Thị trường phụ tùng ô tô khá phong phú với nhiều loại, phù hợp với túi tiền của nhiều khách hàng khác nhau. Không chỉ có phụ tùng chính hãng, các cửa hàng sửa chữa ô tô còn cung cấp phụ tùng thay thế (OEM), phụ tùng đã qua sử dụng, phụ tùng giả, nhái... Những phụ tùng ô tô bị làm giả thường là những loại có tần suất sử dụng cao, dùng cho bảo dưỡng định kỳ, thường phải thay thế nhiều như bạc đạn, lọc dầu, phuộc, má phanh, lọc gió, lọc nhiên liệu, bugi, đĩa côn...
Hiện nay, phụ tùng của các hãng xe hay bị làm giả nhiều là Toyota, Honda, Ford... Phụ tùng giả được cho là xuất hiện khá nhiều ở các cửa hàng bán “đồ chơi” xe, các gara sửa chữa ô tô... Với loại phụ tùng này, người tiêu dùng rất khó phân biệt bằng mắt thường đâu là phụ tùng chính hãng, đâu là phụ tùng giả. Công ty Toyota Việt Nam từng ghi nhận rất nhiều trường hợp phát hiện phụ tùng giả không tương thích được lắp trên các xe của hãng. Sau khi sử dụng phụ tùng giả, kém chất lượng như lọc dầu, kính chắn gió đã gây ra hư hại nặng cho xe như vỡ lốc động cơ, bể kính chắn gió... khiến khách hàng phải tốn hàng trăm triệu đồng để thay thế.
Theo các doanh nghiệp, công nghệ làm giả hiện nay rất tinh vi, nhiều loại phụ tùng giả được làm giống như hàng chính hãng mà ngay cả các chuyên gia thoạt nhìn qua cũng rất khó phân biệt. Đại diện của Mercedes-Benz Việt Nam cho rằng, ngay cả khi những phụ tùng được giới thiệu là của Mercedes-Benz nhưng không phải lúc nào khách hàng cũng mua được phụ tùng Mercedes-Benz chính hãng từ các nhà phân phối không được ủy quyền. Chẳng hạn như, má phanh làm bằng tấm thép chất lượng kém, yếu hoặc không có miếng ốp liên kết vào tấm lưng. Kính chắn gió với chất lượng kém và không phù hợp gây ra các vấn đề về tiếng ồn, rò rỉ và ảnh hưởng tới sự quan sát. Hay bộ lọc nhiên liệu thử nghiệm không thành công được bán trong bao bì tốt... Sử dụng các bộ phận không phải nguyên bản không chỉ khiến việc sửa chữa nhiều hơn mà các hãng cũng không chấp nhận bảo hành xe cho khách hàng.
Thường thì giá bán của hàng không chính hãng thấp hơn nhiều so với hàng chính hãng. Vì thế, khi mua một phụ tùng không chính hãng, chủ xe có thể nghĩ đây là một giải pháp tiết kiệm chi phí nhưng kết quả lại là một hóa đơn lớn phát sinh cho những thiệt hại khác. “Chúng tôi thường thấy khách hàng quay lại xưởng dịch vụ ủy quyền Mercedes-Benz cho những dịch vụ mà họ từng làm tại các xưởng dịch vụ không chính hãng. Các vấn đề mà khách hàng gặp phải đa số phát sinh từ phụ tùng không chính hãng, phụ tùng giả, lỗi phát sinh về phần mềm của hệ thống xe, sử dụng các loại dầu động cơ chất lượng thấp làm ảnh hưởng đến hoạt động và hiệu suất của xe. Điều này khiến khách hàng tốn thêm chi phí sửa chữa”, vị đại diện của Mercedes-Benz cho biết.
Nhưng việc sử dụng hàng giả, hàng nhái, hàng không chính hãng không chỉ tăng chi phí cho chủ xe mà còn gây ra hậu quả lớn hơn rất nhiều. Theo Hiệp hội Quốc tế An toàn Du lịch Đường bộ, có gần 1,3 triệu người chết vì tai nạn giao thông mỗi năm. Tính trung bình, mỗi ngày có 3.287 người chết bởi nguyên nhân này. Trong đó, hơn 90% tất cả trường hợp tử vong trên đường xảy ra ở các nước có thu nhập trung bình và thấp, chiếm ít hơn một nửa số xe trên thế giới. Và một trong 10 nguyên nhân hàng đầu của tai nạn xe hơi là do sử dụng các bộ phận bị làm giả.
Lời khuyên của các chuyên gia là khách hàng nên sử dụng phụ tùng chính hãng thay vì sử dụng phụ tùng giả, trôi nổi trên thị trường. Các kênh đại lý chính hãng và trạm dịch vụ ủy quyền của các hãng xe chính là nơi tốt nhất, cung cấp phụ tùng chính hiệu đến người tiêu dùng.