Cần chính sách an sinh cho tài xế công nghệ

P.V| 06/05/2022 08:00

Theo Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, cần có chính sách cho nhóm tài xế công nghệ khi gần 67% người được khảo sát muốn tiếp cận chương trình an sinh, hy vọng được hỗ trợ tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH).

Cần chính sách an sinh cho tài xế công nghệ

Theo khảo sát, 60% tài xế kiếm tiền để nuôi sống từ 2 người trở lên.

Theo khảo sát năm 2021 của Tổng liên đoàn cùng một số đơn vị, có khoảng 200.000 lái xe (môtô, ôtô) là đối tác của Grab, chưa tính các hãng khác, trên cả nước. Trong đó, 50% làm việc tại Hà Nội và TP.HCM và chủ yếu là lao động ngoại tỉnh, tuổi 25-35, nữ chiếm 5%.

Đặc biệt, 60% tài xế kiếm tiền để nuôi sống từ 2 người trở lên, 25% có trình độ tiểu học và trung học, 26% có trình độ cao đẳng. Thu nhập bình quân của tài xế môtô là 318.000đ/ngày, khoảng 7 triệu đồng/tháng. Với ôtô, con số là 564.000đ/ngày và 12 triệu đồng/tháng, đã trừ chi phí, xăng xe. Ngoài thu nhập trên, các loại thưởng, trợ cấp, hỗ trợ từ công ty cung ứng dịch vụ với mức khá thấp và không đều đặn.

Tài xế môtô làm việc trung bình 9,2 giờ và lái xe ôtô khoảng 11,2 giờ/ngày. Điều kiện làm việc của họ chịu ảnh hưởng thời tiết, tắc đường, tiềm ẩn tai nạn, mất, hỏng hàng, bị quấy rối tình dục và chịu nhiều hành vi nguy hiểm khác.

Theo khảo sát, chỉ 7% người được hỏi tham gia BHXH và 81% có đóng bảo hiểm y tế (BHYT). Lý do chính là không đủ tiền, không thấy nhiều lợi ích, không hiểu biết hoặc không có nhu cầu. Tuy nhiên, gần 67% muốn được tiếp cận chính sách an sinh hỗ trợ trực tiếp, nhất là BHYT, BHXH, nhiều người hy vọng công ty tư vấn, hỗ trợ đóng BHXH.

Hiện, chưa có chuẩn mực nghề nghiệp và khung pháp lý rõ ràng, quy định chế độ phúc lợi xã hội cho tài xế công nghệ. Cần biết rằng, lực lượng này chỉ có "hợp đồng đối tác" với công ty cung cấp dịch vụ công nghệ, không phải hợp đồng lao động và loại hình này nằm ngoài khuôn khổ điều chỉnh của Bộ luật Lao động 2019.

Link bài viết

Do đó, tài xế công nghệ cũng không được hưởng BHYT, BHXH bắt buộc dành cho lao động có hợp đồng, không được hưởng chế độ phúc lợi xã hội nào khác. Các công ty cung ứng dịch vụ cũng không phải chịu trách nhiệm đóng BHXH cho tài xế công nghệ. 

Chỉ một số tài xế làm việc toàn thời gian được đóng bảo hiểm tai nạn, nhưng điều kiện hưởng khá chặt chẽ và quyền lợi hạn hẹp. Một số công ty hỗ trợ tài chính để tài xế mua bảo hiểm tai nạn, với mức 26%, 16% song một nửa doanh nghiệp không hề hỗ trợ.

Nhiều tài xế làm việc trung bình 10-12 tiếng mỗi ngày nhưng không hưởng tiền làm thêm, nghỉ không lương, không có phúc lợi. Về lâu dài, cần có sự đồng thuận giữa các bên liên quan để đưa loại hình này về quan hệ có hợp đồng lao động thay vì hợp đồng đối tác. Do đó, Tổng liên đoàn kiến nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cùng các bộ, ngành liên quan sớm sửa đổi quy định hiện hành, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, đưa nhóm này vào hệ thống an sinh.

Theo ông Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Công nhân Công đoàn, Tổng liên đoàn bước đầu kiến nghị có chính sách hỗ trợ cho tài xế công nghệ tham gia BHXH, BHYT tự nguyện, vì xét về điều kiện làm việc thì nhóm này đang là lao động tự do hợp pháp, có đầy đủ điều kiện đóng BHXH và BHYT tự nguyện. Về lâu dài, đề nghị Bộ Lao động cùng các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, làm rõ hơn tính chất quan hệ việc làm của nhóm này để có những chính sách điều chỉnh thích hợp.

Cả nước có khoảng 50 triệu lao động trong độ tuổi, số tham gia BHXH chỉ gần 16,6 triệu (chiếm 37%), trong đó BHXH bắt buộc khoảng 15,3 triệu người và 1,3 triệu lao động đóng BHXH tự nguyện. Còn hơn 32 triệu lao động khu vực phi chính thức chưa nằm trong hệ thống an sinh. Mức độ bao phủ BHXH thấp trở thành thách thức kép tới an toàn thu nhập của lao động trong độ tuổi và về lâu dài khi đến tuổi nghỉ hưu. Mục tiêu của Trung ương đến năm 2030 có 60% dân số trong độ tuổi lao động tham gia BHXH, tiến tới bao phủ toàn dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần chính sách an sinh cho tài xế công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO