Buôn bán toàn cầu suy giảm do đâu?

01/07/2011 05:19

Thương mại thế giới năm 2011 dự kiến không bằng năm 2010 do nhiều nhân tố tác động, nhưng Châu Á vẫn là khu vực năng động nhất.

Buôn bán toàn cầu suy giảm do đâu?

Thương mại thế giới năm 2011 dự kiến không bằng năm 2010 do nhiều nhân tố tác động, nhưng Châu Á vẫn là khu vực năng động nhất.

Số liệu do Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công bố đầu tháng 4/2011 cho thấy kim ngạch buôn bán thế giới năm 2010 đạt 37.000 tỉ USD, tăng 14,5% và đạt mức cao kỉ lục trong lịch sử. Nhưng bước sang năm 2011, kim ngạch buôn bán thế giới giảm đi đáng kể, nhất là bị tác động bởi hậu quả động đất và sóng thần Nhật Bản ngày 11/3/2011, dự kiến mức tăng trưởng chỉ đạt 6,5% cả năm, nhưng dù sao vẫn cao hơn mức bình quân 6% từ năm 1990-2008.

WTO liệt kê những nguyên nhân sau đây đang khiến cho buôn bán toàn cầu trở nên ảm đạm:

- Một là tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2011 suy giảm, có thể chỉ đạt 4,2% thấp hơn mức dự kiến 4,8%, từ đó làm cho buôn bán thế giới suy giảm theo. Giao dịch trên thị trường chứng khoán thể hiện rõ sự suy giảm trao đổi buôn bán giữa các nước, ước tính từ đầu năm tới tháng 5/2011 có tới trên 3.300 tỉ USD rút khỏi thị trường.

- Hai là động đất và sóng thần Nhật Bản, một nước lớn thứ ba về kinh tế và buôn bán, đã tác động tới xuất nhập khẩu của Nhật Bản và của các nước trên thế giới, nhất là các nước là đối tác buôn bán quan trọng của Nhật, như Mỹ, Trung Quốc, Đông Nam Á và EU. Theo WTO, tam giác buôn bán lớn nhất thế giới là Nhật-Trung Quốc-EU và Mỹ đã bị tác động mạnh do các ngành điện tử, ô tô, kim loại của đối tác Nhật Bản bị tổn thất nặng nề.

- Ba là chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch có chiều hướng ngóc đầu dậy. Để bảo vệ kinh tế trong nước, nhiều nước đã dựng lên các dinh lũy ngăn chặn lưu thông buôn bán với thế giới bên ngoài. Mâu thuẫn buôn bán thường xuyên xảy ra và theo đó các biện pháp trừng phạt thường xuyên được áp dụng. Cơ quan cảnh báo mậu dịch toàn cầu (GTA) thuộc Trung tâm nghiên cứu chính sách kinh tế của Anh cho biết từ tháng 11/2008 tới tháng 12/2009, chính phủ các nước đã đưa ra tới 297 biện pháp bảo hộ mậu dịch.

- Bốn là “Vòng đàm phán Doha” chưa có tiến triển đột phá, điều này cũng làm cho niềm tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng bị giảm sút, từ đó làm buôn bán thế giới trở nên ảm đạm.

WTO cho biết 153 nước thành viên nhóm họp tại Geneve hồi cuối tháng 5/2011 đã nhất trí trong Hội nghị Bộ trưởng thương mại họp tháng 12/2011 có kế hoạch dành quyền ưu tiên cả gói đối với các nước đang phát triển. Đây sẽ là bước đột phát lớn sau 10 năm dai dẳng của Vòng đàm phán Doha. Tờ “The Wall Street” ngày 27/6 cho biết Mỹ có thể nhượng bộ về “vấn đề trợ cấp bông”, một trong vấn đề tranh cãi lâu nay. Các nhà kinh tế dự đoán rằng nếu Vòng đàm phán Doha đạt được tiến triển sẽ là động lực lớn thúc đẩy mậu dịch thế giới năm 2012.

Đánh giá chung về tình hình buôn bán thế giới, WTO cho rằng Châu Á vẫn là đầu tàu lôi kéo mậu dịch toàn cầu, trong đó Trung Quốc hiện trở thành nước có kim ngạch buôn bán lớn nhất thế giới và Ấn Độ năm 2011 sẽ lọt vào tốp 10 nước có kim ngạch buôn bán hàng đầu thế giới.

Dự kiến năm 2030 kim ngạch buôn bán thế giới có thể đạt 149.000 tỉ USD và năm 2050 có thể đạt 371.000 tỉ USD. Năm 2010 kim ngạch mậu dịch của Châu Á chiếm 24% thế giới, tới năm 2030 chiếm 42% và năm 2050 chiếm 46%. Châu Á sẽ trở thành châu lục có kim ngạch mậu lớn nhất thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Buôn bán toàn cầu suy giảm do đâu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO