Cách quản lý tiền để đảm bảo “an sinh gia đình"

Nhan Húc Quân (*)| 02/06/2021 06:00

Quỹ chung - quỹ riêng. Có thể nhiều người sẽ ngạc nhiên, thậm chí phản đối quan niệm của tôi về việc lập quỹ riêng bên cạnh quỹ chung của gia đình. Xin khoan đưa ra kết luận đúng – sai trước khi cùng phân tích hai khái niệm này, và ý nghĩa của các quỹ này.

Cách quản lý tiền để đảm bảo “an sinh gia đình

Phụ nữ ngày nay không đơn thuần là người “nâng khăn sửa túi” cho người đàn ông trong nhà nữa, mà lực lượng này đã tham gia và có đóng góp không nhỏ ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế, bao gồm cả các ngành nghề vốn do cánh mày râu “thống trị”. Từ chính trị, kinh tế, tài chánh, giáo dục, quản trị, y tế sức khỏe cộng đồng, thậm chí nghiên cứu khoa học thiên văn, vũ trụ đều không thiếu những “bóng hồng”.

Điều đó chứng tỏ nữ giới ngày nay đã độc lập hơn, tự chủ hơn và bình đẳng hơn với nam giới trong việc tiếp cận giáo dục và cơ hội việc làm. Bằng việc xác lập giá trị bản thân, chứng minh năng lực qua công việc thực tế, phụ nữ ngày nay đã khẳng định vai trò to lớn của mình trong xã hội, và theo đó họ cũng đạt được mức thu nhập cao hơn, có nhiều cơ hội việc làm tốt hơn, đời sống tinh thần hạnh phúc hơn.  

Với bản tính thiên bẩm là chắt chiu và vun vén, nên trong gia đình, phụ nữ thường được giao trọng trách là người “tay hòm chìa khóa”, quản lý chi tiêu trong gia đình. Đành rằng tiền không phải là tất cả nhưng không có tiền thì cuộc sống sẽ vất vả vô cùng! Vậy thì, muốn làm tốt vai trò và trọng trách “an sinh gia đình”, người phụ nữ ngoài sức khỏe ra còn cần được trang bị kiến thức và kỹ năng quản lý tiền (quản lý tài chánh). Không phải có nhiều tiền mới cần học cách quản lý tiền, phụ nữ cần học cách quản lý tiền sớm để không chỉ biết chi tiêu hợp lý mà còn kiếm được nhiều tiền hơn…

OIP-8317-1622536764.jpg

Nhà trường không dạy cho học sinh, sinh viên cách kiếm tiền và quản lý tiền. Họ chỉ truyền đạt những kiến thức căn bản và phổ quát. Và trên thực tế, không phải phụ huynh nào cũng có đủ hiểu biết và biết cách để chia sẻ và dẫn dắt con cái cách thức quản lý tài chánh cá nhân và gia đình, hướng đến sự ổn định trong ngắn hạn (12 tháng), trung hạn (3 năm) và bền vững trong dài hạn (5 năm hoặc hơn). Và càng không phải con cái nào cũng đều có cơ hội và điều kiện được trò chuyện cùng cha mẹ, được dạy dỗ, chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm trước khi bước vào đời sống hôn nhân, xây dựng một gia đình.  

Nhớ lại, khi con trai đầu lòng quyết định lập gia đình ở tuổi vừa tốt nghiệp đại học và tiếp theo sau đó là quyết định khởi nghiệp với một quán cà phê mang thương hiệu Koneko & Friends ở Melbourne (Úc), tôi đã đặt câu hỏi với các con tôi rằng: “Các con sẽ quản lý việc chi tiêu gia đình và quản lý thu chi quán như thế nào? Hiểu khái niệm của quỹ chung, quỹ riêng ra sao? Vì sao cần phải tách bạch giữa hai quỹ này? Lợi điểm và khuyết điểm trong thực hành là gì?”. 

Quản lý tài chánh gia đình thông qua quỹ chung

Quỹ chung là tài khoản chung, cả hai người cùng có nghĩa vụ đóng góp, dùng để chi tiêu cho mục đích chung. Mức đóng góp nên trong khoảng 70-80% thu nhập của mỗi người, không phân biệt ai kiếm được tiền nhiều tiền ít, vì tính chất việc làm và khả năng kiếm tiền giữa người nam và người nữ có sự khác biệt. 

Quỹ chung sẽ tạo tính trách nhiệm và gắn bó giữa người làm chồng, làm vợ với gia đình nhỏ của họ. Cũng để tránh những xung đột, cãi vã do kém nhận thức về vai trò và trách nhiệm với người hôn phối và với con cái trong gia đình. Đảm bảo ngân quỹ gia đình được an toàn và điều phối theo thỏa thuận chung. 

Ngoài đóng góp từ thu nhập của mỗi người, các khoản thu từ lãi kinh doanh, cho thuê, lợi tức hoặc được cho tặng… cũng được nhập vào quỹ chung.  

Quỹ chung sẽ dùng để chi các khoản tiêu dùng của cả gia đình, như: ăn uống, điện, nước, đi lại, giáo dục, bảo hiểm, du lịch hoặc ma chay hiếu hỷ…

Nếu xây dựng nguyên tắc lập quỹ mà không có cam kết hành động của một trong hai người thì xem như bức tường thành bảo hộ gia đình chưa được đặt viên gạch đầu tiên.

Tài khoản quỹ chung có thể được mở tại bất kỳ một ngân hàng nào trong nước hay của nước ngoài nào, miễn đủ uy tín. Điều quan trọng là đặt nguyên tắc sử dụng: Đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử (E-mobile banking), cả hai người cùng nắm mật khẩu tài khoản để được cập nhật những khoản thu nhập và chi tiêu (gọi là giao dịch), kể cả những khoản nợ thấu chi từ tài khoản thẻ tín dụng, để lên kế hoạch hoàn trả (khuyến nghị chỉ nên sử dụng 01 hoặc 02 thẻ tín dụng, tránh những lúc kẹt hạn mức, thẻ hết hạn, thẻ bị lỗi hoặc bị từ chối). 

Mọi sự chậm trễ hoặc đột suất trong việc thu chi đều cần được thông báo, dự báo để cả vợ và chồng kịp thời bàn luận và tìm cách xử lý. 

Tôi thấy cũng cần đề cập 3 điều tối kỵ trong việc vận hành quỹ chung mà hai người đều cần phải tránh, vì nó hay châm ngòi cho những cuộc “khẩu chiến” có thể là thâu đêm suốt sáng. 

1/ Góp và chi tiền không đúng kế hoạch theo thỏa thuận chung

2/ Không chủ động hay thành thật giãi bày khi có vấn đề phát sinh 

3/ Tỏ thái độ bức bối làm tổn thương cảm xúc về lòng tự trọng của đối phương.

chi-tieu-hop-ly-5-6063-1622536764.png

Quản lý tài chánh cá nhân thông qua lập quỹ riêng 

Sau khi dành 70-80% thu nhập đóng góp vào quỹ chung, mỗi người (vợ và chồng) còn lại 30-20% thu nhập để lập quỹ của riêng mình, phục vụ cho đời sống, học tập, phát triển bản thân hoặc giúp đỡ người khác mang tính cá nhân. 

Quỹ riêng là tài khoản riêng, được giữ ở chế độ bảo mật cá nhân, và người này đều cần tôn trọng sự riêng tư của người kia. 

Khuyến nghị để tiền vào tài khoản ngân hàng dưới dạng không kỳ hạn hoặc có kỳ hạn 1, 3, 6 tháng. Tiền lãi phát sinh từ tiền gốc nếu tiếp tục duy trì một chu kỳ thì sẽ sinh ra lãi kép do tiền lãi phát sinh mới được tính gộp từ tiền gốc và lãi ban đầu (với điều kiện không rút lãi ra). Hoặc đầu tư vào các quỹ đầu tư tài chánh như Finhay, đầu tư vào trái phiếu chính phủ hoặc cổ phiếu (với điều kiện phải am hiểu) của những doanh nghiệp niêm yết có khả năng quản lý vận hành tốt và đạt tỷ suất sinh lời cổ phiếu trên mức bình quân của thị trường. 

Quỹ riêng cũng có thể dùng để tham gia bảo hiểm nhân thọ nhằm đề phòng bất trắc, khi bệnh tật được hỗ trợ chi trả chi phí y tế kịp thời, giảm bớt gánh nặng cho gia đình, căng thẳng cho người thân; hoặc chẳng may bản thân gặp bất trắc thì con cái cũng được để lại một khoản giá trị hợp đồng thừa kế. Tham gia bảo hiểm tuổi hưu cũng là một giải pháp giữ tiền nhằm giảm bớt âu lo nếu chẳng may mất sức lao động sớm hoặc vì lý do cá nhân mất việc. 

Đầu tư nâng cao kiến thức, kỹ năng, chuyên môn cho bản thân, con cái cũng là một khoản chi được khuyến khích, bởi vì thu nhập chỉ được cải thiện khi chúng ta nâng được giá trị bản thân. 

Khi tích lũy đủ, hãy biến tiền thành tài sản, nó có thể là căn hộ nhỏ, căn nhà cũ, hoặc miếng đất thổ cư hoặc phương tiện đi lại, tạo nền móng cho mái ấm gia đình.

Về việc vận hành quỹ riêng, cũng có 3 điều không khuyến khích: 

- Để tiền trong heo đất (công cụ này chỉ phù hợp tập cho con trẻ ý thức thực hành tiết kiệm) hoặc cất giữ tiền mặt quá mức cần thiết chi tiêu cho 1 tháng sinh hoạt của gia đình.  

- Hưởng thụ (ăn uống vui chơi giải trí, mua sắm) với tần suất dày đặc hoặc thấu chi từ tiện ích thẻ tín dụng visa, mastercard để mua những gì “thích thích” trong chốc lát chứ chưa thật sự cần dùng và hữu ích.

- Cho người khác vay mượn với lý do không rõ ràng và chính đáng.

Thể hiện sự tôn trọng và thành tín giữa các bên trong việc góp sức xây dựng và vun đắp tổ ấm trong khi vẫn dành “không gian riêng” cho mỗi người… chính là ý nghĩa sâu xa của việc tách bạch hai quỹ chung và riêng trong gia đình.

(*) Nhan Húc Quân - Tổng giám đốc Công ty New Toyo (Việt Nam)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cách quản lý tiền để đảm bảo “an sinh gia đình"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO