Tại Việt Nam, Smart TV đang được ưa chuộng bởi người dùng có thể cài đặt thêm ứng dụng từ nhà cung cấp dịch vụ thứ ba khiến TV không chỉ là phương tiện giải trí mà còn là công cụ làm việc.
Đọc E-paper
Khi nói đến hệ điều hành, đa số người dùng sẽ liên tưởng đến những chiếc smartphone hoặc máy tính, nhưng với sự phát triển không ngừng của công nghệ thì giờ đây hệ điều hành còn phục vụ cho cả những chiếc smart TV.
Xu hướng Android TV lên ngôi
Màn hình độ nét cao từ Full HD cho đến 4K vẫn là những điểm nhấn khi đại diện các hãng giới thiệu về smart TV. Tuy nhiên, bên cạnh những thông số kỹ thuật, hệ điều hành cho smart TV cũng được đề cập đến nhiều hơn và có 4 hệ điều hành nổi bật đang được tin dùng là Android TV, Samsung Tizen, Firefox OS và LG webOS.
Theo đặc trưng của các hãng, họ sẽ lựa chọn các hệ điều hành phù hợp với smart TV của mình. Chẳng hạn, Samsung và LG đều xây dựng hệ điều hành riêng là Samsung Tizen và LG webOS. Riêng Firefox OS thì chỉ có thương hiệu Panasonic lựa chọn. Nổi bật hơn hết là Android TV khi lần lượt các thương hiệu lớn như Sony, Philips, Sharp, Toshiba và các tên tuổi từ Trung Quốc như TCL, Skyworth... đều sử dụng hệ điều hành này để phát triển TV.
>>5 Smart TV phổ biến trên thị trường
Đa số các hãng lựa chọn Android TV là do số lượng ứng dụng dùng Android trên điện thoại, máy tính bảng và laptop rất lớn nên tài nguyên và nội dung khá đa dạng, từ giải trí cho đến giáo dục, hoặc các tiện ích duy trì kết nối trong cuộc sống như Facebook, Viber, Zalo, Skype... Như vậy, smart TV sử dụng hệ điều hành Android TV không chỉ đơn thuần để giải trí mà còn có thể dùng làm việc như một chiếc máy vi tính vì người dùng có thể cài thêm ứng dụng Office, check email, đọc báo và nhắn tin trên Facebook... Những ứng dụng này trở thành tiện ích khá hay thu hút người dùng khi lựa chọn sản phẩm.
Trong khi đó, Samsung và LG do sử dụng hai hệ điều hành riêng biệt nên sẽ bị hạn chế hơn trong việc cài đặt thêm các ứng dụng mặc dù hai nhà sản xuất này luôn nhận được sự quan tâm từ các hãng cung cấp dịch vụ. Nhưng ở thị trường Việt Nam, đa phần người dùng lại chuộng các ứng dụng trên hệ điều hành Android.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, ở quận Bình Thạnh, cho biết: "Lúc trước gia đình có sử dụng smart TV của Samsung và LG, nhưng chủ yếu chỉ để xem các chương trình truyền hình hoặc giải trí qua kênh YouTube. Trong khi nếu đổi qua smart TV của Sony, Toshiba hoặc TCL thì có thể cài đặt thêm nhiều trò chơi hoặc các ứng dụng xem phim qua mạng như FPT Play, Zing TV..., hoặc ứng dụng Kodi với nhiều kênh giải trí tích hợp nên tha hồ xem phim trực tuyến mà không bị giới hạn bởi quảng cáo hoặc đòi hỏi tài khoản truy cập".
Thu hút người dùng nhờ kho ứng dụng
TV dùng hệ điều hành Android TV tương ứng sẽ có kho ứng dụng Google Play Store để người dùng lựa chọn các ứng dụng từ giải trí đến học tập cài đặt thêm vào. Vì vậy, yếu tố thu hút người dùng chính là TV có thể được cài đặt thêm các ứng dụng hoặc trò chơi yêu thích.
Bên cạnh đó, kho ứng dụng còn có thể truy cập vào các ứng dụng cung cấp bản quyền nội dung số về truyền hình tại Việt Nam như FPT Play, ClipTV, VTVgo, Film+, K+..., và đăng ký tài khoản thì người dùng có thể xem miễn phí một số kênh hoặc phim từ nhà cung cấp dịch vụ nêu trên.
>>Asanzo gây bất ngờ với Smart TV 4K 100 inch đầu tiên do Việt Nam sản xuất
Thế nhưng, kho ứng dụng trên các smart TV Sony, Toshiba, TCL, Skyworth tại Việt Nam đa phần đã được lọc rất nhiều ứng dụng vì nền tảng Android được dùng trên nhiều thiết bị nên có thể gây ra sự xung đột hệ thống. Tuy vậy, đại diện Hãng TCL tiết lộ: "Các hãng sản xuất TV vẫn không khóa việc cài đặt thêm ứng dụng từ bên ngoài. Chẳng hạn, người dùng ưa thích một ứng dụng nhưng không tìm thấy trên Google Play Store của TV thì có thể chép vào USB và cài đặt trực tiếp vào TV thông qua một cú pháp ẩn sử dụng trên remote. Tuy nhiên, Hãng cũng thừa nhận một số ứng dụng có thể gây treo TV, hoặc nếu ứng dụng dính vi rút thì TV sẽ bị ảnh hưởng. Nếu lâm vào tình huống này, người dùng phải thực hiện thao tác tương tự như trên điện thoại, gọi là "hard reset", xóa sạch mọi dữ liệu, đưa TV trở lại trạng thái xuất xưởng và người dùng có thể phải tốn thêm thời gian để dò lại tín hiệu truyền hình, cài đặt ngày giờ, cài đặt mạng wifi... Do vậy, nếu không am hiểu về hệ điều hành Android TV thì người dùng nên hạn chế cài đặt thêm các ứng dụng chưa được hãng TV chọn lọc vì có thể làm TV bị tê liệt".
Nếu không am hiểu về hệ điều hành Android TV thì người dùng nên hạn chế cài đặt thêm các ứng dụng chưa được hãng TV chọn lọc vì có thể làm TV bị tê liệt. |