Cả nước đồng loạt công bố Nghị quyết, Quyết định sáp nhập đơn vị hành chính
Sáng nay (30/6), trên toàn quốc sẽ đồng loạt diễn ra Lễ công bố các nghị quyết, quyết định quan trọng của Trung ương và địa phương liên quan đến việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã; đồng thời thành lập các tổ chức Đảng, chỉ định cấp ủy, HĐND, UBND và MTTQ tại các tỉnh, thành phố, xã, phường và đặc khu hành chính.
Đây là một sự kiện có ý nghĩa chính trị, pháp lý và hành chính to lớn, đánh dấu bước ngoặt lịch sử trong công cuộc tổ chức lại bộ máy nhà nước, hướng đến mục tiêu xây dựng nền hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
Việc sáp nhập không chỉ giúp tổ chức lại giang sơn hợp lý mà còn mở ra một vận hội phát triển mới, vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc và bền vững.
Lễ công bố tại các địa phương trọng điểm sẽ có sự hiện diện của các lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, thể hiện sự quan tâm sâu sắc và quyết tâm chính trị mạnh mẽ trong tiến trình cải cách hành chính.
Cụ thể, Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ tham dự lễ công bố tại TP.HCM; Chủ tịch nước Lương Cường dự lễ tại Hà Nội; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự tại TP. Hải Phòng; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự lễ công bố tại TP. Cần Thơ và Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú tham dự lễ tại TP. Đà Nẵng. Ngoài ra, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng sẽ về các địa phương khác trên cả nước để tham dự lễ công bố và trực tiếp trao các nghị quyết, quyết định quan trọng.

Tại buổi lễ, các nghị quyết và quyết định trọng yếu sẽ được công bố và trao chính thức, bao gồm: Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập các tỉnh, thành phố mới; Quyết định của Bộ Chính trị về việc thành lập Đảng bộ tỉnh, thành phố; cùng với đó là các quyết định của Bộ Chính trị về việc chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Ngoài ra, Ban Bí thư cũng ban hành các quyết định chỉ định Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Chủ nhiệm và các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra cấp tỉnh. Cùng lúc đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ công bố nghị quyết chỉ định các chức danh lãnh đạo Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố như Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND; Trưởng các ban HĐND; Trưởng đoàn và Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội.
Về phía Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ ký quyết định chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng sẽ công bố quyết định thành lập Ủy ban MTTQ Việt Nam tại các tỉnh, thành mới.
Ở cấp xã, phường và đặc khu, các nghị quyết và quyết định được công bố bao gồm: Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập các xã, phường, đặc khu mới thuộc tỉnh, thành phố sau sáp nhập; quyết định của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc kết thúc hoạt động của các đảng bộ cấp huyện, cấp xã cũ.
Tiếp đó, Ban Chấp hành Đảng bộ các tỉnh, thành phố sẽ công bố quyết định thành lập các Đảng bộ xã, phường, đặc khu mới, cùng với quyết định chỉ định nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy các đơn vị hành chính mới.
Các chức danh lãnh đạo HĐND và UBND cấp xã như Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Trưởng ban HĐND cũng sẽ được công bố chính thức. Đồng thời, MTTQ Việt Nam cấp xã cũng sẽ được thành lập theo quyết định của Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh. Các quyết định này sẽ được trao tại lễ công bố và các tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ cấp cơ sở sẽ chính thức ra mắt và đi vào hoạt động.
Trước đó, ngày 12/4/2025, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW, xác lập phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện và sắp xếp lại cấp xã, đồng thời xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Nghị quyết này là nền tảng chính trị và pháp lý vững chắc cho việc triển khai đợt cải cách hành chính quy mô lớn nhất trong lịch sử hiện đại của đất nước. Tiếp nối, ngày 12/6/2025, Quốc hội đã chính thức thông qua nghị quyết về việc thành lập các đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập, đưa tổng số đơn vị hành chính cấp tỉnh từ 63 xuống còn 34, đây là số lượng thấp nhất kể từ ngày đất nước thống nhất năm 1975.
Đây là lần điều chỉnh địa giới hành chính cấp tỉnh có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, phản ánh quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong việc tổ chức, tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả và hiện đại.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thông qua 34 nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trong năm 2025. Theo đó, tổng số đơn vị hành chính cấp xã trên toàn quốc đã giảm mạnh từ 10.035 đơn vị xuống còn 3.321 đơn vị, bao gồm 2.621 xã, 687 phường và 13 đặc khu. Việc tinh giảm này không chỉ mang ý nghĩa cải cách cơ học, mà còn tạo ra điều kiện để nâng cao chất lượng quản trị địa phương và cải thiện dịch vụ công cho người dân.
Tiến trình sáp nhập và sắp xếp lại các đơn vị hành chính là bước đi chiến lược nhằm xây dựng nền hành chính hiện đại, phát huy hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời tiết kiệm nguồn lực, tinh giản biên chế và tăng cường hiệu lực, hiệu quả điều hành.
Đây không chỉ là sự kiện hành chính, mà là dấu mốc khởi đầu cho một vận hội phát triển mới, thể hiện quyết tâm đổi mới toàn diện của Đảng và Nhà nước, vì sự phát triển phồn vinh, hạnh phúc và bền vững của đất nước trong thời kỳ hội nhập sâu rộng.