Có thể nói Việt Nam đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình (TNTB) hoặc đang cận kề bẫy. Nhưng điều quan trọng không phải là tranh cãi xem đã rơi vào hay chưa mà cần xem Chính phủ đã có những hành động, quyết định nào để tránh bẫy này.
Tuy nhiên, cho đến nay chưa có chính sách cụ thể nào được đưa ra để có thể giúp Việt Nam tránh cái bẫy này.
Theo định nghĩa về mặt thống kê, một nước trong tình trạng TNTB thấp là 28 năm hoặc TNTB cao 14 năm, nước đó đang ở trong bẫy TNTB.
Thực tế không cần đợi 28 năm để nói một nước có rơi vào bẫy TNTB hay không, mà có thể biết qua việc người dân có tạo ra được giá trị kinh tế không, các chính sách của chính phủ có tạo ra được điều kiện để người dân tạo ra được giá trị hay không.
Một nước tăng trưởng với lợi thế sẵn có, người dân không tạo ra được giá trị kinh tế thì nước đó rơi vào bẫy TNTB. Một số nước tăng trưởng bằng cách bán tài nguyên thiên nhiên, nhận FDI, ODA, thì đó không phải giá trị của tăng trưởng, mà là bán lợi thế sẵn có. Một đất nước chỉ phát triển thực sự khi người dân và doanh nghiệp tạo ra được của cải, giá trị, không phải dựa trên những lợi thế sẵn có.
Điều đó có nghĩa là một nền kinh tế có động lực phát triển bền vững phải có được những nỗ lực của con người, trong đó bao gồm kỹ năng công nghệ tri thức và sự đổi mới, sáng tạo. Nếu nhìn ở góc độ này, Việt Nam chưa có những nỗ lực để tạo ra giá trị ở khu vực kinh tế tư nhân.
Các nước trong quá trình phát triển, mở cửa ra thế giới bên ngoài sẽ phát triển rất nhanh trong khoảng 10 - 15 năm và Việt Nam đã làm được điều này. Tiếp theo sẽ đến giai đoạn nỗ lực tạo ra giá trị, nâng lên mức thu nhập cao hơn và phát triển nhanh hơn, trong khi một số nước khác, có thể vẫn tăng trưởng nhưng mức tăng trưởng chậm dần và dần tụt xuống mức TNTB. Hiện tại, Việt Nam đang ở trong ngưỡng chuyển đổi quan trọng này.
Khoảng cách giữa các nước có TNTB và các nước có thu nhập cao là chất lượng chính sách. Chất lượng chính sách là yếu tố quan trọng để một nước có thể vượt qua được bẫy TNTB chứ không phải là nguồn lực từ FDI hay ODA. Trong chất lượng chính sách, quan trọng nhất là năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực cũng như của DN.
Những nước có chính sách chất lượng cao ngay từ đầu có thu nhập cao, ví dụ như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc. Phần lớn những nước chưa đạt tới mức thu nhập cao thì ngay từ đầu chưa có những chính sách chất lượng cao. Vì vậy, các nước này phải cải thiện, nâng cao chất lượng chính sách bằng hai cách.
Thứ nhất, phải học hỏi từ những thông lệ tốt nhất từ các nước khác, so sánh các nghiên cứu tình huống khác nhau. Thứ hai, phải tạo ra được chính sách riêng, phù hợp với điều kiện của nước mình, thay vì sao chép từ các nước khác.
Theo kết quả điều tra của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) về mức lương tháng của lao động phổ thông, Trung Quốc và Malaysia đang tăng, Việt Nam cũng đang tăng dần. Tuy nhiên, nếu nhân công vẫn tiếp tục tăng, Việt Nam sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh về lao động rẻ nếu không đồng thời tăng được năng suất lao động.
Nhật Bản trong giai đoạn tăng trưởng nhanh nhất, mức lương tăng 10% và năng suất lao động cũng tăng 10% cho nên không mất đi lợi thế so sánh về giá lao động. Đây là vấn đề lớn ở các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam trở thành nước có TNTB năm 2008. Nhưng 6 năm đã qua, việc tạo ra giá trị kinh tế đang trở lên khó khăn, tăng trưởng đang chậm lại, không còn tăng trưởng ở mức 9-10% mà chỉ tăng dưới 6% và xuất hiện tín hiệu rơi vào bẫy TNTB.
Các thành phần của tăng trưởng gồm 3 nguồn: Thứ nhất, sự năng động của khu vực tư nhân, trong đó bao gồm cả DN và các cá nhân. Thứ hai, lãnh đạo quốc gia phải là những người thông thái, tích cực. Thứ ba, học hỏi về phương pháp, chính sách. Việt Nam rất khó để thay đổi các yếu tố này trong thời gian ngắn.
ICOR (hiệu quả sử dụng vốn đầu tư) của Việt Nam tăng lên trong khi đó TFP (năng suất các nhân tố tổng hợp) lại giảm xuống. Điều đó cho thấy, tăng trưởng của Việt Nam chủ yếu dựa vào số lượng đầu tư và năng suất thặng dư rất ít.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, Việt Nam phải tạo ra nguồn tăng trưởng, có nghĩa là phải cải thiện được năng suất. Việt Nam phải giải quyết được những vấn đề do tăng trưởng gây ra, ví dụ, khoảng cách về thu nhập, môi trường, tắc nghẽn giao thông...