Ồ ạt đầu tư công nghệ
Đầu tháng 2/2021, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) công bố trở thành đơn vị tiên phong trong hệ thống ngân hàng Việt Nam đưa vào vận hành trợ lý ảo tổng đài FPT.AI. Công nghệ này được cho là sẽ mang tới các trải nghiệm liền mạch cho khách hàng, nâng cao hiệu suất vận hành ngân hàng và đảm bảo hoạt động chăm sóc khách hàng liên tục trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay.
Trước đó, vào đầu tháng 12/2020, Công ty Tập đoàn Thiên Long đã chính thức bắt đầu với lộ trình chuyển đổi số toàn diện. Theo chia sẻ từ lãnh đạo Tập đoàn Thiên Long, DN này sẽ tập trung vào số hóa và tối ưu vận hành, xây dựng nhà máy thông minh với những công nghệ tiên tiến như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng cho hoạt động vận hành hệ thống ứng dụng và trung tâm dữ liệu song song với việc chuyển đổi nguồn lực con người phù hợp với chiến lược chuyển đổi số.
Cũng trong xu hướng này, Ngân hàng ACB đã nhanh chóng ứng dụng công nghệ AI, Machine Learning, API... vào hoạt động quản lý, tạo kết nối với khách hàng.
![]() |
Chia sẻ lý do đầu tư cho công nghệ trợ lý mới, Lê Thu Thủy - Tổng giám đốc SeABank cho rằng, nhu cầu gia tăng nhanh chóng của hơn 1,6 triệu người dùng sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của SeABank là một thuận lợi nhưng cũng là thách thức đối với ngân hàng trong việc chăm sóc và tư vấn kịp thời cho khách hàng thông qua hệ thống tổng đài, trong khi phải đảm bảo hiệu quả vận hành, tối ưu nhân sự. Vì lý do này, SeABank đã hợp tác với FPT Smart Cloud, trở thành ngân hàng đầu tiên trong hệ thống ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, tạo nên sự đột phá trong năng lực chăm sóc khách hàng.
Cũng theo bà Lê Thu Thủy, trong quá trình phát triển, SeABank xác định chiến lược hội tụ số và kiến trúc hạ tầng công nghệ đồng bộ, hiện đại là trụ cột chính để phát triển ngân hàng, góp phần gia tăng trải nghiệm khách hàng. SeABank cũng tiên phong đầu tư nền tảng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động hằng ngày thông qua việc ra mắt ứng dụng tài chính SeAMobile cũng như áp dụng trong quá trình vận hành nghiệp vụ. Việc triển khai công nghệ trợ lý ảo tổng đài nằm trong lộ trình chiến lược của SeABank để nâng cao chất lượng dịch vụ và phục vụ khách hàng tốt hơn cũng như tối ưu hóa vận hành.
Sẽ bùng nổ?
Các chuyên gia cho rằng, trong điều kiện khó khăn hiện nay thì việc đầu tư vào công nghệ là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất cho DN. "Khi tình hình dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, việc triển khai giải pháp trợ lý ảo tổng đài giúp SeABank đảm bảo khả năng vận hành và kinh doanh liên tục. Hoạt động chăm sóc khách hàng được thông suốt trong bối cảnh nhiều DN tại một số địa phương phải cắt giảm số lượng nhân viên trực hệ thống để đảm bảo giãn cách xã hội", bà Lê Thu Thủy nói.
Ông Cô Gia Thọ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thiên Long cũng có cùng nhận định này và cho biết thêm công ty đặt ra mục tiêu đạt doanh thu 10.000 tỷ đồng trong vòng 5 năm tới.
"Có rất nhiều yếu tố cần có để Thiên Long đạt mục tiêu này và công nghệ thông tin là một trong những yếu tố không thể thiếu. Năng lực công nghệ, kinh nghiệm thực tế và đội ngũ nhân sự nhiệt huyết, năng động, chuyên nghiệp chính là nền tảng để công ty định chọn FPT là đối tác đồng hành", ông Cô Gia Thọ nói.
Hiện nay, các DN sản xuất được xem là những DN sớm nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số và là những DN đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ số. Đặc biệt, Covid-19 đã tạo ra cú hích thúc đẩy mạnh mẽ xu hướng chuyển đổi số của các DN này. Ông Raz Mohamad - Giám đốc khối DN nhỏ và thương mại của Cisco cho rằng, chuyển đổi số là cách để DN nhỏ và vừa phục hồi trong giai đoạn hậu Covid-19. Công nghệ không chỉ giúp giải quyết một số thách thức lớn và phục hồi hoạt động mà còn giúp duy trì tăng trưởng trong dài hạn.
Số liệu từ các công ty công nghệ cho thấy, việc tối ưu hóa vận hành, tạo ra những mô hình kinh doanh và quản trị hiệu quả mới, cùng sáng tạo cùng đầu tư vào công nghệ mới dựa trên những ứng dụng công nghệ mới nhất như Cloud, AI, Robotics, IoT, blockchain không chỉ là những ưu tiên hàng đầu của DN trong Covid-19 mà là xu hướng hợp tác mới tạo ra các liên minh, cùng thắng trên hành trình chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.
Theo chia sẻ từ Tập đoàn FPT, trong năm 2020, dưới những biến động từ Covid-19, FPT đã ký nhiều hợp đồng trên 100 triệu USD với các khách hàng nằm trong top 300 công ty lớn nhất toàn cầu. Những hợp đồng này sử dụng chuyên gia, công nghệ của FPT, đặc biệt là các công nghệ tự động hóa và gia tăng năng suất như robot, AI để tạo ra sự khác biệt với các đối thủ. Còn tại thị trường trong nước, DN này cũng đã đối tác chiến lược tư vấn, triển khai chuyển đổi số cho nhiều DN lớn trong các lĩnh vực bán lẻ, viễn thông, hàng không, thủy sản, logistics... như MobiFone, Minh Phú, Vietnam Airlines, DPDgroup... Và chắc chắn con số này sẽ còn dài thêm nữa khi mà nhu cầu đầu tư về công nghệ đang tăng lên.
Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), xu hướng DN tìm kiếm quy trình chuyển đổi số tại Việt Nam tăng gấp 6 lần, đạt mức cao nhất khu vực Đông Nam Á. Nền kinh tế số Việt Nam năm 2020 ước đạt quy mô 13,5-14 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2019 và được dự đoán sẽ còn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, ước đạt 35 tỷ USD vào năm 2025. Đây chính là cơ sở vững chắc cho tiến trình chuyển đổi lên số hóa của các DN. Một nghiên cứu do IDC và Cisco thực hiện tại 14 nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho thấy, có tới 72% DN nhỏ và vừa của Việt Nam đang tìm cách chuyển đổi số nhằm đưa các sản phẩm và dịch vụ mới ra thị trường, tăng cao so với tỷ lệ 32% của các nước. Bên cạnh đó, hơn 70% số DN tham gia khảo sát nhận thấy họ phải thay đổi để bắt kịp sự cạnh tranh, trong khi 46% cho biết lý do chuyển đổi là vì yêu cầu từ phía khách hàng. |