh doanh. Theo đó, một số điều của các Luật về thuế năm 2014 đang quy định, ngưỡng chịu thuế thu nhập cá nhân của hộ, cá nhân kinh doanh là 100 triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế theo phản ánh, ngưỡng này đã được xây dựng từ năm 2014 và chưa phù hợp trong thời điểm hiện nay, khi giá cả đã có sự thay đổi khá lớn so với thời điểm trước.

Đặc biệt, ngưỡng chịu thuế thu nhập từ kinh doanh có vẻ thấp hơn nhiều khi so sánh trong cùng tương quan với thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định này.

Hay quy định tổ chức chi trả các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền mặt... cũng được các DN phản ánh là chưa phù hợp. Lý do, tại thời điểm chi trả thu nhập, DN chưa có căn cứ xác định xem cá nhân đó có thuộc diện phải khấu trừ thuế hay không (có đạt mức doanh thu 100 triệu/năm). Việc này tạo ra gánh nặng chi phí và vận hành rất lớn cho DN trong quá trình theo dõi, đôn đốc, thu hồi các khoản thuế thu hộ.

Một lý do khác là trong một số trường hợp, các hộ, cá nhân kinh doanh đã tự thực hiện nộp thuế với các doanh thu phát sinh từ việc bán hàng, do đó việc tách riêng trách nhiệm nộp thuế với khoản thưởng, hỗ trợ… giao cho DN là chưa hợp lý, tăng thêm đầu mối kê khai và tạo gánh nặng hành chính không hợp lý lên DN. Do vậy, cơ quan soạn thảo nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định này cho phù hợp hơn với thực tiễn hoạt động của DN.

(Theo TTXVN - Tựa bài do DNSG đặt lại)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cẩn trọng lộ, lọt thông tin doanh nghiệp trong quản lý thuế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO