Áo dài đồng hành cùng các doanh nhân trong các sự kiện quan trọng
Trang phục áo dài đã đi cùng với lịch sử của dân tộc Việt Nam. Không chỉ dành riêng cho phụ nữ, mà áo dài cũng là trang phục phù hợp với nam giới. Trong các nghi lễ của triều đình phong kiến, áo dài là triều phục, lễ phục tôn nghiêm. Ngày nay, áo dài vẫn là trang phục truyền thống trang trọng trong các nghi lễ của gia đình, dòng họ, cộng đồng hay trong những ngày lễ lớn của dân tộc.
Áo dài không chỉ được mặc ngày càng phổ biến ở trường học, công sở, doanh nghiệp mà còn là một trang phục thường thấy tại các sự kiện quan trọng của các tổ chức và các sự kiện trọng đại của đất nước, cũng như trên các diễn đàn quốc tế.
Từ xưa đến nay, trong tâm thức người Việt Nam và trong mắt bạn bè quốc tế, tà áo dài truyền thống được xem là một biểu tượng chứa đựng tinh hoa - văn hóa của dân tộc Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, áo dài đồng hành cùng các doanh nhân trong rất nhiều sự kiện, kể cả lễ ký kết hợp tác quan trọng.
Áo dài được xem là trang phục truyền thống của dân tộc Việt Nam - Ảnh: Thanh Lâm |
Tại hội nghị APEC lần thứ XIV năm 2006, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã cùng các nguyên thủ quốc gia dự hội nghị mặc áo dài Việt Nam. Ngày 11/2/ 2014, bà Katherine Muller Marin - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam lúc đó đã diện áo dài để trao bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho đại diện 21 tỉnh, thành phía Nam. Và còn rất nhiều hình ảnh đẹp khác của các chính khách, doanh nhân, nhà ngoại giao, nghệ sĩ thế giới xuất hiện trong tà áo dài Việt Nam làm người Việt không khỏi tự hào.
Cần nâng cao nhận thức về vai trò của áo dài với doanh nhân
Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo và chủ trương đúng đắn của Đảng, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua đã có sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Và trong sự thành công ấy, không hiếm lần, áo dài được lựa chọn để góp phần tôn vinh bản lĩnh và sự tự tin của các doanh nhân Việt.
Các doanh nhân nên mặc áo dài trong những buổi làm việc, ký kết hợp tác quan trọng - Ảnh: Thanh Lâm |
Mặc dù áo dài có một lịch sử mấy trăm năm và rất phổ biến trong đời sống hiện đại nhưng áo dài vẫn chưa trở thành quốc phục trong những buổi làm việc, ký kết, hợp tác quan trọng của các doanh nhân, đặc biệt là nam doanh nhân. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, người doanh nhân không chỉ kinh doanh tại thị trường nội địa, họ ngày càng vươn ra, chinh phục thị trường thế giới. Và khi doanh nhân diện trên mình trang phục áo dài truyền thống khi ra nước ngoài, cũng là cách giúp bạn bè thế giới hiểu về văn hoá Việt, cũng như nhận diện người Việt dù ở bất kỳ nơi đâu.
Qua buổi tọa đàm, ông Hưng mong muốn thúc đẩy việc tìm hểu về lịch sử, giá trị, bản sắc văn hóa của áo dài Việt, đặc biệt là vai trò của áo dài với doanh nhân, để từ đó đề xuất giải pháp nâng cao nhận thức của áo dài với doanh nhân, tạo cơ sở khuyến khích doanh nhân, đặc biệt là nam doanh nhân mặc áo dài truyền thống trong các dịp ký kết hợp tác, các sự kiện quan trọng, đồng thời cũng là cơ sở để xây dựng không gian văn hoá Hồ Chí Minh tại thành phố mang tên Bác.