Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của TP.HCM năm 2015 tụt 2 bậc so với năm 2014. Với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, sự sụt giảm này là đáng báo động và TP.HCM đang quyết tâm cải cách thủ tục hành chính để gia tăng năng lực cạnh tranh.
Kỳ vọng chủ trương sẽ đi vào thực tế
Tại Hội nghị Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước ngày 29/4 tại TP.HCM vừa rồi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ đã tạo nên sự kỳ vọng rất lớn cho đội ngũ doanh nghiệp (DN) và lực lượng doanh nhân. Trong phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những đóng góp của DN đối với sự phát triển kinh tế đất nước, đồng thời nhấn mạnh nguyên tắc lấy DN là đối tượng phục vụ của các cấp chính quyền.
Với quyết tâm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho DN, ngay sau đó, trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Dự thảo Nghị quyết về phát triển DN Việt Nam được đưa ra thảo luận với những vấn đề "sát sườn", như DN không phân biệt quy mô, loại hình đều bình đẳng trong cách tiếp cận vốn ngân hàng, tài nguyên, đất đai, thị trường, cơ hội kinh doanh...; giảm dần và tiến tới loại bỏ các loại giấy phép con, phí, phụ phí bất hợp lý; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế...
Những điều này nếu đi vào thực tế và được triển khai đúng như tinh thần mà Dự thảo Nghị quyết đã nêu sẽ tác động tích cực đến niềm tin của DN đối với đội ngũ lãnh đạo nhiệm kỳ mới.
Việc "cởi trói" cho khu vực kinh tế tư nhân đã trở thành nguyện vọng cấp thiết của giới doanh thương khi đất nước hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.
Còn nhớ, tại buổi làm việc với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trước phiên khai mạc Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X (tháng 10/ 2015) hay gần đây nhất là trong buổi đối thoại với chủ đề "Lắng nghe và đổi mới" giữa DN với lãnh đạo Thành phố (tháng 3/2016), ông Huỳnh Văn Minh - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) nhấn mạnh, giai đoạn 2016 - 2020, cộng đồng DN đứng trước cơ hội lớn nhưng thách thức cũng không hề nhỏ, đặc biệt khi tình hình thế giới biến động không ngừng.
Với đặc thù của Việt Nam là hơn 90% DN có quy mô nhỏ và vừa, tài lực, vật lực còn hạn chế nên khó đuổi kịp kịp yêu cầu của quá trình đổi mới. Do đó, để DN Việt Nam nói chung và cộng đồng DN TP.HCM nói riêng cải thiện được năng lực hội nhập, có ba vấn đề mấu chốt mà các cơ quan quản lý nhà nước cần làm để hỗ trợ DN.
Một là tạo cơ chế, chính sách ổn định lâu dài, thông thoáng để DN an tâm kinh doanh, mở rộng đầu tư.
Hai là cải cách thủ tục hành chính là yếu tố căn cơ để tạo niềm tin cho DN.
Ba là đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và có chính sách tài chính phù hợp, sao cho DN dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng với lãi suất ổn định và chi phí phải trả ở mức thấp nhất.
Cũng tại buổi làm việc với lãnh đạo Thành phố, một DN xuất khẩu hạt điều có trụ sở tại TP.HCM với doanh thu hàng trăm triệu USD/năm đã ý kiến, khoan hãy nói đến những chính sách ưu đãi, vấn đề DN cần trước mắt là thủ tục hải quan, thuế, hành chính phải nhanh gọn, theo thông lệ quốc tế đã là một hỗ trợ tuyệt vời đối với DN.
Chấm dứt tình trạng "nghiên cứu vô thời hạn"
Việc tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi cho DN trở thành động lực cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, năng lực cạnh tranh giữa các địa phương đối với thu hút đầu tư cũng như phản ánh năng lực điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước cấp địa phương.
Điều này thể hiện rõ trong 10 chỉ số thành phần đo lường năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và 22 chỉ số thành phần đo lường hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) dựa trên tương tác giữa chính quyền với người dân.
Mới đây, trong cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội bốn tháng đầu năm, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh đến cải cách thủ tục hành chính trước chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2015 của Thành phố tụt hai bậc so với năm 2014 (từ hạng 4 xuống hạng 6).
Trong đó, nhiều chỉ số thành phần sụt giảm nghiêm trọng, nhất là chỉ số về tính minh bạch, từ thứ 4 xuống thứ 17, riêng phí không chính thức từ thứ 42 đã tăng lên thứ 54.
Với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, sự sụt giảm này là đáng báo động trong khi những địa phương khác đã cải cách mạnh mẽ, như của Đồng Tháp (đứng thứ 2), Quảng Ninh (3), Lào Cai (5), trong khi Đà Nẵng năm thứ ba liên tiếp giữ vững ngôi đầu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong bức xúc cho rằng, cải cách thủ tục hành chính không tốn tiền nhưng rất cần sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành và quan trọng là ý thức của mỗi cán bộ.
Ông Phong dẫn chứng về cách giải quyết những vấn đề liên quan đến 12.500 căn hộ tái định cư cho khu đô thị mới Thủ Thiêm, việc giao Tổ công tác liên ngành (trong đó Sở Xây dựng chủ trì) khảo sát, đánh giá thực tế tình hình và có giải pháp căn cơ, hiệu quả, đã một tháng mà chưa có kết quả.
Việc "nghiên cứu không có thời hạn" này gây lãng phí cho Thành phố (mỗi ngày TP.HCM phải trả khoảng 2,9 tỷ đồng cho các khoản vay để phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm) và gây mất niềm tin đối với người dân.
"Các anh đừng nghiên cứu nữa, mà hãy bắt tay vào hành động. Mình phải đặt vào hoàn cảnh của DN, của người dân mới thấy và hiểu vì sao họ nôn nóng với công việc. Đừng hứa hẹn, đã nhận, giải quyết kiến nghị của họ thì phải có thời hạn rõ ràng, làm đến nơi đến chốn, đặc biệt các thủ tục liên quan đến đất đai phải thực hiện nhanh", lãnh đạo chính quyền TP.HCM nhấn mạnh.
Bất kỳ sự trì trệ nào cũng trở thành nguyên nhân kéo lùi sự năng động và phát triển của TP.HCM. Thậm chí, nếu không được cải thiện, mục tiêu đưa TP.HCM trở thành một trong những trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ hàng đầu của khu vực Đông Nam Á sẽ rất khó thành hiện thực.
Liên quan đến năng lực cạnh tranh cấp địa phương, ông Lê Văn Khoa - Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhìn nhận, có hai chỉ số mà Thành phố còn yếu, đó là tính minh bạch và chi phí tài chính khi DN gia nhập thị trường. Sự minh bạch nằm ở yếu tố con người, con người nhũng nhiễu thì không thể nói đến minh bạch.
Nên chăng Thành phố có cơ chế riêng có thể kiểm tra, giám sát cũng như chế tài để cải thiện triệt để vấn đề này. "Nếu chúng ta xem DN là động lực thì mọi sự đổi mới nhằm phục vụ tốt cho họ sẽ đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế Thành phố”, ông Khoa khẳng định.
>Nâng cao năng lực cạnh tranh qua đào tạo kỹ năng trực tuyến
>Việt Nam xếp thứ 5 Đông Nam Á về năng lực cạnh tranh nhân tài
>Tây Ban Nha dẫn đầu năng lực cạnh tranh ngành du lịch