Cách giữ dòng vốn FDI của Mỹ tại TP.HCM trong bối cảnh đại dịch

PGS-TS. Nguyễn Chí Hải - ThS. Nguyễn Anh Tuấn (*)| 15/09/2021 06:00

TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, nơi tiếp nhận nhiều dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 lần thứ tư đang ảnh hưởng lớn tới nỗ lực phát triển kinh tế của Chính phủ, cũng như tất cả doanh nghiệp (DN) FDI tại TP.HCM. Chính sách nào để giữ dòng vốn FDI đầu tư vào Thành phố, trong đó có các DN Mỹ?

Dòng vốn FDI của MỸ tại Việt Nam và TP.HCM

Trong năm 2020, tổng giá trị kim ngạch thương mại giữa Mỹ và Việt Nam đạt trên 90 tỷ USD. Tính trong 8 tháng đầu năm 2021, số vốn đầu tư của Mỹ vào thị trường Việt Nam xếp vị trí thứ 8 trên tổng số 92 quốc gia, vùng lãnh thổ với 51 dự án, tổng số vốn đầu tư là 364,124 triệu USD.

Kể từ tháng 1/1988 đến tháng 8/2021, Mỹ đã đầu tư nhiều nhất vào TP.HCM, với tổng số 488 dự án (chiếm 43,49% tổng số dự án trên toàn quốc) và đứng thứ hai về giá trị, sau Bà Rịa - Vũng Tàu, với tổng số vốn là 1.004,99 triệu USD (chiếm tỷ trọng 10,37%).

Các lĩnh vực đầu tư của Mỹ vào TP.HCM rất đa dạng, tổng cộng 13 ngành, lĩnh vực, trong đó tập trung chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Ngoài ra, các ngành liên quan đến hoạt động chuyên môn và khoa học công nghệ cũng được Mỹ chú ý, tổng cộng có 130 dự án (xếp thứ hai) với vốn đầu tư 108,33 triệu USD (xếp thứ ba).

Trở ngại ngắn hạn do đại dịch Covid-19 đối với các DN Mỹ

Theo Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam), hầu hết DN thành viên đã phải giảm mạnh hoặc dừng hẳn hoạt động từ đầu tháng 7/2021. AmCham kiến nghị tháo gỡ bao gồm cấp phép cho các chuyên gia nước ngoài vào lắp đặt, hướng dẫn vận hành, sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng theo Nghị định 152/2020/NDD-CP cần đơn giản hơn nữa; quy định về phòng, chống dịch với phi công vận tải quốc tế cần điều chỉnh theo thông lệ quốc tế (không nhất thiết phải yêu cầu mặc đồ bảo hộ đầy đủ như bác sĩ trong bệnh viện).

Ngoài ra, cũng giống như các DN trong nước, DN Mỹ cũng đối diện với vấn đề đứt gãy chuỗi sản xuất, logistics và gặp khó khăn tiếp cận vaccine ngừa Covid-19...

AmCham nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam nên sớm công bố lộ trình mở cửa dần với từng lĩnh vực và có mốc thời gian cụ thể để DN có cơ sở lên kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh.

Đầu tư của Mỹ tại Việt Nam (tính từ ngày 1/1/1988 - 20/8/2021) - Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Đầu tư của Mỹ tại Việt Nam (tính từ ngày 1/1/1988 - 20/8/2021) - Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Các khuyến nghị

Về lâu dài, để giữ được dòng vốn FDI sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam từ các đối tác, đặc biệt là Mỹ, chúng ta cần giải quyết những vướng mắc mà các nhà đầu tư đang gặp phải. Chúng tôi có một số khuyến nghị:

Thứ nhất, phải dự báo bối cảnh dịch bệnh sẽ tiếp tục kéo dài và điều chỉnh để thích nghi. Chính phủ có thể xem xét người lao động được phép đến văn phòng, công ty, nhà máy... để làm việc khi đã tiêm 1 mũi và thực hiện 5K; người lao động và đại diện DN được phép di chuyển đến các tỉnh khác để làm việc sau khi đã tiêm đủ 2 mũi và thực hiện 5K. Ngoài ra, với các chuyên gia nước ngoài, nên có chính sách về hộ chiếu vaccine hoặc xây dựng khu vực riêng cho các đối tượng này.

Thứ hai, để giữ vững được vị trí đầu tàu trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và thu hút nguồn vốn từ các đối tác Mỹ, TP.HCM cần giữ ổn định chính sách, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, tiếp tục đầu tư các lĩnh vực công nghệ nền tảng, hiện đại.

Thứ ba, vai trò của Chính phủ không thể thay thế để khống chế dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM cũng như cả nước, vì thế Chính phủ cần xây dựng hệ thống thông tin thông suốt kết nối người dân và các cấp chính quyền. Bản đồ chống dịch được cập nhật thường xuyên tình trạng của từng cá nhân sẽ giúp Chính phủ tập trung có trọng điểm vào công tác chống dịch, đồng thời giúp DN tiếp cận được nguồn lao động có chuyên môn mà không tốn thời gian cho việc tuyển dụng. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ tạo cơ chế đặc thù cho các DN chủ động nhập khẩu vaccine để tiêm phòng cho người lao động.

Thứ tư, việc duy trì sản xuất trong điều kiện dịch bệnh tại các khu công nghiệp của Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương và đặc biệt là Khu Công nghệ cao tại TP.HCM là kinh nghiệm quý đối với việc tái khởi động từng bước nền kinh tế.

Khu Công nghệ cao TP.HCM, nơi có 66/86 DN đang duy trì hoạt động với quy mô khoảng 21.000 lao động (trong đó Tập đoàn Intel vẫn duy trì 60% năng lực sản xuất) nhờ vào việc vận dụng linh hoạt, sáng tạo mô hình “ba tại chỗ”, “1 cung đường - 2 điểm đến” thành “2 tại chỗ” (ăn uống và làm việc tại chỗ) hay “2 tại chỗ 1 vùng xanh”... tạo tiền đề cho việc mở rộng sản xuất trong thời gian tới.

Thứ năm, cần chú trọng đến liên kết vùng, ngành và duy trì chuỗi cung ứng giữa trong nước và nước ngoài, đây là vấn đề “sống còn” với các DN, đặc biệt là DN FDI.

Tóm lại, các nhà đầu tư đến từ Mỹ phần lớn là những tập đoàn lớn. Họ luôn thể hiện tầm nhìn dài hạn và quyết tâm chiến lược khi chọn Việt Nam. Hơn lúc nào hết, để duy trì dòng vốn FDI từ Mỹ, Chính phủ và TP.HCM cần linh hoạt tháo gỡ khó khăn cho các DN, đồng hành cùng DN vượt qua thách thức của đại dịch, duy trì và phát triển sản xuất.

(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc Gia TP.HCM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cách giữ dòng vốn FDI của Mỹ tại TP.HCM trong bối cảnh đại dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO