Cách chọn người của Gia Cát Lượng và Hưng Đạo Vương

B.H| 27/03/2011 06:03

Chiều 26/3, tại trụ sở NIIT, số 123 Trương Định, quận 3, TP.HCM, Trung tâm phát triển nguồn nhân lực HD-LEADMAN đã tổ chức tọa đàm “Nhân tướng học trong nhận diện tính cách & năng lực nhân sự” với sự tham gia của các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và cán bộ giảng dạy một số trường đại học tại TP.HCM.

Cách chọn người của Gia Cát Lượng và Hưng Đạo Vương

Chiều 26/3, tại trụ sở NIIT, số 123 Trương Định, quận 3, TP.HCM, Trung tâm phát triển nguồn nhân lực HD-LEADMAN đã tổ chức tọa đàm “Nhân tướng học trong nhận diện tính cách & năng lực nhân sự” với sự tham gia của các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và cán bộ giảng dạy một số trường đại học tại TP.HCM.

Ảnh B.H

Phần đầu tọa đàm, “Thanh từ Dịch học sĩ” Trần Quốc Thái (một danh xưng khá độc đáo) đã giới thiệu tổng quát môn khoa học nghiên cứu về Nhân tướng học.

Qua ý kiến của ông Trần Quốc Thái, cử tọa được tiếp cận một cách bài bản các nguyên tắc học thuật của vấn đề dựa trên khát vọng người xưa: “Thượng thông thiên văn - Hạ đạt địa lí - Trung tri nhân sự”. 

Bộ môn này cũng giúp con người hướng đến những cái đích rất sáng: hiểu và sửa mình, hoàn thiện bản thân, rèn tâm, sửa tướng. Việc học tập, tích lũy kiến thức về Nhân tướng học cũng nhằm biết về người khác để giúp đỡ họ.

Cũng từ các định tính rút ra từ bộ môn này, giúp người ta định hướng nghề nghiệp sát hơn. Cuối cùng, nếu rèn luyện tốt, đạt tới một hạn mức cao trong nghề nghiệp còn có thể dự đoán vận mệnh một cách chủ động trong lộ trình “tri thiên mệnh - tận nhân lực”, làm chủ cuộc sống.

Hơn thế nữa, Nhân tướng học còn tạo ứng dụng để nhận diện ra những năng lực nằm trong nhu cầu nhân lực, để tạo nguồn cốt cán cho mỗi công ty, tổ chức.

Trong phần thứ hai của tọa đàm, ông Trần Việt Quân - Tổng giám đốc Bách khoa Computer đã nghiên cứu bí quyết chiêu hiền đãi sĩ và tuyển mộ tướng tài của các bậc tiền bối xưa rồi diễn giải lại cho phù hợp với chiến lược quản trị nhân sự trong các công ty hiện đại.

Ông đi sâu vào chuyên đề về cách dùng người, cách định dạng của các danh nhân như Trần Hưng Đạo, Khổng Minh Gia Cát Lượng… giúp người nghe nhận thức về những ứng dụng của môn khoa học này từ nhiều thế kỷ xa xưa.

 Ông Trần Quốc Thái (trái) và ông Trần Việt Quân - Tổng giám đốc Bách khoa Computer  (phải) - Ảnh B.H

Theo cuốn Gia Cát Lượng, nhà quân sư tiên tri, thì đầu tiên cần chọn “tướng có lòng nhân ái”. Xét trong bối cảnh doanh nghiệp thời nay thì là chọn người quản lý hoặc nhóm trưởng có đức: biết quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân viên thuộc cấp, để dốc lòng giúp họ giải quyết khó khăn. Tiếp theo đó là “tướng có lòng nghĩa hiệp”.

Tuýp quản lý này không bị dao động bởi lợi nhuận, không chấp nhận luồn cúi, nên thà “chết vinh còn hơn sống nhục”. Họ làm việc có trách nhiệm và thậm chí chấp nhận thiệt thòi, miễn sao bảo đảm quyền lợi tập thể. Quan trọng thứ ba là “tướng có lễ nhượng”. Cơ bản trong lễ là “kính trên nhường dưới”, nên người quản lý, đặc biệt là người được cất nhắc thăng chức từ vị trí nhân viên trước đây, cần tiếp tục duy trì thái độ khiêm nhường, hành vi nhã nhặn. Tài năng nhưng không tự mãn; cứng cỏi nhưng luôn nhẫn nhịn. Có như thế, mới được tập thể kính nể và tin yêu.

Sau nhân, nghĩa, lễ, rồi mới xét đến trí. Vị tướng có mưu trí tương đương với người quản lý nhanh nhạy khi ứng phó với những biến cố đột ngột phát sinh. Đồng thời, còn là người có khả năng lật ngược thế cờ, chuyển bại thành thắng. Tiêu chí thứ năm là “tướng có lòng tín thực”: công - tư phân minh, thưởng - phạt rõ ràng.

Cụ thể hơn, khi công ty ký được hợp đồng giá trị, thì người làm “sếp” phải nghĩ ngay đến cống hiến của anh chị em nhân viên để nhanh chóng khen thưởng, khích lệ tinh thần, bồi bổ vật chất. Ngược lại, Khi công ty bị thiệt hại nặng, thì phải xử phạt nghiêm minh. Tuyệt đối không chỉ vì tình riêng mà miễn truy cứu trách nhiệm. Có như thế mới bảo đảm công bằng và ổn định tập thể. Thêm vào đó, “tướng thủ hạ của bậc đại tướng” và “tướng cưỡi ngựa” đòi hỏi người quản lý phải tinh thông kiến thức và dày dặn kinh nghiệm chuyên ngành. Và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, doanh nghiệp hãy chọn người quản lý có dũng khí đương đầu thử thách, dám đứng đầu sóng ngọn gió với khí thế phi thường như “tướng mạnh dạn”.

Ảnh B.H

Vượt hẳn tám hạng tướng kể, bậc đại tướng sẽ hội đủ những phẩm chất: khiêm nhường và nể trọng người tài; lắng nghe và cân nhắc lời can gián; có chủ kiến nhưng cũng biết tiếp nhận lời khuyên để đưa ra quyết định cuối cùng một cách sáng suốt; giản dị, chân thành; và có khả năng xử lý tình huống tốt.

Bên cạnh những phẩm chất trên, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn còn đánh giá cao những vị tướng “thấy ác không giận, thấy lành không mừng, nhan sắc không thay đổi, đó là lượng của người thiên tử”, tức là người quản lý có bản lĩnh, luôn điềm tĩnh. Không dễ dàng bộc lộ vui buồn, phơi bày tâm can, nhằm tránh để đối phương đoán biết điểm yếu và đường đi nước bước những dự định.

Người quản lý phải vững chãi mới có thể làm chỗ dựa cho tập thể, chứ tuyệt đối không được “gặp sự thắng nhỏ, gặp sự thua nhỏ, mà mừng lo ra nét mặt, hễ thấy động thì động, thấy tĩnh thì tĩnh”. Đặc biệt, Đức Thánh Trần đánh giá thấp những người không tự tin ở điều mình làm, để khi có sai sót thì ngụy biện, lấp liếm… (*)

Áp dụng rập khuôn hoặc đòi hỏi hoàn hảo là sai lầm, nhưng các doanh nhân có thể nghiền ngẫm và thử thực hành một cách linh hoạt, tùy hoàn cảnh, để ổn định nhân tố con người, vốn là cái gốc để phát triển doanh nghiệp. 

Cuộc tọa đàm về Nhân tướng học được kỳ vọng sẽ trở thành bước tiền khởi trên con đường dài chinh phục khoa học, trong đó có khoa học về con người, rất đáng khích lệ.

(*) Trích “Tâm tướng và ứng dụng trong đánh giá con người và đối tác kinh doanh” của diễn giả Trần Việt Quân, Tọa đàm “Ứng dụng Nhân tướng học trong Quản Trị nhân sự” của Viện Nghiên cứu Khoa học Lãnh đạo và Quản trị Doanh nghiệp – Trung tâm phát triển nguồn nhân lực HD-LEADMAN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cách chọn người của Gia Cát Lượng và Hưng Đạo Vương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO