Chủ tịch HĐQT tập đoàn Sunhouse - doanh nhân Nguyễn Xuân Phú |
Tháng 11/2017, trong chương trình Shark Tank (Thương vụ bạc tỷ) mùa đầu tiên, ông Nguyễn Xuân Phú – Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Sunhouse cùng với ông Trần Anh Vương đến từ SAM Holdings đã quyết định chung chi 4 tỷ đồng để đầu tư 36% cổ phần của Viet Ferm - công ty sản xuất dấm gạo mang thương hiệu Thủy Tâm và hồ tiêu muối. Kể về thương vụ này, ông Phú, nay được gọi bởi cái tên quen thuộc là Shark Phú cho biết, trong khoảng thời gian ngắn ngủi của chương trình Shark Tank, ông chưa thể hiểu một cách sâu sắc về các startup đang đến gọi vốn.
Nhưng khi Trần Tâm Phương (CEO Viet Ferm) lên trình bày dự án về dấm gạo, về hoàn cảnh sống khó khăn đã khiến mẹ của Phương – một nhà nghiên cứu hóa học phải tự mình mở cơ sở sản xuất dấm gạo thủ công để bán, ông thấy hình ảnh của mình cách đây 20 năm khi bắt đầu kinh doanh. Còn mẹ ông, cũng từng phải vất vả kiếm kế sinh nhai, nuôi nấng ông và các anh chị em.
"Tôi sinh trưởng trong một gia đình mà bố mẹ, đặc biệt là mẹ tôi, phải bươn chải đủ các thứ nghề, từ làm đậu phụ cho đến bán hàng hóa ở chợ để tìm mọi cách kiếm tiền nuôi con" – Shark Phú nói. Những tháng năm mẹ bận bịu kiếm tiền, ông Phú thường xuyên giúp đỡ mẹ việc bếp núc. Bà có quá ít thời gian, trong khi khâu nấu nướng ngày đó thực sự mất công sức vì sự thô sơ của các sản phẩm gia dụng. Tự mình trải qua sự vất vả và bất tiện khi nấu nướng, Shark Phú nuôi dưỡng một mong muốn có thể làm ra những sản phẩm khiến cho công việc này trở nên dễ dàng hơn.
"Khi thành lập Sunhouse, tôi cũng hướng tới mục đích đó và đến giờ, tôi có thể tự hào là Sunhouse đã sản xuất gần như đầy đủ các vật dụng cần có trong căn bếp. Và nhờ đó, người phụ nữ cũng như người đàn ông có thể hỗ trợ vợ mình rút ngắn thời gian nấu nướng, dành nhiều thời gian làm việc khác mà vẫn có những món ăn ngon." – Shark Phú mỉm cười.
"Tôi nghĩ, nếu tôi tạo nên căn bếp Hạnh Phúc thì tôi có thể giúp cho mọi người trong ngôi nhà luôn gắn kết với nhau". Thực tế, còn có một động lực khiến ông Phú quyết định lướt qua nhiều lĩnh vực có khả năng sinh lời cao như tài chính, bất động sản để toàn tâm toàn ý với thiết bị nhà bếp. Cũng từ những ngày gian khó, khi người dân Việt Nam chỉ biết đến các vật dụng nấu nướng được làm từ nhôm trắng, vụn gang, ông Phú đã chứng kiến cảnh các lò thủ công nấu chảy nguyên liệu có lẫn cả phế liệu để làm nồi, chảo.
Đủ kiến thức sẽ hiểu, cái nồi, cái chảo đó khi sử dụng để nấu ăn sẽ đưa vào thực phẩm những tạp chất bẩn gây ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào. "Căn bếp là nơi đem đến dinh dưỡng cho con người. Tôi nghĩ rằng nếu nó sạch sẽ, an toàn thì mới tạo ra được những thành viên khỏe mạnh, tạo ra một gia đình hạnh phúc."- Shark Phú nói.
Link bài viết
Chính vì thế, khi Sunhouse đã hoàn thành nhiệm vụ làm ra các vật dụng nấu nướng vừa tiện dụng vừa an toàn cho người tiêu dùng, ông Phú cũng nhận thấy căn bếp của mình còn thiếu những gia vị để tạo nên món ăn hoàn hảo. Dấm gạo Thủy Tâm và thương vụ đầu tư mới đây là nước mắm Lê Gia chính là gia vị để bổ sung vào gian bếp ấy. Theo Chủ tịch của Sunhouse, sử dụng vật dụng nấu ăn tốt là một phần, còn cần có nguồn nguyên liệu thực phẩm sạch. Đặc biệt nếu có gia vị an toàn để phát huy vị ngon của các món ăn truyền thống Việt Nam thì càng tuyệt vời.
"Tôi nghĩ đến việc đầu tư vào dấm và mắm với mục đích xây dựng một chuỗi giá trị, tạo ra một căn bếp hạnh phúc" – Shark Phú chia sẻ kế hoạch của mình – "Nếu gặp những startup có sản phẩm thích hợp chuỗi giá trị này, tôi sẽ tiếp tục đầu tư".
Đặt câu hỏi cho ông Phú: "Đối với ông, thế nào là một căn bếp hạnh phúc?", vị "cá mập" nói rằng: "Hạnh phúc là khi chúng ta được sống vui vẻ, được làm điều mình muốn. Không thể hạnh phúc nếu chúng ta sống tại nơi khiến mình khó chịu". Và như thế, một ngôi nhà có gian bếp đỏ lửa, nơi vợ chồng, con cái, anh em, bạn bè quây quần bên mâm cơm nói cười vui vẻ thực sự là một gia đình hạnh phúc. Ông Phú quan điểm, trong một ngôi nhà, căn bếp là trái tim. Căn bếp hạnh phúc là một căn bếp luôn luôn ấm.
"Tôi nghĩ, nếu tôi tạo nên căn bếp thì tôi có thể giúp cho mọi người trong ngôi nhà luôn gắn kết với nhau".
"Xây dựng thương hiệu thực thụ Made in Vietnam là ước mơ cả đời của tôi, tôi hy sinh tất cả vì nó. Những gì sai sót, tôi sẽ lắng nghe và sửa để thực hiện ước mơ đó". 20 năm trước, ông Phú bỏ cuộc sống làm thuê và bắt đầu con đường kinh doanh với số vốn 20 triệu đồng. Để nhập lô hàng đầu tiên trị giá 10.000 USD, ông đã đi vay hoàn toàn. Cứ từng bước vừa làm vừa tích lũy, từ một cơ sở nhỏ và những chiếc chảo chống dính, Shark Phú đã dựng nên một đế chế đồ gia dụng mang tên Sunhouse.
Sẽ không ai có thể phủ nhận vai trò của Sunhouse trong quá trình thay đổi cuộc sống bếp núc của người phụ nữ Việt Nam. Tập trung vào phân khúc bình dân, trong hơn chục năm qua, những bộ đồ nấu nướng, thiết bị gia dụng do doanh nghiệp của ông Phú làm ra đã được hàng triệu gia đình trung lưu và bà con nông thôn đón nhận nhiệt tình.
Link bài viết
Các sản phẩm của Sunhouse giờ đây đã bao phủ toàn bộ một căn bếp, từ nồi, chảo, bếp nấu, máy lọc nước, nồi cơm điện… cho đến máy làm sữa đậu nành, quạt điều hòa. Với các thiết bị có giá vừa túi tiền và chức năng hiện đại, những người thu nhập trung bình, thu nhập thấp đều có thể thay thế chiếc nồi gang chảo nhôm cũ kỹ để sắm sửa một căn bếp thực sự tiện nghi, hiện đại. Đánh đúng thị trường, Sunhouse tăng trưởng rất nhanh và trở thành doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực thiết bị nhà bếp.
"Khi làm đồ gia dụng, tôi tự hỏi: Tại sao người dân mình còn nghèo mà phải dùng đồ với giá cao như vậy? Tôi hoàn toàn có thể làm được đồ tương tự với chi phí chỉ bằng 50% so với nhiều thương hiệu toàn cầu." – Shark Phú khẳng định.
Sunhouse sản xuất đồ tốt mà giá cả phù hợp với thu nhập của đa số người Việt - như ông Phú đánh giá – bằng cách nào? Doanh nhân này cho biết, đó là nhờ áp dụng mô hình như các tập đoàn đa quốc gia: Đặt trung tâm nghiên cứu phát triển ở những nơi có chất xám cao nhất để tạo ra các thiết kế và công nghệ tốt nhất - Tìm nguồn cung ứng vật liệu giá thấp nhất trên toàn cầu - Đặt nhà máy tại nơi có nhân công rẻ.
Ứng dụng vào thực tế sản xuất của Sunhouse, chiến lược của ông Phú là mượn hoặc thuê các chuyên gia hàng đầu Hàn Quốc thiết kế mẫu mã và công nghệ - tìm nguồn nguyên liệu rẻ - và sản xuất tại Việt Nam. Theo số liệu ông cung cấp, 60% sản lượng của Sunhouse được làm tại Việt Nam. 40% còn lại, công ty thuê gia công tại Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc. Đội ngũ của Sunhouse tham gia quản lý chất lượng ở các thị trường gia công này. Shark Phú cho hay, giá thành các sản phẩm tự sản xuất của Sunhouse hiện đã tương đương với Trung Quốc.
Một điểm quan trọng khác đã tạo nên lợi thế về giá cho Sunhouse, đó là việc công ty loại bỏ những tính năng không cần thiết của một thiết bị, chỉ giữ lại những tính năng phổ biến nhất, phù hợp nhất với số đông người tiêu dùng Việt Nam rồi sử dụng những vật liệu tương xứng mức giá đưa ra thị trường.
Nếu bạn mua sản phẩm Sunhouse có cùng giá tiền với thương hiệu khác mà chất lượng kém hơn, các bạn có thể khiếu nại, chúng tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm.
Định vị là thương hiệu bình dân, Sunhouse khó tránh khỏi một số lời phàn nàn về chất lượng. Shark Phú thừa nhận, việc mở rộng rất nhanh của Sunhouse khiến cho nhân sự chưa thể giám sát toàn bộ tiêu chuẩn kỹ thuật đối với một số sản phẩm. Song ông cho biết quan điểm: "Là những người có nghề, chúng tôi cố gắng "gạn đục khơi trong" để chọn được các tính năng cần thiết nhất cho người tiêu dùng Việt Nam trên cơ sở giá thành phù hợp với túi tiền người dân mình nhất.
Và tất nhiên không thể so sánh chất lượng một bộ nồi có giá 300.000-500.000 đồng với bộ nồi 20 triệu được."Ông Phú nhấn mạnh, Sunhouse đã phát triển thêm nhiều phân khúc sản phẩm đáp ứng đầy đủ hơn nhu cầu của người dùng.
"Nếu bạn mua sản phẩm Sunhouse có cùng giá tiền với thương hiệu khác mà chất lượng kém hơn, các bạn có thể khiếu nại, chúng tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm". So với những hãng hàng tiêu dùng quốc tế hơn trăm năm tuổi thì với 18 năm hoạt động, Sunhouse vẫn chỉ là "thiếu niên". Shark Phú khẳng định, dù Sunhouse còn phải học hỏi rất nhiều về kỹ thuật nhưng sản phẩm của hãng sẽ cải tiến theo hướng năm sau tốt hơn năm trước.
"Tôi tin 10 năm nữa, các sản phẩm của Sunhouse sẽ mang tiêu chuẩn toàn cầu, tương đương các tập đoàn đa quốc gia. Xây dựng thương hiệu thực thụ Made in Vietnam là ước mơ cả đời của tôi, tôi hy sinh tất cả vì nó. Những gì sai sót, tôi sẽ lắng nghe và sửa để thực hiện ước mơ đó."
"Tôi sẽ hạnh phúc trọn vẹn nếu như những người xung quanh cũng hạnh phúc. Nếu mình xây ngôi nhà rất to mà con đường dẫn đến nhà chỉ toàn bùn lầy, hay những người xung quanh đều nghèo khổ thì các bạn có sung sướng không?". Trở lại với câu chuyện đầu tư vào các startup, còn nhớ Lê Anh – CEO của nước mắm Lê Gia đã băn khoăn như thế nào trước những yêu cầu của "cá mập": "Như vậy là đẩy hết rủi ro về phía bọn em".
Shark Phú – vốn là người chặt chẽ và chắc chắn – thành thực cho biết, ông đã xác định "đầu tư 10 thì mất 9" khi tham gia Shark Tank và ông vui vẻ chuẩn bị nguồn lực cho sự mất mát đó, theo đúng nguyên tắc quản trị rủi ro của mình. Lý giải về những điều kiện khắt khe đối với startup gọi vốn, Shark Phú nói: "Tôi muốn nhắn nhủ rằng, dòng vốn các bạn được nhận không phải là tiền của bạn. Tiền của Sunhouse được tạo nên bởi hàng ngàn lao động, chẳng qua tôi là người cầm hộ. Tôi có trách nhiệm đem đồng tiền đó tiếp tục đầu tư vào một doanh nghiệp chân chính để tạo thêm nhiều công ăn việc làm, tạo ra nhiều của cải. Tôi muốn các bạn nhận đồng tiền cũng phải có trách nhiệm chứ không thể tiêu một cách dễ dàng".
Đối với dấm gạo Thủy Tâm và nước mắm Lê Gia, Shark Phú chia sẻ ông đã yêu cầu tất cả các bộ phận chuyên môn của Sunhouse phải hỗ trợ toàn diện từ nhân lực tới vật lực, thậm chí còn hỗ trợ đất để Vietferm xây nhà xưởng mới và nhanh chóng mở rộng sản xuất. Đặc biệt là đối với bộ phận Marketing và bán hàng, ông cũng nghĩ đến kế hoạch đưa những sản phẩm này vào các chương trình ưu đãi dành cho khách hàng của Sunhouse. Khi đó, người mua thiết bị gia dụng Sunhouse cũng đồng thời được trải nghiệm các gia vị truyền thống như dấm gạo Thủy Tâm và nước mắm Lê Gia.
Ông Phú tin rằng với sản lượng hàng chục triệu món hàng được bán ra hàng năm ở Việt Nam, Sunhouse sẽ là bệ đỡ giúp cho sản phẩm của các startup nhanh chóng lan tỏa đến tay người tiêu dùng. Điều đó cũng thể hiện trách nhiệm của một doanh nhân đi trước trong việc tiếp sức cho thế hệ sau.
"Tôi hy vọng 20 năm nữa, bạn Phương và bạn Lê Anh có thể giống hình ảnh của tôi ngày hôm nay, tạo ra được nhiều giá trị hơn cho cuộc sống, cho mọi người."
Shark Phú quan điểm, khi tài sản của một người đạt ngưỡng 100 tỷ đồng thì dù có thêm nhiều tiền hơn, họ cũng không còn thấy quan trọng. Vì vậy, những doanh nhân như ông lao tâm khổ tứ để sản xuất, để kinh doanh, mở rộng quy mô doanh nghiệp… không nhằm làm giàu cho bản thân nữa. Mục đích của họ lúc này là tạo ra công ăn việc làm cho mọi người, tạo của cải cho xã hội.
Theo vị doanh nhân, giúp đỡ mọi người cũng chính là giúp mình. Nếu chỉ vì bản thân, cuộc sống này sẽ không thể trọn vẹn an toàn, đẹp đẽ. Đó cũng là triết lý kinh doanh mà Sunhouse kiên định theo đuổi. Đối với Shark Phú, mục tiêu cuộc đời ông và Sunhouse sẽ luôn là tạo nên những Căn bếp Hạnh Phúc. Ông nhấn mạnh: "Một đất nước muốn phát triển phải có rất nhiều gia đình hạnh phúc, một gia đình hạnh phúc mới tạo ra con người có sức khỏe, có trí tuệ để xây dựng quốc gia".
(Theo TTVN)