Theo ông Lê Hữu Nghĩa, thời gian qua báo chí nói nhiều đến "giải cứu bất động sản", tuy nhiên cần phải nhìn nhận vấn đề dưới 3 góc độ, đó là Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
"Các doanh nghiệp bất động sản thời gian qua quá khó khăn, nên có ba cuộc gặp với Chính phủ để bàn cách gỡ khó cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, quan trọng là phải nhìn vào góc độ của người dân. Họ nghĩ gì về giá bất động sản hiện nay? Giá cả hiện tại đã phù hợp với nhu cầu của họ hay chưa hay đang ở trên trời? Người dân cần nhà 20 triệu đồng/mét vuông, trong khi đó giá hiện tại là 40-50 triệu đồng/mét vuông và thậm chí cả trăm triệu đồng/mét vuông. Chỉ khi nào giá nhà thị trường và giá người dân có thể trả bằng nhau, cung gặp cầu thì khi đó thị trường sẽ tự giải cứu", ông Nghĩa nêu quan điểm.
Về cơ hội của thị trường bất động sản trong thời gian tới, theo ông Nghĩa, qua khảo sát 100 doanh nghiệp bất động sản của HUBA thời gian qua thì kết quả không mấy khả quan, hầu hết đều phải "thở oxy", vì thế tình hình bất động sản sẽ còn khó khăn trong thời gian tới.
Ông Lê Hữu Nghĩa cho rằng cách giải cứu bất động tốt nhất là để cung - cầu gặp nhau |
Về việc các doanh nghiệp vừa và nhỏ bức xúc vì phải mua bảo hiểm nhân thọ mới được giải ngân các gói tín dụng, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) TP.HCM cho biết, vừa qua NHNN đã có văn bản số 6535/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về một số vấn đề trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Trong đó, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng nghiêm túc chấp hành quy định pháp luật về hoạt động kinh doanh, các đại lý bảo hiểm không được tự ý kê khai thông tin cho bên bán bảo hiểm khi chưa có sự đồng ý của bên mua bảo hiểm; nghiêm cấm hành vi "ép" khách hàng mua bảo hiểm. "Nếu doanh nghiệp nào vẫn bị các chi nhánh ngân hàng ép mua bảo hiểm nhân thọ thì cứ gọi điện trực tiếp cho tôi, tôi sẽ giải quyết", ông Lệnh khẳng định.