Cần một “đường dây nóng” về biển Đông

18/11/2012 04:52

ASEAN và Trung Quốc cần thiết lập đường dây nóng để kiểm soát những sự vụ trên biển Đông.

Cần một “đường dây nóng” về biển Đông

ASEAN và Trung Quốc cần thiết lập đường dây nóng để kiểm soát những sự vụ trên biển Đông.

Đó là phát biểu của Tổng thư ký ASEAN Pitsuwan tại cuộc họp báo cuối ngày 17/11, sau khi ngoại trưởng 10 nước ASEAN kết thúc 3 cuộc họp quan trọng trong chương trình của Hội nghị Cấp cao ASEAN thứ 21 đang diễn ra tại Phnom Penh, Campuchia. Các cuộc họp trên gồm Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM), Hội đồng cộng đồng chính trị - an ninh ASEAN (APSC) và Hội đồng điều phối ASEAN (ACC).

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 2012 khai mạc ngày 17/11. Ảnh: TTXVN

“Giữa lúc một Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) còn đang trong quá trình xây dựng, các ngoại trưởng ASEAN mong muốn mọi việc tiến về phía trước và tránh mọi sự hiểu lầm, tính toán lầm giữa các bên trong vùng biển sâu. Vì vậy, họ nhất trí cần thiết lập một đường dây nóng giữa ASEAN và Trung Quốc”, theo ông Pitsuwan. Ông nói thêm: “Bất kỳ khi nào tình hình có vẻ khẩn cấp, hoặc xảy ra một sự cố, đường dây nóng cần được kích hoạt ngay để các bên nắm thông tin và cùng phối hợp để kềm giữ tình hình không phức tạp hơn”.

Vị quan chức này còn tuyên bố đường dây dự kiến có thể được thiết lập trong vòng một tháng, dĩ nhiên cần có sự đồng thuận từ phía Trung Quốc. Xung quanh tiến trình xây dựng COC, ông Pitsuwan khẳng định: “ASEAN đang nỗ lực để mọi việc tiến triển và mong muốn nhận được nhiệt tình tương ứng của Trung Quốc để đôi bên có thể bắt đầu thảo luận về việc soạn thảo COC”.

Cũng trong ngày 17/11, các ngoại trưởng còn thảo luận nhiều vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội trong khối. Hành động cụ thể cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vào 2015 là một chủ đề lớn. ASEAN đã trở nên quan trọng và cần thiết đối với thế giới hơn ASEAN cách đây 5 năm, như nhận định của ông Pitsuwan, đã khiến mục tiêu đạt đến một cộng đồng kinh tế với 600 triệu dân càng trở nên bức thiết. Ông Pitsuwan cho biết hiện ASEAN đã chuẩn thuận 75% những công cụ cần thiết để thúc đẩy trao đổi hàng hóa, dịch vụ, luân chuyển vốn, lao động, đầu tư xuyên biên giới của doanh nghiệp vừa và nhỏ, kết nối và xây dựng hạ tầng…; 25% còn lại là tập trung chuyển hóa các công cụ này thành hệ thống pháp lý cho quá trình thực thi.

Tham dự các hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã phát biểu chia sẻ quan điểm của Việt Nam về nhiều vấn đề. Bộ trưởng nhấn mạnh hơn lúc nào hết, các nước ASEAN cần tăng cường đoàn kết, phát huy vai trò trung tâm trong các tiến trình khu vực. Ông cũng đề nghị ASEAN tiếp tục tạo điều kiện cho các đối tác đóng góp nhiều hơn vào các vấn đề hợp tác ở khu vực và mục tiêu xây dựng cộng đồng, một cán bộ ngoại giao nói với Thanh Niên.

Thứ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà Kao Kim Hourn thông báo Bản thảo Tuyên bố nhân quyền ASEAN đã được các ngoại trưởng đồng thuận hôm qua. Bên cạnh đó, tình hình xáo trộn ở biên giới phía tây Myanmar và ảnh hưởng của bất ổn chính trị ở Trung Đông đến khu vực cũng đã được các ngoại trưởng thảo luận kỹ.

Hôm nay, Hội nghị Cấp cao ASEAN thứ 21 chính thức khai mạc với sự tham dự của lãnh đạo 10 quốc gia và một số khách mời. Tại đây, các lãnh đạo sẽ ký Tuyên bố Phnom Penh về việc chấp thuận bản Tuyên bố nhân quyền ASEAN và họp với Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần một “đường dây nóng” về biển Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO